USD trượt giá mạnh nhất trong vòng một năm sau dữ liệu lạm phát
Trần Minh Đức
Junior Analyst
Đồng USD giảm mạnh nhất trong vòng một năm sau khi dữ liệu lạm phát yếu được công bố khiến các trader tăng cường đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024, khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc giảm mạnh.
Chỉ số DXY đã giảm tới 1.5% vào thứ Ba, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Sáng nay, chỉ số được giao dịch gần mức đóng cửa phiên trước, nâng giá trị của đồng won và ringgit lên đầu bảng xếp hạng các loại tiền tệ châu Á. Điều này diễn ra sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ trong tháng 10 được công bố ghi nhận lạm phát toàn phần và lạm phát lõi đã tăng chậm lại so với dự báo của các nhà kinh tế.
Dữ liệu về lạm phát đã tạo ra sự thay đổi lớn trên thị trường tài chính thế giới, với việc các trader dự đoán rằng chính sách thắt chặt mạnh mẽ của Fed sẽ thành công trong việc kiềm chế đợt lạm phát này. Điều này khiến lợi suất trái phiếu trượt dốc, làm giảm động lực trú ẩn bằng đồng đô la Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phục hồi của các tài sản rủi ro như chứng khoán Mỹ và thị trường mới nổi.
Đồng USD đã tăng giá trong phần lớn thời gian của năm nay nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc tăng. Nhưng điều đó đã thay đổi vào thứ Ba, khi chỉ số DXY giảm mạnh do các trader kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất liên bang khoảng 0.5% vào tháng 7 năm sau.
Simon Harvey của Monex cho biết: “Trong những tuần gần đây, có vẻ như người ta không muốn long USD vì thông tin hỗ trợ cho chu kỳ thắt chặt trong thời gian dài của Fed đã ít đi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy tỷ giá hối đoái ở châu Âu và tỷ số beta cao tăng so với đồng USD khi kỳ vọng cắt giảm lãi suất xuất hiện.”
Trong số các đồng tiền G10, AUD đã tăng tới 2.1% vào thứ Ba, phiên tăng lớn nhất kể từ tháng 1, EUR đã tăng tới 1.8%, phiên có biên độ lớn nhất trong một năm. Các đồng tiền cũng đang biến động nhẹ vào thứ Tư.
Trong số các đồng tiền thị trường châu Á mới nổi, tỷ giá USDKRW đã giảm tới 1.9%, dẫn đầu mức giảm vào thứ Tư, tiếp theo là tỷ giá USDMYR giảm 1.3%.
Tỷ giá USDJPY đã tiếp tục tăng trở lại từ mức cao nhất trong 33 năm, mức có thể khiến các nhà hoạch định chính sách can thiệp tiền tệ để hỗ trợ đồng tiền này. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã nhiều lần cảnh báo trong tuần này rằng chính phủ sẽ hành động để giải quyết những động thái mạnh mẽ của đồng yen.
Hợp đồng hoán đổi của Fed chỉ ra rằng khả năng xảy ra một đợt tăng lãi suất khác đã giảm xuống gần bằng 0 khi thời điểm cắt giảm lãi suất dự kiến lần đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng 5 hoặc tháng 6. Lợi suất trái phiếu kho bạc các kỳ hạn đều giảm mạnh hôm thứ Ba, với việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm giảm tới 25bps xuống mức 4.41%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hoa Kỳ duy trì ổn định ở mức 4.45% vào thứ Tư.
Thị trường quyền chọn nhận thấy sự suy yếu của USD giúp cân bằng vị thế tiền tệ. Chỉ số đo lường sự biến động trong ba tháng của hợp đồng này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2022.
Paresh Upadhyaya, giám đốc chiến lược ngoại hối và trái phiếu tại Amundi US cho biết: “Thị trường đã chuyển sang kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong năm tới và đặt cược thời điểm bắt đầu chu kỳ nới lỏng muộn hơn”. Ông cho biết “vẫn còn thiếu dữ liệu cơ bản trong ngắn hạn, khả năng cao là sẽ không tăng lãi suất trong tháng 12 và nếu thị trường hành động sai có thể tạo cơ hội cho lạm phát tăng trở lại”.
Bloomberg