Viêt Nam, một trong những điểm sáng nhất của châu Á! Nhà kinh tế học của UBS nhận định.
Một nhà kinh tế học của UBS cho biết rằng: “ Việt Nam là một trong những điểm sáng nhất ở châu Á bất chấp thách thức của đại dịch Covid-19 - Và nền kinh tế của nước này đã sẵn sàng để phục hồi”.
- Một nền kinh tế đang hồi phục và một thỏa thuận thương mại mới là lý do tại sao Việt Nam có triển vọng tốt trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
- Nhà kinh tế học của UBS nói rằng: “Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp thực sự đã tăng trở lại trong các dữ liệu của tháng 6, tốt hơn so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực”.
- Việt Nam có dân số dưới 100 triệu dân và báo cáo chỉ ghi nhận 369 ca nhiễm Covid-19 và không có trường hợp tử vong nào cho đến nay.
Nhà kinh tế học Asean, ông Edward Teather tại UBS Research cho biết: “Việt Nam đang gánh chịu những mất mát từ tác động của Covid-19 nhưng vẫn là một trong những điểm sáng nhất trong khu vực”. Ông cũng nói với "Squawk Box Asia" của CNBC vào thứ Hai rằng: "Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp thực sự đã tăng trở lại trong các dữ liệu của tháng 6, tốt hơn so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực".
Rất nhiều các nền kinh tế khác đã thu hẹp lại trong quý II năm 2020 so với một năm trước đó, nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vẫn tăng trưởng nhẹ ở mức ước tính 0.36%.
Quốc gia này đã thành công trong việc ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 mặc dù có chung biên giới với Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên trên thế giới.
Việt Nam có dân số dưới 100 triệu dân, và báo cáo chỉ ghi nhận 369 ca nhiễm Covid-19 và không có trường hợp tử vong nào cho đến nay, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Đại học Johns Hopkins.
Ông Teather nhà kinh tế học của UBS cho biết rằng: "Việt Nam đang phát triển và có vị trí tốt để tiếp tục chiếm thị phần toàn cầu trong lĩnh vực xuất khẩu trong tương lai, vì vậy triển vọng khá là sáng sủa so với mặt bằng chung của khu vực”.
Quốc gia này được coi là một trung tâm sản xuất thay thế cho các công ty muốn chuyển dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, do căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã dẫn đến việc áp đặt thuế quan giữa hai cường quốc này.
Động lực thúc đẩy nền kinh tế.
Teather nói: “Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với Liên minh châu Âu đã được phê duyệt vào tháng trước, điều này có thể thúc đẩy mạnh mẽ cho dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”.
Ông cũng đã dự báo rằng tổng mức vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể bị cản trở, một phần là do các nhà đầu tư không thể tự do đi lại trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, có "nhiều hoạt động" vẫn đang trong tiến trình và những khoản đầu tư đó có thể tăng mạnh vào năm 2021 khi các hạn chế biên giới được nới lỏng.
Sự hỗ trợ của chính phủ cũng có thể thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam, ông nói: "Thủ tướng Việt Nam đã kêu gọi nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong tuần qua và Ngân hàng Trung ương đã đáp lại rằng họ muốn tăng trưởng tín dụng lên hơn 10%”.
Ông nói thêm: "Dường như chính quyền Việt Nam với các động lực sẵn có, đang cố gắng thúc đẩy cho nền kinh tế nước nhà tiến xa hơn”.