Vàng và USD: Mối tương quan bất thường và tác động từ sự suy yếu kinh tế

Vàng và USD: Mối tương quan bất thường và tác động từ sự suy yếu kinh tế

Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

15:32 23/08/2024

Vàng và USD thường có mối tương quan nghịch đảo, tuy nhiên năm 2024 lại chứng kiến sự tăng giá đồng thời của cả hai tài sản lớn này. Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, từ sự chậm lại của Trung Quốc đến những lo ngại mới về lạm phát và biến động chính trị. Liệu sự đảo ngược mối tương quan này có phải là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tiềm tàng hay chỉ là những biến động ngắn hạn trên thị trường?

Mối tương quan giữa vàng và USD

Một trong những nguyên nhân khiến vàng tăng giá gần đây là do USD suy yếu. Vàng được định giá bằng USD, vì vậy khi USD giảm do kỳ vọng cắt giảm lãi suất, giá vàng đã tăng. Tuy nhiên, yếu tố này không phải là lý do duy nhất. Vàng còn đạt mức giá cao kỷ lục ngay cả khi được tính bằng các đồng tiền khác. Điều này chứng tỏ rằng có nhiều yếu tố khác nữa đang ảnh hưởng đến giá vàng, không chỉ là sự thay đổi của USD.

Vàng và USD hầu như luôn có mối tương quan nghịch đảo. Lãi suất Mỹ cũng ảnh hưởng lớn đến giá trị của USD và vàng. Khi lãi suất ở Mỹ tăng, các nhà đầu tư thường chuyển vốn vào Trái phiếu Kho bạc Mỹ vì lợi suất tốt hơn. Điều này làm tăng nhu cầu đối với USD, khiến đồng tiền này mạnh hơn. Nếu lãi suất danh nghĩa tăng và kéo theo lãi suất thực cũng tăng, điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc giữ vàng. Thay vì đầu tư vào vàng, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận tốt hơn từ trái phiếu hoặc các tài sản sinh lợi khác. Kết quả là nhu cầu về vàng giảm, khiến giá vàng giảm.

Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính hoặc bất ổn kinh tế, cả vàng và USD đều có thể cùng tăng giá vì cả hai đều được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Điều này có thể làm gián đoạn mối tương quan nghịch đảo thông thường giữa vàng và đô la, như đã thấy trong những năm gần đây.

Điểm đáng chú ý là cả vàng và USD đã cùng tăng giá trong phần lớn thời gian đầu năm nay, sau đó USD bắt đầu giảm vào tháng trước:

Điều này rất bất thường:

Bar chart of Correlation between gold price and dollar index showing For the first time in forever

Năm 2024 không phải là thời điểm của khủng hoảng tài chính hay căng thẳng nghiêm trọng. Ngoại trừ một vài ngày biến động mạnh vào đầu tháng 8, các tài sản rủi ro như cổ phiếu và các khoản đầu tư khác đã tăng trở lại ngay sau đó. Điều này thường cho thấy thị trường không cảm thấy căng thẳng hay bất ổn lớn, vì trong các giai đoạn căng thẳng, các nhà đầu tư thường bán tài sản rủi ro để chuyển sang các tài sản an toàn hơn. Tình hình kinh tế ở Mỹ khá ổn định và tích cực, ít nhất là trong phần lớn thời gian của năm 2024.

Không giống như dầu mỏ và USD, vốn đã thay đổi mối tương quan do những thay đổi về cấu trúc, sự gia tăng đồng thời của vàng và đô la trong năm 2024 là kết quả của một loạt các yếu tố không liên quan trực tiếp và không phải là tình huống bình thường. Nhu cầu vàng tăng mạnh từ các nhà đầu tư Trung Quốc đã đẩy giá vàng lên. Đồng thời, các ngân hàng trung ương toàn cầu, bao gồm cả PBoC và các ngân hàng khác, đã tăng cường mua vàng để củng cố dự trữ vàng của họ. Điều này cũng làm tăng nhu cầu với vàng. Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất trong tương lai. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vì vàng không sinh lãi. Điều này khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh kỳ vọng lãi suất thấp. Căng thẳng địa chính trị cũng góp phần lớn gia tăng giá vàng với vai trò là một tài sản trú ẩn an toàn.

Sự gia tăng đồng thời của hai tài sản này trong năm 2024 cũng có thể là dấu hiệu của sự thay đổi trong cơ chế kinh tế toàn cầu, chứ không phải chỉ là hiện tượng tạm thời. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc có thể làm giảm sức ép tăng trưởng toàn cầu và ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Lạm phát, vốn đã giảm trong nhiều thập kỷ qua, đang quay trở lại và trở thành mối quan tâm lớn. Vấn đề này có thể làm thay đổi kỳ vọng về chính sách tiền tệ và ảnh hưởng đến giá trị của các tài sản tài chính, bao gồm vàng và USD. Tình hình chính trị ở Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác đang có sự biến động. Những sự thay đổi trong chính trị có thể tạo ra sự không chắc chắn trên thị trường tài chính, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và đẩy giá của các tài sản an toàn như vàng lên. Vì vậy, có thể nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một giai đoạn chuyển giao lớn hoặc thay đổi cấu trúc cơ bản. Thay vì một cuộc khủng hoảng tài chính cụ thể, chúng có thể chỉ ra một sự điều chỉnh lớn trong cách mà các yếu tố kinh tế hoạt động và ảnh hưởng đến thị trường tài chính.

Mark Farrington từ Farrington Consulting cho rằng mối tương quan giữa vàng và USD đã thay đổi sau một loạt sự kiện lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm thay đổi nhiều yếu tố trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm mối tương quan giữa các loại tài sản như vàng và USD. Sau khủng hoảng, vàng trở thành một tài sản an toàn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế quan trọng, ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu về vàng và các tài sản khác. Các sự kiện địa chính trị như cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng có tác động lớn đến thị trường tài chính và giá cả hàng hóa. Tóm lại, những sự thay đổi này làm cho việc dự đoán giá vàng dựa trên mối tương quan với USD trở nên phức tạp hơn, vì vàng hiện đang phản ứng theo nhiều chế độ khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố toàn cầu.

Những người ủng hộ vàng cho rằng vàng là hàng rào chống lại sự kém hiệu quả trong chính sách tiền tệ và tài khóa, cũng như rủi ro lạm phát. Tuy nhiên, thực tế là bức tranh về hiệu suất của vàng không đơn giản như vậy và có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến giá vàng và vai trò của nó như một công cụ bảo vệ đầu tư.

Trái phiếu chính phủ, ngân hàng và sự ổn định tài chính của Trung Quốc

PBoC và nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ xô vào trái phiếu như một tài sản an toàn, khi thị trường bất động sản và cổ phiếu không còn hấp dẫn. Điều này đã khiến cả lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 30 năm của Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào đầu tháng 8. Mặc dù đã có nỗ lực từ chính phủ để điều chỉnh tình hình, lợi suất trái phiếu chỉ tăng trở lại một cách ngắn hạn. Điều này có thể cho thấy rằng nhu cầu mua trái phiếu vẫn còn cao, và các biện pháp điều chỉnh của chính phủ chưa hoàn toàn có hiệu quả trong việc thay đổi xu hướng.

Trung Quốc đang can thiệp vào thị trường trái phiếu để giữ cho lợi suất dài hạn ổn định, nhằm tránh rủi ro về hệ thống tài chính tương tự như sự sụp đổ của SVB ở Mỹ. Họ lo ngại rằng nếu lợi suất trái phiếu dài hạn tăng mạnh, các ngân hàng Trung Quốc có thể đối mặt với rủi ro tương tự như SVB. Nếu giá trị của trái phiếu dài hạn giảm, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn về tài chính, và điều này có thể dẫn đến những sự cố ngân hàng trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có câu hỏi về việc liệu mối lo ngại này có thực sự là lý do chính hay không, hay chỉ là một cái cớ để chính phủ hỗ trợ thị trường tài chính.

Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ vì họ sở hữu rất nhiều trái phiếu dài hạn. Khi lãi suất tăng, giá trị của những trái phiếu này giảm, dẫn đến lỗ lớn trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Điều này khiến SVB rơi vào tình trạng không thể đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng và cuối cùng bị sụp đổ. Các ngân hàng Trung Quốc cũng sở hữu rất nhiều trái phiếu. Theo Capital Economics, vào cuối quý 1, các ngân hàng Trung Quốc sở hữu tới 73% trái phiếu chính phủ đang lưu hành.

Nhưng một sự kiện tương tự SVB khó có thể xảy ra trong ngắn hạn. Wei He của Gavekal Dragonomics lưu ý:

  • Mặc dù các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ rất nhiều trái phiếu, nhưng tổng cộng chỉ chiếm 20% bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
  • Với sự tăng trưởng ảm đạm và thị trường cổ phiếu và bất động sản trì trệ, PBoC không có nhiều lý do để tăng lãi suất hoặc để các nhà đầu tư Trung Quốc rút khỏi thị trường trái phiếu.
  • Ngay cả khi lợi suất trái phiếu tăng, thì hiện tại, các hộ gia đình thực sự không có nơi nào để gửi vốn ngoài các ngân hàng. Vì vậy, một cuộc rút tiền ồ ạt có vẻ sẽ không thể xảy ra.

Một số ngân hàng Trung Quốc có thể đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu dài hạn, giống như SVB. Nếu lãi suất tăng và giá trị của các trái phiếu này giảm, ngân hàng sẽ gặp thua lỗ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tài chính yếu kém tương tự như những gì đã xảy ra với SVB. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch trong việc công bố cơ cấu tài sản khiến việc đánh giá rủi ro trở nên khó khăn. Nếu người gửi tiền nhận ra rằng một ngân hàng cụ thể đang chịu lỗ lớn từ trái phiếu, họ có thể quyết định rút tiền hàng loạt, gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản cho ngân hàng đó. Đây là tình huống tương tự với SVB, khi ngân hàng mất khả năng thanh toán do người gửi tiền đồng loạt rút tiền.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc có khả năng can thiệp kịp thời để giải quyết các vấn đề trong hệ thống ngân hàng, bằng cách buộc các ngân hàng mạnh hỗ trợ các ngân hàng yếu hơn hoặc thành lập các ngân hàng chuyên dụng để xử lý tài sản độc hại. Một ví dụ điển hình gần đây là việc chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa kỷ lục 40 ngân hàng cộng đồng tại tỉnh Liêu Ninh. Tài sản từ các ngân hàng này sau đó được gộp lại vào một ngân hàng khu vực mới. Việc đóng cửa các ngân hàng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, như hiệu suất trái phiếu kém, các khoản vay bất động sản tồi tệ hoặc những yếu tố tài chính khác. Tuy nhiên, thông tin chi tiết không được công bố, do đó, người ngoài không thể biết chính xác lý do cụ thể.

Lợi suất trái phiếu thấp gây căng thẳng cho các bộ phận khác của hệ thống tài chính:

Các công ty bảo hiểm Trung Quốc đang gặp phải một vấn đề lớn vì họ đã cam kết trả lãi suất cao cho các khoản nợ phải trả, nhưng lợi suất từ các khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ hiện tại quá thấp. Điều này gây ra sự thiếu hụt tài chính, và về mặt kỹ thuật, các công ty bảo hiểm có thể sẽ không đủ tiền để trả nợ trong tương lai, mặc dù họ vẫn đang hoạt động.

Trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, vấn đề lớn nhất không phải là các ngân hàng nắm giữ quá nhiều trái phiếu dài hạn. Thay vào đó, các vấn đề chính là các khoản vay bất động sản không hiệu quả, tăng trưởng tín dụng yếu và một hệ thống quản lý tài chính không rõ ràng. Những yếu tố này đe dọa đến sự ổn định lâu dài của hệ thống ngân hàng nhiều hơn so với các rủi ro liên quan đến trái phiếu dài hạn.

Các ngân hàng Trung Quốc đang tăng phân bổ vào trái phiếu, nhưng nếu kinh tế phục hồi và lãi suất tăng, họ có thể thua lỗ do giá trái phiếu giảm. Chính quyền đang cố cảnh báo về rủi ro này, nhưng do triển vọng kinh tế yếu và thiếu lựa chọn đầu tư hấp dẫn, lợi suất trái phiếu vẫn thấp dù đã có các nỗ lực can thiệp.

Financial Times

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!
Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!

Kamala Harris đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận tổng thống với Trump. Harris nổi bật với tầm nhìn hướng tới tương lai, nhấn mạnh các chủ đề như quyền phá thai, pháp quyền và chính sách đối ngoại liên quan đến chiến tranh ở Ukraine và Gaza. Ngược lại, Trump tập trung vào chỉ trích chính quyền hiện tại mà không đưa ra kế hoạch hay sáng kiến cụ thể.
Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?

Sau cuộc họp FOMC, Fed đã bắt đầu "bước ngoặt chính sách" bằng việc cắt giảm lãi suất 50 bps, dự kiến tiếp tục nới lỏng trong năm 2024 - 2026, song thị trường cần thận trọng theo dõi các chỉ báo quan trọng như XRT, DBC, DBA và diễn biến của USD để đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô và xu hướng thị trường tài chính.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ