"Trump Trade": Mối lo ngại với nhà đầu tư nếu Donald Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai
Thái Linh
Junior Editor
Trên thị trường, "Trump Trade" đang diễn ra.
Trong nhiều tháng, khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng là cú sốc tiềm tàng lớn nhất đối với các thị trường mà không ai muốn nhắc đến. Khi được hỏi về vấn đề này, các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường lẩm bẩm điều gì đó mơ hồ về thuế và chi tiêu. Kịch bản thường là: “Chà, các chính sách tài chính gần giống như của Joe Biden nên chúng tôi không thấy có nhiều tác động và thông thường các cuộc bầu cử không quan trọng lắm trong lịch sử.”
Điều này vẫn luôn kỳ lạ. Các nhà chính trị tin rằng đây là cuộc bầu cử có ảnh hưởng và phân chia rõ ràng nhất trong thời đại chúng ta, và các nhà đầu tư đang nói rằng việc ai thắng không thực sự quan trọng.
Chắc chắn là không có ứng cử viên nào sẽ lên tiếng về việc giảm thâm hụt. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc nhà đầu tư vẫn còn lưỡng lự là do họ không muốn làm ứng cử viên Đảng Cộng hòa thất vọng trong trường hợp ông thành công. Tuy nhiên, việc đó giờ đây đang trở nên khó khăn hơn khi cương lĩnh chính sách kinh tế của Trump trở nên rõ ràng hơn và các nhà giao dịch cũng như nhà đầu tư nhìn nhận vụ ám sát như động lực thúc đẩy cơ hội thành công trong bầu cử của ông.
Các nhà đầu tư đều cho rằng "Trump 2.0" có tính lạm phát. Thuế thương mại tăng mạnh, hàng loạt đợt cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp và cá nhân giàu có, bãi bỏ quy định và trấn áp mạnh tay đối với người nhập cư chắc chắn là công thức rõ ràng giúp cổ phiếu tăng giá, nhưng cũng dẫn đến lạm phát cao hơn - điều có hại cho giá trái phiếu.
Cổ phiếu đang dựa trên kịch bản này, tiếp tục tăng cao hơn bất chấp mọi lo lắng thường thấy về mức định giá vốn đã cao. Tuy nhiên, tác động của câu chuyện lạm phát còn phức tạp hơn nhiều.
Lấy ví dụ, diễn biến thị trường vào thứ 2 - ngày giao dịch đầu tiên sau vụ ám sát. Trái phiếu dài hạn ban đầu sụt giảm, sau đó lại tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm đang trượt xuống mức đáy kể từ tháng 3 khi giá và nhu cầu tăng lên.
Điều này chính là tâm điểm của nhiều mâu thuẫn về khả năng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, khiến các nhà đầu tư rất khó giải quyết. Mối đe dọa lạm phát là có thật nhưng lại mâu thuẫn với dữ liệu cho thấy hiện tại. Lạm phát đang giảm dần và điều này mâu thuẫn với lập trường mà ông Trump đã hoàn toàn tin tưởng khi chọn JD Vance làm phó tổng thống tranh cử.
Tín hiệu từ việc ưu tiên Mỹ trên hết là điều tồi tệ đối với Ukraine. Với những tuyên bố trước đây của ông Vance về cuộc xung đột đó, sự hỗ trợ cho việc phòng thủ của Ukraine sẽ nhanh chóng tan biến. Điều này cũng cho thấy xung đột kéo dài đối với Trung Quốc, điều mà ông Vance mô tả trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ 2 là mối đe dọa lớn nhất thế giới đối với Mỹ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn dưới dạng TPCP Mỹ - tài sản được ưa chuộng nhất trong thời điểm căng thẳng địa chính trị. Tương tự như vậy, ông Vance cho biết rằng một làn sóng lạm phát mới sẽ có lợi cho USD.
"Trump Trade" trở thành, như Rabobank đưa ra trong một ghi chú gần đây, “Chump Trade”, liên tục “đánh ngã” bất kỳ ai mong muốn một cái nhìn rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, có hai điều rõ ràng. Đầu tiên, tác động của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có thể sẽ ảnh hưởng mạnh hơn tới các thị trường bên ngoài Mỹ. Đối với nhiều nhà đầu tư toàn cầu, Trung Quốc không còn là địa điểm thích hợp để đầu tư nữa, và điều này có khả năng sẽ tiếp tục trong nhiều năm nếu Trump và Vance thành công. Từ đó, thị trường toàn cầu có thể sẽ ưa chuộng chứng khoán Mỹ hơn châu Âu, đặc biệt nếu ông Trump rút lại sự ủng hộ đối với cả Ukraine và NATO.
Thứ hai, các nhà đầu tư phải xem xét họ sẽ phản ứng thế nào nếu Trump vượt qua ranh giới và can thiệp vào tính độc lập của Fed. Michael Strobaek, giám đốc đầu tư của ngân hàng tư nhân Lombard Odier, cho biết: “Nếu ông Trump can thiệp vào Fed, bất ổn và bạo loạn sẽ diễn ra trên thị trường”.
Độ tin cậy của Fed rất khó để định lượng và định giá. Như Salman Ahmed, bộ phận vĩ mô toàn cầu tại Fidelity International đã nói, đó là “một trạng thái”. Nhưng một khi không còn độ tin cậy, “bond vigilantes” (mô tả các nhà đầu tư mong muốn lợi suất cao hơn đối với trái phiếu chính phủ để bù đắp cho lạm phát gia tăng) sẽ xuất hiện.
Một Maga Fed có giá trị bao nhiêu phần trăm của lợi suất trái phiếu? Làm thế nào để có thể cân bằng trước nhu cầu của các nhà quản lý quỹ tìm kiếm sự an toàn? Về lâu dài, đây là những câu hỏi mang tính hệ quả hơn là liệu chứng khoán Mỹ có thể tăng thêm bao nhiêu nếu ông Trump cắt giảm thuế doanh nghiệp.
Điều đáng báo động là các nhà đầu tư không biết câu trả lời. Tệ hơn nữa, họ biết chỉ có một cách để biết câu trả lời. Không lựa chọn phe nào có thể là chiến lược đúng đắn nhất thời điểm hiện tại.
Financial Times