Trump và đồng USD: Liệu "vũ khí kinh tế" Mỹ có thể bị lung lay?
Ngọc Lan
Junior Editor
Những tuyên bố mới nhất của Donald Trump về thiệt hại mà đồng USD quá mạnh gây ra cho nền kinh tế Hoa Kỳ đã khơi lại một cuộc tranh luận quen thuộc: Liệu ông có thể làm suy yếu đồng tiền dự trữ thống trị thế giới này không? Câu trả lời ngắn gọn là không thể, hoặc ít nhất là không thể thực hiện mà không gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Còn câu trả lời dài hơn là, có lẽ ông ấy cũng chẳng cần phải làm vậy.
Vấn đề chính sách đồng USD lại nổi lên sau cuộc phỏng vấn của Trump với Bloomberg, như một phần trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống của ông. "Chúng ta đang gặp vấn đề về tiền tệ, như các bạn đã biết. Đó chính là tiền tệ." ông nói trong một cuộc thảo luận về các ưu tiên chính sách cho nhiệm kỳ thứ hai.
"Mức độ chênh lệch tiền tệ hiện nay giữa đồng USD mạnh và đồng Yên yếu, đồng Nhân dân tệ yếu là rất lớn," ông tiếp tục. "Trước đây tôi thường đấu tranh với họ, bạn biết đấy, họ luôn muốn đồng tiền của họ yếu. Họ đã nỗ lực và cố gắng thực hiện điều đó và tôi nói, nếu các bạn làm đồng tiền của các bạn yếu hơn nữa, tôi sẽ phải áp thuế lên các bạn. Điều đó đã đi quá giới hạn của tôi, nhưng tôi đã hành động cứng rắn." Kết quả, theo ông, là một "gánh nặng to lớn" đối với các công ty Mỹ đang cố gắng kinh doanh ở nước ngoài.
Hãy tạm gác lại việc chỉ số đồng USD theo trọng số thương mại hiện nay gần như ngang bằng với thời điểm Trump nhậm chức vào đầu năm 2017, và việc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump rõ ràng chưa phải là điều chắc chắn. Khả năng thắng cử của ông có thể càng thêm chắc chắn bởi vụ mưu sát cách đây hai tuần, nhưng đó chỉ là phỏng đoán, và còn quá sớm để có một cái nhìn rõ ràng về việc liệu ông sẽ có cuộc đua thoải mái hơn trong cuộc bầu cử tháng 11 chống lại Kamala Harris hay không.
Tuy nhiên, đồng USD là "chất keo" gắn kết thương mại và đầu tư toàn cầu, vì vậy các nhà quản lý quỹ hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét nghiêm túc đòn tấn công mạo hiểm này vào đồng USD, đặc biệt khi ứng cử viên phó Tổng thống của Trump, JD Vance, cũng tự nhận là người ủng hộ đồng USD suy yếu. Nhưng con đường để biến đồng USD yếu thành hiện thực của bộ đôi Đảng Cộng hòa này cực kỳ phức tạp.
Trước hết, như George Saravelos, chuyên gia phân tích tiền tệ của Deutsche Bank đã nêu rõ trong một ghi chú gửi khách hàng, "đồng USD sẽ phải giảm rất nhiều mới có ý nghĩa", có thể lên tới 40% để thu hẹp thâm hụt thương mại. Đây dường như là một mục tiêu lớn và tiềm ẩn rủi ro đáng kể về ổn định tài chính, ngay cả đối với một chính quyền mới đầy tham vọng.
Một cách để Trump thực hiện điều này là thiết lập một quỹ dự trữ ngoại tệ. Nhưng một lần nữa, Saravelos cho rằng một quỹ như vậy có thể phải lên tới 2 nghìn tỷ USD để có đủ sức mạnh cần thiết, đòi hỏi phải phát hành một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ.
Nhưng con số khổng lồ không dừng lại ở đó. Những người theo dõi đồng Yên đều biết rằng chính quyền Tokyo đã chi khoảng 62 tỷ USD vào cuối tháng 4 và tháng 5 để can thiệp hỗ trợ đồng Yên hồi đầu năm nay, với thành công đạt được khá hạn chế. Nếu áp dụng quy mô đó theo khối lượng giao dịch trung bình tương đối giữa đồng Yên và USD, Mỹ sẽ cần 1 nghìn tỷ USD can thiệp cho một chiến dịch kéo dài 2 tuần.
"Tóm lại, thị trường quá lớn, ngay cả chính phủ Liên bang Mỹ cũng không thể đơn phương kiểm soát.", Saravelos viết. Hành động đa phương để kiềm chế đồng USD có lẽ cũng khó thực hiện, do thiếu sự đồng thuận về việc liệu tỷ giá hối đoái có phải là vấn đề đủ nghiêm trọng để đáng bỏ công sức hay không. Vậy chỉ còn lại hai lựa chọn: kiểm soát vốn hoặc phá hủy uy tín của các thể chế Mỹ. Tuy nhiên, xét đến việc Trump thích dùng thị trường chứng khoán Mỹ như thước đo mức độ nổi tiếng và thành công của mình, những phương án này dường như khó xảy ra. "Hãy cẩn thận với điều bạn mong muốn," Steve Englander, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Standard Chartered cảnh báo. Ông cũng lưu ý rằng mục tiêu làm suy yếu đồng USD mâu thuẫn trực diện với một số chính sách khác của Trump, vốn có xu hướng gây lạm phát.
Tuy nhiên, có vẻ như Trump đang tận hưởng một trong những nguồn lực quý giá nhất trên thị trường: may mắn.
Thực hiện giao dịch "carry trade" giữa đồng USD và đồng Yên (đồng tiền cấp vốn) đã là một trong những chiến lược ưa thích của các quỹ phòng hộ trong khoảng 3 năm qua, góp phần đưa đồng USD lên mức mạnh nhất và đồng Yên xuống mức yếu nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tỷ giá USD/JPY đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây - giảm hơn 5% kể từ ngày 11/7, chủ yếu do các dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ đang hạ nhiệt.
Thật vậy, tập đoàn quỹ phòng hộ Man chỉ ra rằng các giao dịch "carry trade" sử dụng đồng Yên làm đồng tiền cấp vốn đã trở nên quá phổ biến trong giới đầu cơ, đến mức nếu xu hướng này đảo ngược, điều đó có thể gây ra tác động dây chuyền, làm biến động mạnh nhiều chiến lược phổ biến khác của các nhà đầu tư.
Chính quyền Nhật Bản, vốn gần đây đã can thiệp để hỗ trợ đồng Yên, có khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng thay đổi tỷ giá này trong những tháng tới. Đồng thời, BoJ có vẻ sẽ duy trì việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Tóm lại, điều này cho thấy cặp tiền tệ USD/JPY có thể đã đạt đỉnh.
Cuối cùng, cách dễ dàng nhất để phá hủy đồng tiền của một quốc gia là làm sụp đổ nền kinh tế. May mắn thay cho tất cả chúng ta, dường như có ít nhất một đồng tiền chủ chốt - đồng Yên - đã vô tình đang "nhảy" theo điệu nhạc của Trump. Điều này có thể đảm bảo rằng chúng ta sẽ không phải chứng kiến thí nghiệm đầy rủi ro này diễn ra trong thực tế.
*Bài viết trên là quan điểm cá nhân của tác giả Katie Martin từ tờ báo Financial Times.
Financial Times