Trung Quốc đẩy mạnh tín dụng, giá đồng cán mốc 10,000 usd/tấn
Trong tuần qua, giá giao dịch của các hợp đồng 3-Month trên sàn LME đã tăng mạnh lên hơn mốc $10,000/tấn, mức cao nhất trong hơn 3 tháng gần nhất.
Trong tuần qua, giá giao dịch của các hợp đồng 3-Month trên sàn LME đã tăng mạnh lên hơn mốc $10,000/tấn, mức cao nhất trong hơn 3 tháng gần nhất. Giá đồng đã được hỗ trợ mạnh từ các thống kê cho thấy thị trường tín dụng ở Trung Quốc đang mở rộng. Thêm vào đó, phát biểu từ ngân hàng đầu tư Goldman Sachs về việc tồn kho đồng trên thế giới đang ở mức thấp đã khiến gia tăng lo ngại về khả năng thiếu hụt đồng trong năm 2022. Tuy nhiên, lo ngại về lạm phát đã góp phần điều chỉnh giá đồng trong các phiên giao dịch cuối tuần qua.
Thông tin cơ bản
Trong tuần vừa qua, dữ liệu của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy các ngân hàng và công ty tín dụng Trung Quốc đã cấp các khoản vay với tổng trị giá 3.98 nghìn tỷ nhân dân tệ (626 tỷ USD) trong tháng 1, tăng gấp ba lần so với mức 1.13 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 12. Vào tháng trước đó, PBOC đã tuyên bố sẽ mở rộng các công cụ chính sách tiền tệ của mình để tránh tình trạng “sụt giảm tín dụng” trong thị trường, gửi tín hiệu rõ ràng nhất về xu hướng nới lỏng sau khi cắt giảm lãi suất chính sách. Điều này đã góp phần tạo tâm lý lạc quan hơn về kỳ vọng phát triển cho thị trường Trung Quốc và đã hỗ trợ mạnh cho giá Đồng. Trong tuần qua, Goldman Sachs cũng đã dấy lên lo ngại về khả năng thiếu hụt Đồng trong năm 2022 vì tổng mức trung bình tồn kho đồng trong tháng 1 vừa qua ở các sàn giao dịch LME, COMEX, và SHFE chỉ ở mức 200,000 nghìn tấn. Tuy nhiên giá Đồng cũng đã chịu áp lực giảm trong tuần qua do chỉ số CPI của Mỹ đã tiếp tục tăng lên mức 7.5%, khiến lo ngại về tốc độ tăng lãi suất của Fed để kiểm soát lạm phát trong các đợt sắp tới tiếp tục tăng cao.
Thông tin chi tiết
Trong tuần kết thúc ngày 11/02, tồn kho đồng trên sàn giao dịch LME giảm hơn 8 nghìn tấn về mức 74 nghìn tấn. Trên sàn SHFE, mức tồn kho được ghi nhận là 106,572 tấn sau kỳ nghỉ Tết Âm Lịch. Tuy con số này đã tăng hơn 66 nghìn tấn từ tuần trước Tết, mức tồn kho này hiện vẫn thấp hơn các năm qua. Ngoài ra, tổng trung bình tồn kho của sàn LME và SHFE cho tháng 2 (dương lịch) tính đến tuần 11/02 đang thấp hơn 58% so với mức trung bình 5 năm trước 2021.
Có thể thấy, nhận xét của Goldman Sachs về việc tồn kho Đồng hiện đang rất thấp là có cơ sở. Theo thống kê trước 2021, giai đoạn đầu năm vào tháng 2-4 là giai đoạn tích lũy tồn kho trên các sàn giao dịch trên thế giới để đáp ứng nhu cầu hạ nguồn cho những tháng sau đó. Vì vậy, nếu mức tồn kho không có tín hiệu gia tăng trong thời gian tới, thì khả năng thiếu hụt đồng trên thị trường giao dịch sẽ rất lớn. Do đó, các tuần tiếp theo sẽ tạo tín hiệu cho thị trường về xu hướng nguồn cung của Đồng cho năm 2022.
Tuy nhiên, trong năm 2022-23, thế giới sẽ đón nhận thêm nhiều mỏ Đồng mới với tổng công suất khai thác từ các mỏ lớn như Quellaveco, Kamoa-Kakula, Udokan va Chalcombamba sẽ đạt gần 1 triệu tấn, hơn 4% sản lượng hiện tại. Theo GlobalData, sản lượng đồng dự kiến trên toàn cầu đến năm 2024 sẽ đạt 24.6 triệu tấn, đạt mức tăng trưởng kép hằng năm khoảng 5%. Vì vậy, khi các dự án này chính thức đi vào hoạt động, sức ép lên nguồn cung của Đồng sẽ được giải tỏa bớt và sẽ góp phần tạo áp lực giảm lên giá Đồng. Mặc dù vậy, thị trường Đồng vẫn sẽ chịu áp lực thiếu hụt trong ngắn hạn nếu tồn kho trong các tuần sắp tới không có dấu hiệu tăng trưởng và hoạt động kinh tế ở Trung Quốc được kích thích bởi các chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Ngoài ra, các mỏ mới cũng cần thời gian để đạt được công suất thiết kế. Theo đó, mức giảm giá, nếu xảy ra, cũng sẽ rất hạn chế vì giá Đồng cũng được hỗ trợ từ xu hướng phát triển dài hạn của ngành năng lượng xanh.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc.