Xung đột vũ trang Nga – Ukraine, thị trường hàng hóa tăng giảm khó lường

Xung đột vũ trang Nga – Ukraine, thị trường hàng hóa tăng giảm khó lường

08:29 28/02/2022

Nhóm nông sản giao dịch trên Sàn hàng hóa Chicago (CBOT) đã có một tuần giao dịch khó lường. Thị trường trong tuần vừa qua hầu như chỉ xoay quanh việc Nga phát động tấn công vào Ukraine, đẩy leo thang lên một tầm cao mới. Giá các ngũ cốc như lúa mì, ngô và đậu tương thậm chí tăng kịch trần khi khu vực diễn ra chiến sự còn được gọi là vựa lúa mì của Châu Âu hay thậm chí là khu vực xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Ukraine là quốc gia xuất khẩu ngô đứng thứ 4 trên thế giới. Tuy nhiên, vào phiên giao dịch cuối tuần, thị trường chứng kiến các lực bán rất mạnh khi các nhà đầu tư có động thái chốt lời cũng như thông tin đã dần được hấp thụ.

Xung đột Nga-ukaraine
Xung đột Nga-ukaraine

Ukraine đóng cửa các cảng đang hoạt động tại khu vực Biển Đen. Nga đóng cửa tại Biển Azov
Ukraine đã đình chỉ các hoạt động vận chuyển thương mại tại tất cả các cảng của họ. Ukraine xuất khẩu khoảng 5 đến 6 triệu tấn ngũ cốc trên tháng bao gồm 4.5 triệu tấn ngô, 1 triệu tấn lúa mì và phần còn lại là đại mạch. Các cảng của Odessa, Pivdennyi, Mykolayiv và Chornomorsk trên biển đen chiếm khoảng 80% lượng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Nga cũng đã đình chỉ hoạt động của các tàu hàng thương mại trong khu vực Biển Azov nhưng vẫn giữ các cảng của họ tại khu vực Biển Đen hoạt động.
Nhà tư vấn SovEcon có trụ sở tại Nga ước tính rằng Nga xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn lúa mì và từ 13 đến 14 tấn ngô cho vụ 2021/22. Trong khi đó, Nga có khoảng 7 đến 7.5 triệu tấn lúa mì và khoảng từ 1 đến 2 triệu tấn ngô còn lại để để vận chuyển.
Tồn kho đậu tương Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức thấp
Theo Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu Quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) cho biết tồn kho đậu tương trong tuần kết thúc ngày 20/02 giảm xuống mức 3.48 triệu tấn, giảm 470,000 tấn so với tuần trước đó. Trong khi đó, ép dầu đậu tương Trung Quốc ghi nhận ở mức 1.71 triệu tấn tăng 660,000 tấn so với tuần trước. CNGOIC dự báo rằng mức tồn kho trong tuần này có thể duy trì 1.7 triệu tấn do khối lượng nhập khẩu thấp và biên lợi nhuận nghiền suy yếu.
Trong khi đó, ghi nhận cùng thời điểm thì tồn kho khô đậu tương tăng nhẹ ở mức 50,000 tấn so với tuần trước đó lên mức 370,000 tấn, cao hơn 80,000 tấn so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 130,000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tồn kho dầu đậu tương giảm 20,000 tấn so với tuần trước lên mức 790,000 tấn, hầu như không có sự thay đổi so với tháng trước.

CNGOIC ước tính rằng khối lượng đậu tương cập cảng cho cả tháng 2 và tháng 3 có thể thấp hơn 6 triệu tấn.
Trung Quốc sẽ giải phóng đậu tương và dầu đậu tương từ kho dự trữ quốc
Trong bối cảnh thiếu hụt, Cục dự trữ nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ giải phóng đậu tương và dầu đậu tương từ kho dự trữ quốc gia. Tuy chưa có con số công bố chính thức cho đợt mở kho này, có nguồn tin cho biết rằng Trung Quốc sẽ bán 5 triệu tấn đậu tương và 500.000 tấn dầu đậu.
Giá khô đậu tương Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục
Trong hôm thứ 5, ghi nhận giá khô đậu tương Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục trong bối cảnh lo lắng về nguồn cung trên thị trường ngay cả khi chính phủ có kế hoạch giải phóng đậu tương khỏi nguồn dự trữ quốc doanh. Giá khô đậu tương Đại Liên kỳ hạn tăng 5% lên 4,064 nhân dân tệ/tấn (tương đương với 643 USD/tấn. Zou Honglin, nhà phân tích nông nghiệp của Mysteel tại Trung Quốc, cho biết các nhà máy nghiền không tích trữ nhiều hàng tồn kho trước kỳ nghỉ Tết vì tỷ suất lợi nhuận kém và đang đối mặt với việc nguồn cung bị thiếu hụt trên thị trường.
Trung Quốc tăng cường diện tích đậu tương và hạt có dầu
Theo “Tài liệu số 1” do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và Hội đồng Nhà nước cùng ban hành, Trung Quốc sẽ tăng năng lực sản xuất đậu tương và hạt có dầu trong khi ổn định diện tích và sản lượng trồng ngũ cốc trong năm 2022 thông qua tăng trợ cấp cho các chương trình luân canh đất đai và thưởng cho nhà sản xuất dầu ăn chính, thúc đẩy chế độ xen canh ngô - đậu tương. Trước đó, cơ quan này đã đặt mục tiêu sản xuất 23 triệu tấn đậu tương vào cuối năm 2025, tương đương tăng 40% so với mức ước tính niên vụ 2021/22. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất ethanol nội địa và tăng giá tối thiểu cho việc chính phủ thu mua lúa mì và gạo trong năm 2022.
Sản lượng đậu tương tại Brazil tiếp tục bị cắt giảm
Giới đầu tư trên thị trường tiếp tục ghi nhận hàng loạt các tổ chức tư vấn cắt giảm ước tính sản lượng đậu tương Brazil. Công ty tư vấn Brazil Céleres cắt giảm sản lượng đậu tương Brazil 13.6% xuống còn 125.8 triệu tấn so với các ước tính trước đó (thấp hơn 8.9% so với năm trước). Công ty tư vấn địa phương là Datagro ước tính sản lượng đậu tương Brazil 2021/22 đạt 130.25 triệu tấn, gần bằng với mức 130 triệu tấn ước tính vào tháng 1, xa hơn rất nhiều so với các ước tính đầu tiên là 144.06 triệu tấn. Tuần trước, công ty tư vấn địa phương Rural Clima đã giảm ước tính sản lượng đậu tương của Brazil xuống còn 122.7 triệu tấn, giảm 5% so với ước tính trước đó, cũng do thiệt hại ngày càng tăng do thời tiết.
Xuất khẩu đậu tương của Brazil
Theo thông tin từ Hải quan Brazil, quốc gia này đã xuất khẩu 1.7 tấn đậu tương trong tuần thứ ba của tháng Hai, nâng tổng số xuất khẩu trong tháng lên mức 3.3 triệu tấn, tăng 28.1% so với cùng kì năm ngoái. Con số này cũng cao hơn đáng kể so với con số 1.3 triệu tấn của tuần trước đó, giúp cho luỹ kế xuất khẩu tháng Hai năm nay vượt xuất khẩu đậu tương tháng 02/2021 của Brazil (2.6 triệu tấn).
Ép dầu đậu tương tại Argentina suy giảm trong tháng 1

Theo Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản Argentina (MAGyP) cho biết ép dầu đậu tương trong tháng 1 tại nhà xuất khầu dầu đậu tương lớn nhất thế giới là Argentina ghi nhận đạt 2.51 triệu tấn, giảm 15% so với mức 2.95 triệu tấn được chế biến trong tháng 12 năm 2021. Chưa dừng lại ở đó, con số ép dầu đậu tương trong tháng 1 của Argentina ghi nhận giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Các số liệu ghi nhận trong tháng 1 có thể được xem là mức thấp nhất theo tháng kể từ năm 2015.
Về sản lượng, ghi nhận có 494,000 tấn dầu đậu tương được sản xuất trong tháng đầu tiên của năm 2022, cũng ghi nhận mức giảm 15% so với tháng trước. Trong khi đó, sản lượng khô đậu tương ghi nhận ở mức 1.81 triệu tấn, tương đương giảm 15% so tháng trước và chính thức chạm mốc thấp nhất từ tháng 1 năm 2020.
Phòng thương mại CIARA-CEC dự báo rằng công suất ép dầu trong vụ 2021/22 có thể rơi xuống mức thấp nhất thứ 2 trong vòng 10 năm hay tương đương chỉ với 56% trong vụ hiện tại, tức là giảm 6 điểm phần trăm so với vụ 2020/21.
Diễn đàn Triển vọng Nông nghiệp Mỹ 2022
Diễn đàn Triển vọng Nông nghiệp Mỹ 2022 (Agricultural Outlook Forum 2022) ghi nhận Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo rằng diện tích trồng ngô sẽ giảm từ mức 93.4 triệu mẫu trong năm 2021 xuống còn 92 triệu mẫu trong năm 2022. Ngược lại diện tích trồng đậu tương kỳ vọng sẽ tăng lên từ mức 87.2 triệu mẫu năm trước thành 88 triệu mẫu trong năm 2022. Diện tích lúa mì cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên từ 48 triệu mẫu so với con số diện tích là 46.7 triệu mẫu trong năm 2022.

Trong báo cáo, USDA dự báo sản lượng ngô Mỹ 2022 có thể đạt 15,250 triệu giạ, cao hơn so với con số trong năm trước là 15,115 triệu giạ. Sản lượng đậu tương cũng được dự báo ở mức 4,490 triệu giạ, cao hơn so với sản lượng năm 2021 là 4,435 triệu giạ. Tương tự, sản lượng lúa cũng được dự báo sẽ tăng trong năm 2022 lên mức 1,940 triệu giạ từ mức 1,646 triệu giạ.

Dự báo về mặt tiêu thụ, USDA ước tính tồn kho cuối kỳ đậu tương Mỹ ghi nhận ở mức 1,965 triệu giạ, cao hơn so với các số liệu tồn kho ghi nhận từ USDA trong năm 2021 là 1,540 triệu giạ. Tồn kho lúa mì cũng được dự kiến sẽ tăng trong năm 2022 từ mức 648 triệu giạ trong năm 2021 lên mức 731 triệu giạ. Tuy nhiên, tồn kho đậu tương lại kỳ vọng sẽ giảm từ mức 325 triệu giạ trong năm 2021 xuống còn 305 triệu giạ trong năm 2022.

Xuất khẩu lúa mì Nga sụt giảm so với cùng kỳ năm trước
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Nga, xuất khẩu lúa mì của quốc gia này đạt 900 nghìn tấn trong tuần thứ 3 của tháng 2, cao hơn so với tuần trước. Tuy nhiên, luỹ kế xuất khẩu cả niên vụ của Nga chỉ mới đạt 25.2 triệu tấn, thấp hơn 24% so với cùng kì năm ngoái. Theo phân tích dữ liệu tàu hàng từ Agricencus, Iran là quốc gia nhập khẩu nhiều lúa mì nhất từ Nga trong niên vụ này, với luỹ kế 6.4 triệu tấn tính từ đầu tháng 07/2021.

Trung Quốc cho phép nhập khẩu lúa mì từ Nga
Trung Quốc đã chấp thuận việc nhập khẩu lúa mì từ Nga, theo một thông báo từ trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CGAC) hôm thứ Năm. Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và đã nhập khẩu 9.77 triệu tấn lúa mì vào năm 2021, đạt mức cao kỷ lục với mức tăng hàng năm là 16.6%. Một nhà phân tích tại Trung Quốc nhận xét điều này sẽ không có tác động lớn đến năm mùa vụ hiện tại vì Trung Quốc gần như đã hoàn thành nhu cầu nhập khẩu với lúa mì Úc và người mua đang lo lắng về tình hình bất ổn ở Nga. Tuy nhiên, điều này sẽ tăng áp lực cạnh tranh lên thị phần lúa mì của Mỹ và EU trong những năm tới và sẽ có tác động dài hạn hơn. Ngoài ra, điều này cũng có yếu tố chính trị và là tín hiệu của Trung Quốc cho thấy nước này sẽ hỗ trợ Nga nếu có cấm vận ở Biển Đen.

Sản lượng lúa mì khu vực Nam Úc sụt giảm so với tuần trước đó
Trong báo cáo trồng trọt mới nhất của mình, Bộ Công nghiệp Chính và Khu vực Nam Úc (PIRSA) đã dự báo sản lượng lúa mì của vùng Nam Úc niên vụ 2021/22 sẽ giảm 5.5% so với niên vụ trước nhưng vẫn cao hơn trung bình 5 năm. Cụ thể, sản lượng dự kiến của vùng Nam Úc niên vụ 2021/22 theo PIRSA sẽ đạt 4.7 triệu tấn, giảm 0.2 triệu tấn so với niên vụ trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm gần nhất là 4.4 triệu tấn.
Xuất khẩu lúa mì Ukraine tăng mạnh bất chấp leo thang căng thẳng
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Ukraine, xuất khẩu lúa mì của quốc gia này đạt 300 nghìn tấn trong tuần vừa qua, tăng 34% so với cùng kì năm ngoái. Luỹ kế xuất khẩu của Ukraina trong niên vụ 2021/22 tăng mạnh, đạt 17.8 triệu tấn trong khi niên vụ còn kéo dài đến hết tháng 6 và cả niên vụ trước quốc gia này chỉ xuất khẩu 16.6 triệu tấn. Theo phân tích từ S&P Global, Ukraina sẽ xuất khẩu khoảng 22.5 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2021/22, trong khi theo dự báo của USDA thì con số này là 24 triệu tấn.

Ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam chờ đợi các nới lỏng hạn chế vào giữa tháng 3
Nhu cầu đối với hỗn hợp thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam hiện vẫn còn khá chậm do Việt Nam hiện vẫn còn duy trì các biện pháp giãn cách do Covid-19. Chính phủ đang có kế hoạch sẽ mở cửa trở lại cho hoạt động du lịch từ tháng 3 năm 2022. Việt Nam là một trong những quốc gia nhập khẩu và sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất châu Á.
Theo AgriCensus, mặc dù nhu cầu nội địa chậm lại nhưng các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi phải tăng giá các sản xuất thức ăn chăn nuôi từ 300,000 đến 400,000 đồng/tấn do giá nguyên liệu đầu vào trên toàn cầu tăng mạnh.
Trong năm 2021, nhập khẩu ngô của Việt Nam đã có sự sụt giảm do giá ngô thế giới chạm mức tăng cao trong nhiều năm, trong khi đó thị trường và nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn còn khá trầm lắng.

Theo dữ liệu từ Tổng Cục thông kê Việt Nam, trong tháng 12 năm 2021, Việt Nam nhật khẩu 510,757 tấn ngô, giảm gần 50% so với mức 986,858 tấn ngô trong tháng 12 năm 2020. Tính lũy kế cả năm 2021, nhập khẩu Ngô Việt Nam ở mức 10 triệu tấn, giảm 17% so với năm trước, tức là 12 triệu tấn trong năm 2020.
Kể từ đầu năm 2022, nhập khẩu ngô đạt tổng cộng là 1.36 triệu tấn trong tháng 1 và ghi nhận có 1 triệu tấn ngô đã đến cảng.
Trong khi đó, nhập khẩu lúa mì của Việt Nam đạt 4.67 triệu tấn trong năm 2021, tăng đến 59% so với năm 2020, do các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang có sự thay đổi vể công thức thức ăn chăn nuôi và do giá ngô tăng quá cao.
Sản lượng ethanol của Mỹ tăng 2 tuần liên tiếp

Tổng sản lượng ethanol Mỹ ghi nhận trong tuần kết thúc ngày 18/02 ở mức 1.02 triệu thùng/ngày, cao hơn so với tuần trước đó là 1.01 triệu thùng/ngày. Các số liệu cao hơn so với dự báo từ thị trường trong khoảng từ 999 – 1,009 nghìn thùng/ngày. Với các số liệu trên, ước tính đã tiêu thụ 2.64 triệu tấn ngô, tăng 2.6 triệu tấn so với tuần trước đó. Tồn kho ethanol ghi nhận ở mức 25.5 triệu thùng, không thay đổi so với tuần trước đó.

CONAB: Nhập khẩu phân bón của Brazil đạt 2.3 triệu tấn trong tháng 1
Theo Cơ quan cung ứng quốc gia Brazil (CONAB), nhập khẩu phân bón trong tháng 1 có thể đạt 2.3 triệu tấn, giảm đến 15% so với mức 2.7 triệu tấn được nhập khẩu trong cùng kỳ năm trước. Theo CONAB, hoạt động nhập khẩu phân bón của Brazil bị ảnh hưởng nặng nề bởi các căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine.
Nga là một trong những nhà cung ứng phân bón hàng đầu thế giới. Ví dụ như Kali, Nga chiếm khoảng 20% sản lượng toàn cầu và cung ứng đến 28% lượng hàng nhập khẩu của Brazil. Nga cũng là quốc gia sản xuất phân đạm lớn thứ 2 trên thế giới và cung ứng 21% lượng nhập khẩu phân đạm cho Brazil. Còn đối với phân Ammonium Nitrate, Nga là nhà cung cấp duy nhất cho Brazil.

Giá trị nhập khẩu phân Brazil đạt mức cao chưa từng có với 1.1 triệu USD do giá nhập khẩu trung bình đạt mức kỷ lục 496.620 USD/tấn, tăng 110.4% so với cùng kỳ năm trước.


Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:

Hotline: 0286 686 0068

Website: https://saigonfutures.com/

Fanpage: Saigon Futures Inc.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Sau hơn 1,000 ngày chiến sự, thị trường dường như đã quen với khả năng leo thang trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây - từ việc Kyiv sử dụng tên lửa được Mỹ cho phép để tấn công các mục tiêu tại Nga, đến việc Tổng thống Vladimir Putin cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công phi hạt nhân được hỗ trợ bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - đang đẩy xung đột lên một cấp độ đáng lo ngại.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ