"Vùng vẫy" trước hung thần USD, các nền kinh tế mới nổi ra sức cứu nguy cho đồng nội tệ
Thành Duy
Junior editor
Màn rượt đuổi tỷ giá đang diễn ra hết sức gay cấn tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực châu Á, khi đồng USD liên tục tăng giá mạnh, buộc các nhà chức trách phải hành động.
Tại Hàn Quốc, Thái Lan và Ba Lan, các quan chức cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ biến động tỷ giá và sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. Indonesia đã đi xa hơn bằng cách bán USD trực tiếp, trong khi Trung Quốc liên tục kiềm hãm đà mất giá của đồng Nhân dân tệ (CNY), ngầm báo hiệu tầm quan trọng của việc ổn định tỷ giá.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào tuần trước cao hơn dự kiến đã dập tắt hy vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất, khiến cuộc chiến chống lại sự bành trướng của anh “Đô” càng trở nên cam go. Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran ở Trung Đông cũng có thể đẩy nhu cầu đối với đồng USD lên cao như một nơi trú ẩn.
Hầu hết các đồng tiền của thị trường mới nổi đều giảm trong năm 2024
"Hiện nay, chúng ta chứng kiến nhiều biện pháp can thiệp bằng ngôn từ từ các NHTW khác nhau", Marcella Chow, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management ở Hồng Kông cho biết. Bà chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV: "Do Fed dường như không có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian ngắn, có thể một số đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục mất giá, và điều này có thể dẫn đến nhiều biện pháp can thiệp bằng ngôn từ hơn."
Sự gia tăng hoạt động can thiệp của các NHTW là một chiến tuyến mới trong cuộc chiến tiền tệ xuất phát từ việc Fed chuyển sang duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Các nhà giao dịch đã giảm bớt kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây do dữ liệu lạm phát vẫn nóng. Và chắc chắn rồi, những nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi vẫn còn nhiều việc phải làm.
Lời qua tiếng lại về tỷ giá
Các nhà hoạch định chính sách Thái Lan đang đối mặt với thách thức lớn khi cố gắng hỗ trợ đồng Baht (THB), đồng tiền đã giảm khoảng 6% trong năm nay. Chiến lược của họ là sử dụng "can thiệp bằng ngôn " để thuyết phục thị trường về khả năng phục hồi của THB.
"Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ biến động trên thị trường ngoại hối", các nhà hoạch định chính sách cho biết tại cuộc họp ngày 10 tháng 4. Họ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp để hỗ trợ đồng nội tệ, bất chấp mong muốn nới lỏng chính sách của Thủ tướng Srettha Thavisin.
Ngân hàng Trung ương Ba Lan (NBP) nhắc lại tại cuộc họp ngày 4 tháng 4 rằng họ có thể can thiệp để hỗ trợ đồng Zloty (PLN). Các nhà hoạch định chính sách cho biết đồng nội tệ mạnh hơn sẽ giúp kiềm chế lạm phát, sau khi họ giữ nguyên lãi suất.
Và các quan chức của Ngân hàng Hàn Quốc cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ đồng Won (KRW), sau khi đồng tiền này chịu áp lực vào tuần trước. Tổng giám đốc Oh Kum-hwa nói với Bloomberg rằng những nhận xét của Thống đốc Rhee Chang-yong về đồng tiền vào thứ Sáu chứa đựng ý định can thiệp bằng lời.
Bán USD trực tiếp
Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), đã đi một bước xa hơn bằng cách mua vào Rupiah (IDR) để hạn chế đà giảm của đồng tiền này. Thống đốc Perry Warjiyo cho biết can thiệp và bán các chứng khoán lợi suất cao sẽ là vũ khí chính của họ trong năm nay để hỗ trợ đồng nội tệ.
Lần can thiệp chính thức gần nhất của họ là vào ngày 2 tháng 4 khi IDR trượt xuống mức thấp nhất trong bốn năm. Tuy nhiên, trong trường hợp của Indonesia, đồng USD không phải đương độc chịu trách nhiệm, bởi IDR cũng chịu áp lực do lo ngại về kế hoạch chi tiêu của tổng thống mới đắc cử Prabowo Subianto.
Khối ngoại đã bán TPCP Thái Lan và Ấn Độ, đồng thời mua vào TPCP Hàn Quốc trong tháng 4
Ngân hàng Trung ương Peru (PCB) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất vào tuần trước. Theo nguồn tin, họ cũng đã thường xuyên bán USD trong những tháng gần đây để hỗ trợ đồng Sol (PEN). Giới chức Peru cho biết mục tiêu của các can thiệp này là giảm thiểu biến động tỷ giá.
Mặc dù không phải hoàn toàn để đối phó với đồng USD, Ngân hàng Trung ương Israel (BOI) đã bán USD với quy mô chưa từng có sau cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10 nhằm bảo vệ đồng Shekel (ILS).
Châu Á đang trở thành điểm nóng của can thiệp tiền tệ, là khu vực ghi nhận mức độ can thiệp mạnh mẽ nhất từ phía các Ngân hàng Trung ương trong tháng qua. "Các ngân hàng trung ương châu Á không thể lơ là cảnh giác", Paul Mackel, Giám đốc nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại HSBC Holdings ở London, cho biết. Ông nói thêm rằng, "với việc các đồng tiền yếu thường đi kèm áp lực lạm phát, điều này cũng có thể hiểu là trong “trận chiến cuối cùng” với lạm phát, Mỹ không phải là nơi duy nhất gặp khó khăn, mà còn có cả những nền kinh tế khác."
Bài toán nan giải của Trung Quốc
Một ví dụ điển hình về thách thức mà một số quan chức ở các thị trường mới nổi phải đối mặt là thế khó của Trung Quốc với đồng Nhân dân tệ. Hoặc là can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ, điều này có nguy cơ làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế; hoặc cứ để đồng nội tệ yếu đi và đối mặt với tình trạng “chảy máu” ngoại tệ.
PBOC đã chọn giải pháp đầu tiên và sử dụng công cụ điều chỉnh tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ làm "vũ khí chủ lực". Tuy nhiên, việc duy trì tỷ giá tham chiếu trong phạm vi hẹp trong những tháng gần đây, bất chấp đà giảm giá của Nhân dân tệ, đang khiến đồng tiền này tiệm cận mức biên độ giao động 2%.
Những nguy cơ khi nới lỏng kiểm soát đã được chứng minh. PBOC thiết lập mức điều chỉnh tỷ giá tham chiếu yếu hơn dự kiến vào ngày 22 tháng 3 và đồng Nhân dân tệ đã giảm mạnh nhất trong hai tháng.
“Trung Quốc đang ưu tiên ổn định tỷ giá hối đoái nhưng nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, để kiềm chế sự mất giá của đồng Nhân dân tệ thì một công cụ là chưa đủ”, theo Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ Group Holdings ở Singapore.
Cơ hội “gom” hàng giá rẻ cận kề?
Mặc dù đà tăng của đồng USD vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là thời điểm thích hợp để bắt đầu "gom" một số đồng tiền đã giảm sâu.
David Chao, nhà phân tích chiến lược tại Invesco Asset Management ở Singapore, cho biết khả năng Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất sau dữ liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ "sẽ tiếp tục gây áp lực lên các đồng tiền châu Á". Tuy nhiên, ông cũng nhận định: "Đây có thể là cơ hội để mua vào những tài sản rủi ro trong khu vực khi giá giảm".
Sự kiện đáng chú ý:
- Các cuộc họp mùa xuân của IMF và World Bank diễn ra tại Washington từ ngày 17 đến 19 tháng 4. Đây là sự kiện cấp Bộ trưởng giữa hai tổ chức này.
- Ấn Độ công bố dữ liệu thương mại và giá bán buôn.
- Israel, Ba Lan, Ả Rập Saudi và Nigeria sắp công bố số liệu CPI.
- Bầu cử Ấn Độ diễn ra từ ngày 19 tháng 4. Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Kết quả bầu cử sẽ chỉ được công bố vào ngày 4 tháng 6.
Bloomberg