Trumponomics 2.0: Cách cắt giảm thuế và tăng thuế quan có thể định hình lại nền kinh tế Mỹ

Trumponomics 2.0: Cách cắt giảm thuế và tăng thuế quan có thể định hình lại nền kinh tế Mỹ

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

10:14 10/10/2024

Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về chương trình kinh tế và xã hội của ứng cử viên Đảng Cộng hòa.

Giới thiệu

Donald Trump, 78 tuổi, đang tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng lần thứ ba. Chương trình kinh tế và xã hội của ông, thường được gọi là "Trumponomics", là sự tiếp nối các chính sách mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên. Tại một buổi vận động ở Tucson, Arizona vào đầu tháng 9, Trump cam kết sẽ “đem lại mức thuế thấp, nới lỏng quy định, chi phí năng lượng thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp”. Bài viết này sẽ phân tích các nguyên tắc cốt lõi của Trumponomics.

Giảm thuế

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính sách thuế của Donald Trump nổi bật với sự ủng hộ doanh nghiệp, thông qua Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017 (TCJA). Đây là những thay đổi lớn nhất về mã số thuế trong 30 năm qua, bao gồm việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, giảm thuế thu nhập cho mọi nhóm thu nhập, tăng mức khấu trừ tiêu chuẩn và mở rộng khoản tín dụng thuế cho trẻ em. Nhiều điều khoản giảm thuế này sẽ hết hạn vào năm 2025.

Với thời gian sắp hết, Trump nhấn mạnh rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ gia hạn TCJA năm 2017 và giảm thuế doanh nghiệp hơn nữa, đặt mục tiêu chỉ còn 15%. Điều này hoàn toàn trái ngược với đối thủ Đảng Dân chủ Kamala Harris, người đề xuất tăng thuế doanh nghiệp lên 28%. Ngoài ra, Trump còn nhắm đến hai nhóm cử tri quan trọng là người cao tuổi và người lao động. Đối với người cao tuổi, Trump đề xuất xóa bỏ toàn bộ thuế đánh vào An sinh Xã hội. Còn đối với người lao động, ông hứa sẽ loại bỏ thuế đối với lương làm thêm giờ và tiền boa.

Theo Trung tâm Chính sách Thuế, các đề xuất cắt giảm thuế của Trump có thể giúp mỗi hộ gia đình Mỹ tiết kiệm trung bình 550 USD tiền thuế. Tuy nhiên, số tiền này sẽ thay đổi tùy thuộc vào thu nhập của từng người. Lợi ích lớn nhất sẽ dành cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và khá. Những người có thu nhập thấp, đặc biệt là người cao tuổi, sẽ không nhận được nhiều thay đổi vì họ đã không phải đóng thuế cho các khoản trợ cấp An sinh Xã hội.

Ngoài việc giảm thuế, Trump cũng có những đề xuất về chính sách tiêu dùng. Tại một cuộc vận động ở New York, ông bày tỏ lo ngại về việc gia tăng nợ thẻ tín dụng và hứa sẽ tạm thời giới hạn lãi suất thẻ tín dụng ở mức 10%. Hiện tại, lãi suất trung bình của thẻ tín dụng là khoảng 21%, trong khi các thẻ tín dụng của các cửa hàng bán lẻ có thể lên tới 30.45%. Nợ thẻ tín dụng ở Mỹ đã vượt qua 1 nghìn tỷ USD và ngày càng có nhiều người gặp khó khăn trong việc trả nợ.

"Nước Mỹ là trên hết"

Một trong những chính sách nổi bật và gây tranh cãi nhất của Donald Trump là kế hoạch tăng mạnh thuế nhập khẩu. Ông cho rằng điều này sẽ bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ và hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Kế hoạch này bao gồm mức thuế cơ bản từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, nhắm đến đạt mục tiêu khoảng 3 nghìn tỷ USD thương mại mỗi năm. Đặc biệt, ông đề xuất mức thuế trung bình 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể tạo ra 2 nghìn tỷ USD doanh thu từ 5 nghìn tỷ USD hàng hóa. Bên cạnh đó, Trump còn hứa áp đặt "thuế trừng phạt 100%" đối với những quốc gia không còn sử dụng đồng US.

Một điểm gây tranh cãi lớn là mức thuế 100% đối với các xe ô tô được sản xuất tại Trung Quốc và Mexico, mặc dù đã có thỏa thuận thương mại từ năm 2018. Chính sách này sẽ ảnh hưởng mạnh đến các nhà sản xuất ô tô như General Motors và Ford, những công ty đã chuyển nhà máy sang Mexico để tận dụng lao động giá rẻ. Trump khẳng định rằng các mức thuế này sẽ mang việc làm và tiền bạc trở lại Mỹ, với lời hứa: “Chúng ta sẽ lấy việc làm từ các quốc gia khác... và mang hàng nghìn doanh nghiệp cùng hàng nghìn tỷ USD của cải trở lại Mỹ." Thú vị là, dù kế hoạch của ông nhắm đến các hãng sản xuất ô tô nước ngoài, nhiều công ty như BMW, Mercedes, và Volkswagen đã có nhà máy lớn tại Mỹ. Đặc biệt, nhà máy Spartanburg của BMW là nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất trong năm 2023, có giá trị xuất khẩu là 10.1 tỷ USD và tạo việc làm cho 11,000 người. Trump cũng mời gọi các hãng ô tô Trung Quốc gia nhập vào thị trường Mỹ, nhưng chỉ với điều kiện họ phải xây dựng nhà máy và tuyển dụng người lao động Mỹ.

Trump tin rằng các rào cản thương mại này không chỉ giúp tăng doanh thu, bù đắp phần thiếu hụt do việc cắt giảm thuế, mà còn giúp khôi phục ngành sản xuất ở Mỹ, vốn đã suy giảm kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ước tính rằng trong giai đoạn này, Mỹ đã mất khoảng 2 triệu việc làm trong ngành sản xuất. Trump cho rằng chính sách thuế quan mạnh mẽ của ông là cách tốt nhất để tái thiết nền công nghiệp nước nhà.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế của Trump có thể khiến Trung Quốc trả đũa, chẳng hạn bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ.

Nhà kinh tế học Arthur Laffer, một cố vấn của Trump, giải thích rằng chiến lược thuế quan này nhằm buộc các nước phải ngồi vào bàn đàm phán và giảm rào cản thương mại của họ.

Mỹ đánh thuế vào các sản phẩm của Trung Quốc

Đẩy mạnh khai thác năng lượng

Donald Trump đặt an ninh năng lượng lên trên các mối quan tâm về khí hậu. Ông cho rằng năng lượng tái tạo không ổn định và quá đắt đỏ. Một trong những cam kết quan trọng của Trump là sẽ hủy bỏ Đạo luật Giảm Lạm phát của Biden, đặc biệt là việc dừng các khoản trợ cấp cho xe điện, vì ông tin rằng những chính sách này đe dọa ngành sản xuất ô tô truyền thống. Trump cũng hứa sẽ ngừng phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ngay trong "ngày đầu tiên" làm tổng thống, đồng thời loại bỏ các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng đối với các thiết bị gia dụng, vì cho rằng những quy định này làm giảm chất lượng sản phẩm.

Mặc dù vậy, Trump ủng hộ việc duy trì các nhà máy điện hạt nhân hiện có và phát triển các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của ông vẫn là mở rộng khai thác nhiên liệu hóa thạch. Ông cam kết đẩy mạnh khai thác dầu mỏ trong nước, nới lỏng các quy định, đẩy nhanh tiến trình phê duyệt đường ống dẫn dầu và bổ sung vào Dự trữ Dầu Chiến lược. Trump tin rằng các quy định của chính phủ và các thỏa thuận quốc tế là những trở ngại đối với sản xuất năng lượng và là nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Theo Trump, nếu áp dụng các chính sách khai thác mạnh mẽ, giá năng lượng có thể giảm tới 50%. Ông nói: "Lạm phát đang phá hoại đất nước và gia đình chúng ta." Ông cũng tuyên bố rằng dưới sự lãnh đạo của mình, ông sẽ giảm giá năng lượng và điện ít nhất 50% trong vòng 12 đến 18 tháng.

Khôi phục thị trường nhà ở

Để khắc phục tình trạng khó khăn trong thị trường nhà ở, Trump tập trung vào việc giảm các quy định và tăng nguồn cung nhà ở. Tại một bài phát biểu ở Câu lạc bộ Kinh tế New York, ông cho biết các quy định hiện tại làm tăng 30% chi phí xây nhà mới, và ông cam kết sẽ giảm bớt các chi phí này bằng cách thiết lập các khu vực có thuế suất thấp và ít quy định, nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở và tạo thêm việc làm cho các doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng có kế hoạch sử dụng đất liên bang để xây dựng các dự án nhà ở quy mô lớn, đồng thời đề xuất ưu đãi thuế cho những người mua nhà lần đầu. Trump còn liên kết vấn đề khả năng chi trả nhà ở với nhập cư, cam kết sẽ cấm các khoản vay thế chấp cho người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp, một phần trong chính sách nhập cư rộng lớn hơn của ông.

Chính sách nhập cư của Trump

Trump dự định sẽ khôi phục các chính sách biên giới cứng rắn trước đây và hoàn thành việc xây dựng bức tường biên giới. Nếu đắc cử, ông sẽ thực hiện các cuộc trục xuất hàng loạt đối với người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp và áp dụng Đạo luật Chống nổi từ năm 1798 để trục xuất "các thành viên băng đảng, buôn ma túy, và những người liên quan đến các băng đảng ma túy."

Ngoài ra, Trump còn có kế hoạch chấm dứt các chương trình như Tình trạng Bảo vệ Tạm thời (TPS) và Hành động trì hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ (DACA), có thể dẫn đến việc trục xuất 1.4 triệu người hiện đang được bảo vệ bởi các đạo luật nhân đạo này. Ông cũng muốn thắt chặt hệ thống nhập cư hơn nữa bằng cách giảm số lượng visa và hạn chế việc nhập cảnh của lao động nước ngoài.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe dưới thời Trump

Dù không thành công trong việc xóa bỏ và thay thế Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) trong nhiệm kỳ đầu, Trump vẫn quyết tâm loại bỏ những phần quan trọng của luật này và giảm chi tiêu liên bang cho chương trình Medicaid. Dựa trên những nỗ lực trước đó, ông tập trung vào việc giảm giá thuốc bằng cách áp dụng các quy định minh bạch về giá cả. Trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã đưa ra một chương trình tự nguyện, giới hạn giá insulin ở mức 35 USD/tháng cho một số bệnh nhân thuộc Medicare.

Về vấn đề phá thai, tác động lớn nhất của Trump là gián tiếp thông qua việc bổ nhiệm ba thẩm phán Tòa án Tối cao, những người đã góp phần quan trọng vào việc lật ngược phán quyết Roe v. Wade. Điều này đã xóa bỏ quyền phá thai được bảo vệ ở cấp liên bang và chuyển quyền quyết định về vấn đề này cho từng bang. Trump tránh trả lời thẳng về việc có cấm phá thai toàn quốc hay không, nhưng ông ủng hộ để các bang tự đưa ra quyết định về luật phá thai.

Elon Musk sẽ làm trưởng ban Kiểm toán Liên bang?

Trump đã đề xuất thành lập một ủy ban đặc biệt để đánh giá hiệu quả của chính phủ, với nhiệm vụ kiểm toán toàn diện về tài chính và hoạt động, nhằm tìm cách tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD. Ông tuyên bố muốn bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk đứng đầu ủy ban này "nếu ông ấy có thời gian". Tuy nhiên, đề xuất này đã gây lo ngại về xung đột lợi ích, vì công ty SpaceX của Musk là một nhà thầu lớn của chính phủ Mỹ.

Kết luận

Theo dự đoán từ mô hình ngân sách của Penn Wharton, các chính sách của Trump có thể làm thâm hụt ngân sách tăng thêm 5.8 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Việc cắt giảm thuế sẽ làm giảm nguồn thu của chính phủ liên bang, và số tiền thu thêm từ thuế quan hay việc thu hồi các hỗ trợ cho năng lượng xanh sẽ không đủ để bù đắp. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế đủ lớn, thâm hụt ngân sách có thể không còn là vấn đề lớn. Những người ủng hộ Trump lập luận rằng các biện pháp cắt giảm thuế, tăng cường sản xuất năng lượng và thương lượng các thỏa thuận thương mại có lợi sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó giảm bớt áp lực về nợ công của chính phủ Mỹ.

Investing

Broker listing

Cùng chuyên mục

Goldman Sachs: Bidenomics sụp đổ, người tiêu dùng chịu áp lực nặng nề - phiếu bầu của Đảng Dân chủ suy yếu?
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Goldman Sachs: Bidenomics sụp đổ, người tiêu dùng chịu áp lực nặng nề - phiếu bầu của Đảng Dân chủ suy yếu?

Chỉ vài tuần trước bầu cử, khảo sát từ Goldman Sachs cho thấy các chính sách Bidenomics đang gây áp lực lớn lên người tiêu dùng Mỹ. Lạm phát và lãi suất cao khiến nhiều người chuyển sang tìm kiếm giá rẻ, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tại sao dữ liệu CPI sắp tới của Mỹ lại được "săn đón" đến vậy?
Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

Tại sao dữ liệu CPI sắp tới của Mỹ lại được "săn đón" đến vậy?

Trước khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố vào tuần trước, hầu như không ai cho rằng dữ liệu lạm phát CPI sắp tới sẽ gây chú ý hoặc ảnh hưởng lớn đến thị trường. Bởi vì Fed đã nhấn mạnh rõ quan điểm rằng lạm phát đã được kiểm soát sau động thái nới lỏng chính sách với việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ vào tháng trước, và dự kiến sẽ có ít nhất hai đợt cắt giảm nữa từ nay đến cuối năm.
Rồng Trung Hoa thức giấc, phố Wall đứng ngồi không yên trước báo cáo lạm phát
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Rồng Trung Hoa thức giấc, phố Wall đứng ngồi không yên trước báo cáo lạm phát

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng điểm vào thứ Năm, được thúc đẩy bởi kỳ vọng về gói kích thích tài khóa sắp được công bố trong cuộc họp báo của các quan chức cuối tuần này. Đồng thời, USD dao động gần mức đỉnh hai tháng trước thềm báo cáo CPI.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ