Trung Quốc thắt chặt quy định về đòn bẩy, các quỹ phòng hộ quy mô nhỏ có thể sẽ không được hoạt động
Vân Chi
Junior Editor
Trung Quốc đang quyết tâm thắt chặt các quy định đối với các quỹ phòng hộ, đồng thời áp đặt các hạn chế đối với việc sử dụng các công cụ phái sinh và đòn bẩy đối với lĩnh vực có quy mô hơn 700 tỷ đô tại đất nước này.
Các quỹ đầu tư chứng khoán tư nhân tại Trung Quốc cần có tài sản ban đầu ít nhất 10 triệu CNY để được thành lập, và duy trì tối thiểu 5 triệu CNY để không bị thanh lý. Đây là quy định mới do Hiệp hội quản lý tài sản Trung Quốc công bố vào ngày 30 tháng 4, con số này chỉ bằng một nửa so với dự thảo trước đó, vốn gây lo ngại về tác động đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Quy định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8, dự kiến sẽ loại bỏ các quỹ phòng hộ yếu kém về khả năng tuân thủ. Các quy định này giới hạn tổng đòn bẩy và khoản vay qua các giao dịch swap ở mức 100%, đồng thời cũng giới hạn mức tiếp cận với các công cụ phái sinh ở mức 25% tài sản ròng của quỹ.
Các quy định chính thức được đưa ra sau khi các cơ quan quản lý hạn chế một số giao dịch của các quỹ phòng hộ định lượng trong cuộc khủng hoảng thị trường hồi đầu năm nay, và tiến hành phạt nhiều quỹ khác trong một đợt rà soát. Hiện đang có khoảng 2,000 công ty có tài sản nhỏ nhất - trong tổng số 8,300 công ty - chỉ chiếm 0.15% tổng quy mô của lĩnh vực này tại Trung Quốc. Theo hiệp hội, một số nhà quản lý đã bị phát hiện là thiếu kỷ luật và làm tổn hại đến quyền lợi của nhà đầu tư.
“Các quy định quản lý cần phải được tăng cường nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của ngành”, hiệp hội quản lý tài sản Trung Quốc (AMAC) cho biết trong tuyên bố ngày 30 tháng 4.
Hiệp hội cho biết, sau khi “đánh giá đầy đủ” phản hồi của ngành, hiệp hội đã hạ ngưỡng và cho phép thời gian gia hạn 120 ngày giao dịch trước khi thanh lý. Theo một tuyên bố, các quỹ có giá trị dưới 5 triệu CNY, bao gồm nhiều sản phẩm không còn hoạt động, chiếm một phần “rất nhỏ” trong ngành tính đến ngày 31 tháng 3. Họ nói thêm rằng những công ty nhỏ “thiếu khả năng duy trì hoạt động” có tổng tài sản dưới 10 tỷ CNY, do đó tác động là “tương đối ít”.
Các quy định mới cũng giới hạn mức đòn bẩy mà các quỹ phòng hộ có thể vay từ các công ty môi giới thông qua swap ở ngưỡng 100%, nhằm hạn chế những giao dịch sử đòn bẩy cao và tiếp cận trực tiếp tới thị trường. Quy định mới cũng yêu cầu những khoản đầu tư vào các sản phẩm quyền chọn OTC và sử dụng đòn bẩy không được vượt quá 25% tài sản quỹ, ngoại trừ trường hợp tất cả khách hàng đều là nhà đầu tư chuyên nghiệp - những cá nhân có khoản đầu tư ít nhất 10 triệu CNY.
Hiệp hội cho biết, trong khi các quỹ không đáp ứng các yêu cầu về công cụ phái sinh OTC sẽ bị cấm huy động tiền mới hoặc kéo dài thời gian đáo hạn, các hợp đồng hiện tại có thể tiếp tục cho đến khi đáo hạn để hạn chế tác động đến thị trường.
Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt quản lý hoạt động kinh doanh phái sinh của các nhà môi giới, sau khi các sản phẩm phái sinh trở thành tác nhân tạo ra một đợt bán tháo mạnh trên thị trường hồi đầu năm. Các quan chức vào tháng trước đã yêu cầu một số công ty môi giới lớn không được gia tăng thêm các vị thế đòn bẩy với các công cụ phái sinh OTC liên quan đến cổ phiếu hạng A trong nước.
Bloomberg