Viễn cảnh tồi tệ hơn một cuộc Chiến tranh Lạnh có thể bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc?
Trần Quốc Khải
Junior Editor
Có nhiều quan điểm cho rằng Mỹ và Trung Quốc đã bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Kết luận này có thể hiểu được, đặc biệt đối với các nhà hoạch định chính sách đã trải qua cuộc Chiến tranh Lạnh trước đó. Một lần nữa, một nền dân chủ tự do lại dấn thân vào cuộc đấu tranh toàn cầu với một chế độ độc tài cộng sản. Các quốc gia trên khắp thế giới đều chịu áp lực phải chọn đứng về bên nào.
Trên thực tế, việc so sánh với lịch sử là một điều sai lầm. Và trừ khi hai đất nước sớm nhận ra điều đó, họ có thể thất bại trong việc lặp lại thành tựu lớn nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Liên Xô: ngăn chặn được một cuộc chiến tranh nóng.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đang áp dụng các khuôn khổ chiến lược và chiến thuật tương tự để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh không giới hạn về quyền lực và an ninh. Washington đang lặp lại kế hoạch trước đó của mình, hy vọng kiềm chế Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác an ninh và kiểm soát xuất khẩu. Tương tự cách tiếp cận của Liên Xô, Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng kho vũ khí hạt nhân cũng như khả năng tự cung tự cấp về kinh tế và công nghệ nhằm chống lại các lệnh trừng phạt thương mại và các lệnh cấm vận có thể xảy ra.
Những lựa chọn chiến lược đó đang đẩy hai đất nước vào một vòng xoáy hành động-phản ứng rất nguy hiểm. Ví dụ điển hình nhất là quyết định định mệnh của Trung Quốc trong việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga vào năm 2022. Điều này là kế hoạch của Bắc Kinh nhằm chống lại các động thái của Mỹ - tăng cường mạng lưới liên minh khu vực, chẳng hạn như AUKUS (chương trình trang bị cho hải quân Úc các tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến nhất của Mỹ). Sự hỗ trợ của Trung Quốc đã giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin duy trì cuộc chiến chống lại Ukraine, khiến Mỹ và các đối tác NATO tức giận, đồng thời đẩy sự ngờ vực đối với Bắc Kinh lên một mức cao hơn.
Tuy những bước đi này có vẻ hợp lý với Washington và Bắc Kinh, họ đang lặp lại những sai lầm tương tự trong lịch sử: căng thẳng Anh - Đức dẫn đến Thế chiến thứ nhất.
Ngay cả một cái nhìn sơ lược về cuộc xung đột thảm khốc đó cũng cho thấy những điểm tương đồng. Lúc ấy cũng như hiện tại, các mối quan hệ kinh tế và trao đổi văn hóa gắn kết hai đất nước thù địch đã không thể làm giảm bớt sự cạnh tranh an ninh của họ. Động lực chính dẫn đến sự cạnh tranh giữa Anh và Đức là sự trỗi dậy nhanh chóng của Đức với tư cách là một cường quốc sẵn sàng thống trị châu Âu. Ngày nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc và khả năng thống trị châu Á đang đe dọa sự cân bằng quyền lực trong khu vực và vị thế đứng đầu toàn cầu của Mỹ.
Các hoạt động địa chính trị của Anh và các đồng minh nhằm hạn chế sự mở rộng ảnh hưởng của Đức đã thuyết phục Berlin rằng các đối thủ đang muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của họ bằng bất cứ giá nào. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn có cảm nhận tương tự với những hành động của Mỹ trong những năm gần đây.
Trước thềm chiến tranh, những niềm tin như vậy đã thuyết phục các cường quốc đối địch rằng những khác biệt của họ là không thể hòa giải và xung đột là không thể tránh khỏi. Khi cảm giác bi quan bao trùm, quân đội Anh, Đức, Pháp và Nga đã lập kế hoạch chiến đấu dự phòng. Như chúng ta đã biết bây giờ, những kế hoạch này - cụ thể là kế hoạch huy động và chiến lược quân sự của Đức nhằm tấn công Pháp thông qua nước Bỉ trung lập - việc Pháp bị tấn công đã ảnh hưởng sâu sắc lên toàn bộ các nước đồng minh.
Thế chiến thứ nhất đang trực chờ để bùng nổ. Mặc dù một cuộc khủng hoảng được xử lý không tốt giữa Áo-Hungary và Serbia đã gây ra xung đột. Tuy nhiên, các điều kiện dẫn đến cuộc khủng hoảng - bối cảnh chiến lược lớn hơn - được cho là đã đóng vai trò quan trọng hơn. Những điều kiện này cho phép cuộc khủng hoảng, đã có thể kiểm soát được, đẩy châu Âu vào chiến tranh.
Ngay cả trước vụ ám sát Thái tử Áo Franz Ferdinand vào tháng 6 năm 1914, sự cạnh tranh chiến lược không kiềm chế đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột giữa Đức, Anh, Pháp và Nga. Mặc dù những sự kiện đó không dẫn đến xung đột quân sự, chúng gây ra xích mích và làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc đối đầu trong tương lai. Tất cả các cường quốc đối địch đều tin rằng danh dự và uy tín quốc gia của họ sẽ bị tổn hại tới mức không thể phục hồi nếu họ lùi bước trong một cuộc xung đột khác.
Khi mối quan hệ giữa Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên ngày càng chặt chẽ hơn, cùng với đó, Mỹ tăng cường quan hệ đối tác với NATO và các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, thật dễ dàng nhận thấy một động lực tương tự đang diễn ra. Mỹ và Trung Quốc phải nhanh chóng học cách thiết lập ranh giới trong cạnh tranh của họ - để kiềm chế sự đối kháng lẫn nhau và tăng khả năng thích ứng trong tương lai. Nếu không, động lực hành động-phản ứng sẽ đẩy cả hai bên tới một cuộc xung đột không mong muốn.
Những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, trước Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, cũng giống như những năm trước Thế chiến thứ nhất. May mắn thay, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô không chỉ lùi lại nhằm tránh bùng nổ xung đột vào năm 1962 mà còn áp dụng các chính sách nhằm đảo ngược những động lực nguy hiểm đó, quan trọng nhất là thông qua kiềm chế chiến lược và thừa nhận lợi ích sống còn của nhau. Đó là một bài học lịch sử mà các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nên lưu ý.
Bloomberg