XAU/USD (GOLD) - Thời khắc quan trọng về xu hướng!
Lê Bảo Khánh
Founder
Trên đồ thị ngày, XAU/USD đang tiệm cận trendline giảm - lần kiểm tra thứ tư, và với cả người Bearish hay Bullish về vàng thì đây đều là thời điểm quan trọng cho việc canh bán hay mua.
Ban đầu tôi liên tưởng đến năm 2013, quãng thời gian Vàng giảm tới 28% do tác động của việc Fed phát tín hiệu thu hẹp QE, thậm chí đã gây ra hiệu ứng “Taper Tantrum” cho các thị trường tài sản. Hiện nay FED cũng đã bắt đầu thu hẹp QE, và thị trường định giá cho 2 lần tăng lãi suất trong năm tới. Có một thực tế là cả Vàng và USD cùng đang tăng, điều này đôi lúc gây thắc mắc cho giới đầu tư vì vàng thường bị phản ứng tiêu cực khi đồng bạc xanh tăng giá mạnh.
Tuy nhiên, thị trường tưởng chừng như lặp lại từ những mẫu hình trong quá khứ - thì nó vốn dĩ chẳng lúc nào giống lúc nào cả. Thập kỷ trước làm gì có lạm phát, Fed muốn lạm phát ổn định quanh mức mục tiêu 2% mà chẳng được. Còn bây giờ, khi lạm phát tháng trước tăng lên mức cao nhất 30 năm thì Fed vẫn trấn an “lạm phát tăng chỉ là tạm thời”. Việc Vàng tăng trong bối cảnh USD tăng cho thấy vai trò “Inflation Hedge” - hàng rào phòng vệ rủi ro lạm phát của kim loại quý đang lấn át, và thực tế là lợi suất thực của Mỹ vẫn đang âm sâu (kỳ vọng lạm phát lớn hơn mức tăng của lợi suất TPCP), là yếu hỗ trợ cho tài sản phi lợi suất như Vàng.
Tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về USD hiện nay khi sự phân kỳ chính sách giữa FED/ECB là rất dai dẳng, tuy nhiên chuyển sang trung lập về vàng ở thời điểm hiện tại. Lý do tôi thận trọng về vàng là các quỹ ETF vẫn đang chưa mua vào, thậm chí vẫn liên tục bán ròng mạnh trong 1 năm nay (khoảng hơn 400 tấn), điều hoàn toàn ngược lại với năm 2020, khi nhu cầu đầu tư vào kim loại quý vào các quỹ ETF trên toàn cầu hoàn toàn áp đảo nhu cầu tiêu thụ vật chất và là động lượng chính cho đà tăng của Vàng năm ngoái.
Câu chuyện chính về động lực của giá Vàng sẽ quay lại chủ đề lạm phát. Nếu khủng hoảng chuỗi cung ứng sớm được giải quyết, và lạm phát sẽ giảm trở lại trong nửa cuối năm 2022 như kỳ vọng của FED, thì động lượng tăng của vàng là hạn chế khi Fed vốn đang trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ (hệ quả là lợi suất thực sẽ tăng và gây tổn thương cho vàng). Còn nếu như các cấu phần làm tăng CPI được trải rộng, khủng hoảng chuỗi cung ứng dai dẳng, vòng xoáy tiền lương - giá cả tạo áp lực bất lợi cho lạm phát, thì vàng có thể tiếp tục đi lên bất chấp chu kỳ thắt chặt tiền tệ (Tapering) của các ngân hàng trung ương trong nhóm G7.
Về mặt Technical + Market Sentiment, nếu XAU/USD có thể phá vỡ trendline trên đồ thị ngày + hành động mua vào của các quỹ ETF xuất hiện, có thể tôi sẽ chuyển hướng Bullish với XAU, còn tạm thời là trung lập và thận trọng.