USD tăng vọt cùng rủi ro nợ công Mỹ, đà tăng của dầu gặp trở ngại
Nguyễn Thanh Thùy Dung
Junior Analyst
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên Á vào thứ Năm, sau 3 ngày tăng giá liên tiếp, trong bối cảnh USD ngày càng tăng mạnh và sự không chắc chắn về đàm phán trần nợ của Hoa Kỳ vẫn tồn tại khi thời hạn ngày 1/6 đang đến gần.
Các trader dầu thô đã có một số hành động chốt lời sau khi hàng hóa này tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần ở phiên trước đó. Đà tăng phần lớn được thúc đẩy bởi kỳ vọng nguồn cung của Hoa Kỳ sẽ thắt chặt hơn khi mùa du lịch đang đến gần.
Một cảnh báo từ bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út đối với phe short cũng thúc đẩy giá tăng.
Tuy nhiên, giá dầu lại bị tác động tiêu cực bởi những lo ngại ngày càng tăng về khả năng vỡ nợ của Hoa Kỳ, khi các nhà lập pháp cho thấy có rất ít tiến triển trong việc đạt được thỏa thuận nâng trần nợ. Một vụ vỡ nợ của Hoa Kỳ dự kiến sẽ đẩy nước này vào suy thoái và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với việc Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đặt ra hạn chót là ngày 1/6 cho việc vỡ nợ.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 0.2% xuống 78.16 USD/thùng, trong khi hợp đồng tương lai dầu thô WTI giảm 0.4% xuống 74.06 USD/thùng vào sáng nay. Cả hai hợp đồng đều tăng gần 2% vào thứ Tư sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm với biên độ lớn hơn đáng kể so với dự kiến trong tuần qua.
Sức mạnh của USD cũng đè nặng lên thị trường dầu mỏ, do kỳ vọng rằng lãi suất của Hoa Kỳ sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn đã đẩy đồng bạc xanh lên mức cao nhất trong hai tháng so với các tiền tệ khác.
Biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed, được công bố vào thứ Tư, cho thấy mặc dù các nhà hoạch định chính sách có phần không ủng hộ cho việc tiếp tục tăng thêm lãi suất vào tháng 6, nhưng họ cũng không đưa ra dấu hiệu cắt giảm lãi suất trong năm nay, hỗ trợ cho USD.
USD mạnh hơn làm cho dầu thô đắt hơn đối với người mua từ các nước khác, và từ đó làm giảm nhu cầu.
Nhiều yếu tố khác cũng cho thấy thị trường lo ngại nhu cầu sẽ chậm lại trong năm nay. Nhà nhập khẩu lớn Trung Quốc đang phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm Covid-19, mà chính phủ dự kiến sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 6. Mặc dù biến thể của virus ảnh hưởng đến Trung Quốc có vẻ nhẹ, nhưng các thị trường lo ngại sẽ có thêm sự gián đoạn nào đối với hoạt động kinh tế.
Sự bùng phát dịch bệnh xảy ra khi một loạt các chỉ số cho tháng 4 cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, làm dấy lên nghi ngờ về dự báo rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhu cầu dầu mỏ lên mức cao kỷ lục trong năm nay.
Các chỉ số kinh tế yếu kém từ Hoa Kỳ, Khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh, cho thấy hoạt động sản xuất chậm lại, đặt ra triển vọng tăng trưởng kinh tế cho năm nay sẽ rất kém khả quan.
Investing.com