USD suy yếu khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao gây lo lắng cho các nhà đầu tư
Ngô Văn Thịnh
Economic Analyst
Các công ty dược phẩm đang đạt được những bước đột phá trong việc phát triển một loại vắc-xin thành công nhưng theo thị trường, điều này là chưa đủ.
Nếu chúng ta may mắn, một loại vắc-xin sẽ được phê duyệt trước thời điểm cuối năm nay nhưng việc phân phối rộng rãi sẽ không thể xảy ra cho đến năm 2021. Trong khi đó, các ca nhiễm mới đang gia tăng với tốc độ đáng báo động trên toàn cầu, khiến các nhà đầu tư lo lắng về một đợt suy thoái. Cổ phiếu bị bán tháo ngày thứ hai liên tiếp khi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm 8%. Đô la Mỹ bị bán tháo so với Euro, Yên Nhật và Franc Thụy Sĩ. Nền kinh tế Châu Âu đang có xu hướng thu hẹp trong quý 4 và thị trường Mỹ đang lo lắng rằng nó sẽ lan sang nước này.
Có thể chỉ là vấn đề vài ngày trước khi số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Mỹ đạt 200,000 ca. Ngay cả khi Moderna cho biết họ sẽ công bố dữ liệu về vắc-xin trong vài ngày tới, là thông tin tích cực với thị trường, thì đợt bùng phát đang diễn ra có thể làm hệ thống bệnh viện quá tải, khiến việc cung cấp máy thở và các phương pháp điều trị khác giúp hạn chế tỷ lệ tử vong trở nên khó khăn. Các bang đang đối mặt với lựa chọn khó khăn là để cho các ca bệnh tiếp tục tăng lên với tốc độ chóng mặt hoặc kiểm soát Covid-19 bằng những lệnh phong tỏa mới. Nhiều nơi đã chọn lựa chọn phương án thứ hai bao gồm Chicago, chính quyền tại đây đã khuyến nghị người dân ở nhà trong 30 ngày và yêu cầu cư dân hủy bỏ các cuộc tụ họp trong Lễ Tạ ơn. Detroit đã hủy bỏ các buổi học trực tiếp và New York đã yêu cầu các nhà hàng, quán bar và phòng tập thể dục đóng cửa lúc 10 giờ tối và giới hạn tụ tập tối đa 10 người. Tất cả các biện pháp này đều có hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế và đáng tiếc là một số bang có thể áp dụng các biện pháp hạn chế gắt gao hơn.
Vì tất cả những lý do này, không có gì ngạc nhiên khi thấy tâm lý lo ngại rủi ro trở lại. Chỉ số Giá tiêu dùng cũng trì trệ trong tháng 10 thay vì tăng 0.1% như các nhà kinh tế dự đoán. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Powell cho biết Quốc hội và Fed sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa. Các nhà đầu tư không thích quyết định của Nhà Trắng khi họ rút lui khỏi các cuộc đàm phán về kích thích và kế hoạch của Tổng thống Trump về một lệnh hành pháp cấm người Mỹ mua hoặc bán cổ phiếu của một số công ty Trung Quốc. Chúng tôi kỳ vọng tâm lý e ngại rủi ro sẽ tiếp tục khiến USD/JPY và các đồng tiền có hệ số beta cao khác giảm sâu hơn.
Đáng ngạc nhiên, EUR là một trong những đồng tiền duy nhất tăng so với USD. Mặc dù sản xuất công nghiệp của Đức yếu hơn đáng kể, sự bùng phát dịch bệnh đang diễn ra và lời cảnh báo của Thủ tướng Đức Merkel rằng các biện pháp hạn chế có thể được kéo dài đến tháng 12, đồng tiền chung này đã phục hồi đáng kể. Dòng vốn tháo chạy khỏi đồng Dollar là lời giải thích duy nhất vì triển vọng đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu là không tốt. Vào ngày 2 tháng 11, tất cả các cơ sở giải trí, nhà hàng và quán bar đã được lệnh đóng cửa ngoại trừ đồ ăn mang đi, các sự kiện lớn đã bị hủy bỏ và thông báo làm việc tại nhà được ban hành. Ở Pháp, số ca nhập viện cao hơn so với mức đỉnh vào tháng 4 với cứ mỗi 30 giây lại có một người nhập viện do Covid-19. Nếu xu hướng này không được cải thiện, họ có thể phải thực hiện các biện pháp phong tỏa tiếp theo, tất cả đều là thảm họa đối với đồng EUR.
Tuy nhiên, đồng tiền có màn thể hiện kém nhất vào thứ năm là đồng Bảng Anh. Sự suy giảm này không có gì đáng ngạc nhiên khi Anh cũng đang trải qua các đợt phong tỏa, những cuộc đàm phán Brexit không đi đến đâu và GDP quý 3 cũng như số lượng sản xuất công nghiệp của Anh đều yếu hơn dự kiến. Một tuần sau khi phong tỏa, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Thường mất từ 2 đến 3 tuần để các biện pháp hạn chế có tác động đáng kể đến số ca lây nhiễm. Vào tuần tới, chúng ta sẽ biết rõ hơn về việc liệu chính phủ Vương quốc Anh có cần thực hiện thêm hành động hay không. Cả ba đồng tiền hàng hóa cũng chịu cảnh bán tháo với AUD dẫn đầu đà trượt giá do căng thẳng thương mại Trung - Úc.