Trung Quốc cân nhắc lập thêm quỹ bình ổn thị trường chứng khoán
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Trung Quốc đang xem xét thành lập một quỹ đầu tư nhà nước để củng cố niềm tin vào thị trường chứng khoán trị giá 9.5 nghìn tỷ USD.
Sau ít nhất hai vòng tham vấn với các chuyên gia trong ngành trong nhiều tháng, các cơ quan quản lý tài chính, bao gồm Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), gần đây đã đệ trình một kế hoạch sơ bộ lên lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, theo nguồn tin thân cận.
Mặc dù chi tiết vẫn chưa được hoàn thiện và có khả năng đề xuất sẽ bị bãi bỏ, tổng số vốn có thể lên tới hàng trăm tỷ nhân dân tệ.
Các nhà giao dịch chứng khoán tỏ ra không hưởng ứng trước thông tin trên. Chỉ số CSI 300 tiếp tục giảm 1.1%. Các quỹ toàn cầu đang bán ròng cổ phiếu đại lục, với dữ liệu lạm phát tiêu dùng yếu được công bố trước đó vào thứ Sáu làm dấy lên mối lo ngại mới về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson tại Bắc Kinh, cho biết: “Vấn đề đối với cổ phiếu Trung Quốc hiện nay là các nhà đầu tư thiếu niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và sự can thiệp của quỹ ổn định thị trường sẽ không thực sự giải quyết được điều đó”. “Trong trường hợp xấu hơn, sự can thiệp có thể tạo ra các giao dịch đầu cơ. Vì vậy, đây thực sự không phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp này”.
Các cuộc thảo luận trùng hợp với động thái của quỹ tài sản của Trung Quốc nhằm mua số cổ phiếu tương đương khoảng 65 triệu USD của các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc trong tuần này. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các nhà kinh tế và quỹ phòng hộ Trung Quốc yêu cầu chính phủ can thiệp trực tiếp bằng quỹ đầu tư quốc gia để mua cổ phiếu lần đầu tiên kể từ khi thị trường sụp đổ vào năm 2015.
Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp nhằm củng cố thị trường chứng khoán trong năm nay, bao gồm cắt giảm phí giao dịch và thuế trước bạ. Tuy nhiên, chỉ số CSI 300 vẫn chạm đáy 11 tháng vào đầu tuần này và giảm 37% so với đỉnh vào năm 2021. Các quỹ nước ngoài tiếp tục bán ròng cổ phiếu Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về cuộc khủng hoảng tài sản ngày càng sâu sắc và căng thẳng địa chính trị leo thang.
Trong giai đoạn khó khăn năm 2015, Bắc Kinh đã chọn Tập đoàn Tài chính Chứng khoán Trung Quốc làm phương tiện ổn định chính bằng cách cho phép tập đoàn này tiếp cận tới 3 nghìn tỷ nhân dân tệ tiền vay từ các nguồn bao gồm ngân hàng trung ương và các tổ chức cho vay thương mại. Số tiền này được sử dụng để mua cổ phiếu trực tiếp và cung cấp thanh khoản cho các nhà môi giới. Dù vậy, sự hỗn loạn vẫn chưa kết thúc cho đến một năm sau đó.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong phiên ngày 12/10 sau tin tức về việc Central Huijin Investment mua cổ phiếu của của các ngân hàng lớn. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu Bắc Kinh đang cam kết mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy thị trường.
Tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đè nặng lên mọi thứ, từ cổ phiếu đến giá cả hàng hóa cũng như kết quả kinh doanh của các công ty đa quốc gia như Nike và LVMH.
Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy khả năng nền kinh tế chạm đáy trong ngắn hạn, Bloomberg Economics hiện dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 3.5% vào năm 2030 và khoảng 1% vào năm 2050. Con số này thấp hơn so với dự đoán trước đó lần lượt là 4.3% và 1.6%.
Những tháng gần đây, các quan chức Trung Quốc đã có nhiều động thái để trấn an các nhà đầu tư. Bloomberg đưa tin vào đầu tuần này rằng họ cũng đang cân nhắc một đợt kích thích mới để giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5% trong năm nay.
Derek Tay, trưởng bộ phận đầu tư tại Kamet Capital Partners, cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc cần nhiều hơn thế, nhưng đó là một bước đi đúng hướng trong những thời điểm như vậy”. “Trung Quốc đã làm những điều mà lẽ ra lẽ ra sẽ tạo ra một đợt đảo chiều tăng giá mạnh mẽ hơn. Nhưng chưa có biện pháp đề xuất nào trong số này có hiệu quả”.
Bloomberg