Trung Quốc được kỳ vọng sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhiều hơn trong năm 2024 để thúc đẩy kinh tế
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nhằm kích thích đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.
Theo ước tính, PBoC được kỳ vọng sẽ thực hiện thêm hai đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) tổng cộng 50bps vào nửa cuối năm 2024. Một cuộc thăm dò trước đó lại dự báo sẽ chỉ còn một đợt cắt giảm RRR nữa trong quý III.
Dự báo cập nhật được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách gần đây đã đưa ra thêm tín hiệu hỗ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc. PBoC đã hai lần trong tháng này cho biết có khả năng hạ RRR, một công cụ quan trọng để điều chỉnh thanh khoản. Điều này cho thấy sẽ có nhiều biện pháp kích thích tiền tệ hơn khi các nhà chức trách đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng thông qua các biện pháp tài chính, chẳng hạn như bán thêm TPCP.
Các nhà kinh tế kỳ vọng Trung Quốc sẽ cắt giảm RRR thêm hai lần trong năm nay
Arjen van Dijkhuizen, nhà kinh tế cấp cao tại ABN Amro Bank NV, cho biết: “Vẫn có những nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp kích thích tài chính bổ sung, đặc biệt trong việc thay đổi tâm lý của khu vực tư nhân và hỗ trợ thị trường bất động sản”. Ông cho biết bất động sản vẫn là cản trở lớn nhất đối với tăng trưởng.
Theo cuộc khảo sát, các thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt vẫn đầy rẫy, mặc dù tăng trưởng kinh tế đã mạnh hơn dự kiến vào đầu năm 2024. Các nhà kinh tế dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng 4.6% trong năm nay.
Sản lượng và đầu tư công nghiệp đã được hỗ trợ khi nhu cầu nước ngoài cải thiện và các biện pháp kích thích hiện có có hiệu lực, nhưng sự phục hồi trong tiêu dùng vẫn chưa ổn định. Khủng hoảng bất động sản và triển vọng việc làm ảm đạm đã đè nặng lên niềm tin và giá cả.
Trong khi Thống đốc PBoC Pan Gongsheng và các quan chức khác chỉ ra khả năng RRR giảm, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ thông qua các biện pháp khác như hạ lãi suất vẫn chưa khả quan. Biên lợi nhuận tại các ngân hàng Trung Quốc rất thấp và vẫn chưa có nhiều thông tin rõ ràng về thời điểm Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách.
Theo khảo sát của Bloomberg, PBoC có thể sẽ cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn trong quý II và quý III.
Các biện pháp tài khóa dự kiến sẽ đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy nền kinh tế trong năm nay: Bắc Kinh đã công bố gói ngân sách mạnh hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng cần có thêm các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Erica Tay, chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank, cho biết: “Sẽ rất khó để lặp lại thành tựu của tháng 1 và tháng 2. Trong khi hoạt động sản xuất được hỗ trợ bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ, tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực.”
Dựa trên dữ liệu từ hai tháng đầu năm, các nhà kinh tế hiện kỳ vọng sản lượng công nghiệp sẽ tăng 4.9% vào năm 2024 so với 2023, tăng so với dự báo 4.5% trước đó. Xuất khẩu được dự đoán sẽ tăng 3%, cao hơn mức dự báo trước đó là 2.5%. Các nhà phân tích cũng điều chỉnh tăng ước tính về tăng trưởng đầu tư tài sản cố định.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã hạ dự báo về các số liệu liên quan đến nhu cầu trong nước. Nhập khẩu được dự đoán sẽ tăng 2.6% trong năm nay, thấp hơn một chút so với dự báo trước đó. Giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 0.8% trong cả năm, giảm một chút so với ước tính trước đó là 0.9%.
Bloomberg