Trung Quốc lập danh sách 50 công ty bất động sản được hỗ trợ vốn
Hoàng Thế Vinh
Junior Analyst
Các cơ quan quản lý Trung Quốc đang soạn thảo danh sách 50 nhà phát triển đủ điều kiện nhận được nhiều nguồn tài chính trong nỗ lực mới nhất của nước này nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài sản.
Một số người cho rằng China Vanke Co., Seazen Group Ltd. và Longfor Group Holdings Ltd. nằm trong số các công ty trong dự thảo nói trên.
Danh sách này bao gồm cả các nhà phát triển tư nhân và nhà nước, nhằm hướng dẫn các tổ chức tài chính khi họ cân nhắc hỗ trợ thông qua các khoản vay ngân hàng, nợ và tài trợ vốn cổ phần. Hiện chưa thể xác định được nhà phát triển nào khác đã được đưa vào danh sách dự thảo.
Danh sách sẽ được công bố dần do các ngân hàng chỉ tập trung vào một số công ty được nhà nước hậu thuẫn. Điều này làm dấy lên mối lo ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh về lĩnh vực này sau những vụ vỡ nợ kỷ lục, một loạt căn hộ chưa hoàn thiện và sự sụt giảm sâu trong đầu tư bất động sản có nguy cơ làm chệch hướng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trái phiếu USD của một số công ty xây dựng Trung Quốc đã tăng sau báo cáo này. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trái phiếu coupon 3.5% đáo hạn năm 2029 của Vanke đã tăng 3.9 cent, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong hai tuần. Trái phiếu coupon 3.85% đáo hạn năm 2032 của Longfor tăng 3.2 cent, trong khi trái phiếu coupon 4.8% đáo hạn năm 2024 của Seazen tăng 2.2 cent.
Theo một tuyên bố của chính phủ, các ngân hàng, công ty môi giới và nhà quản lý tài sản được yêu cầu đáp ứng mọi nhu cầu cấp vốn “hợp lý” từ các công ty bất động sản tại cuộc họp hôm thứ Sáu với các cơ quan quản lý tài chính hàng đầu. Các công ty tài chính cũng được yêu cầu đối xử bình đẳng với các nhà phát triển tư nhân và nhà nước khi cho vay.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý đã yêu cầu các ngân hàng đảm bảo rằng việc phát hành khoản vay cho các công ty tư nhân tăng trưởng tương đương với mức trung bình của ngành. Dư nợ cho vay bất động sản của Trung Quốc vào cuối tháng 9 lần đầu tiên giảm so với cùng kỳ, làm tăng thêm căng thẳng trong lĩnh vực này.
Cho vay bất động sản của Trung Quốc lần đầu tiên giảm
Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Trung Quốc vẫn là một đối trọng với nền kinh tế, mặc dù các ngành khác như sản xuất công nghiệp đã ghi nhận một số cải thiện trong những tháng gần đây.
Thay vì sử dụng chính sách kích thích mạnh tay, Trung Quốc đã giải quyết một cách nhỏ giọt các khó khăn về vốn và buôn bán bất động sản, bao gồm nới lỏng thế chấp cho người mua nhà, giảm tiền trả trước, giảm thuế thu nhập, thúc đẩy nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và nhà ở giá rẻ, cùng cam kết cho vay đặc biệt 200 tỷ CNY để đảm bảo các dự án được chuyển giao. Tuy nhiên, các biện pháp này không đem lại nhiều hiệu quả.
Ngành bất động sản giảm 2.7% trong quý III, mức giảm lớn nhất trong năm nay. Giá nhà giảm mạnh nhất trong 8 năm vào tháng 10.
Các nhà kinh tế của Macquarie Group do Larry Hu dẫn đầu đã viết trong một ghi chú ngày 17/11: “Kết quả cho đến nay thật đáng thất vọng, các biện pháp này chủ yếu tập trung vào cầu mà bỏ qua cung, cụ thể là nhu cầu vốn của các nhà phát triển. Điều cần theo dõi là liệu các nhà hoạch định chính sách có đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn hay không và khi nào họ làm điều đó”.
Bloomberg