10 xu thế nổi bật trong năm 2021
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Năm tới hứa hẹn sẽ đặc biệt khó đoán, do những tác động qua lại giữa đại dịch, sự phục hồi kinh tế không đồng đều và địa chính trị còn nhiều khó khăn. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn cải thiện khả năng chiến thắng thị trường khi bạn có thể định hướng được những rủi ro và cơ hội phía trước.
10 xu thế nổi bật trong năm 2021
Bạn có cảm thấy may mắn không? Con số 21 liên quan đến may mắn, rủi ro, những cơ hội và sự liều lĩnh. Đó là tổng số điểm trên một xúc xắc tiêu chuẩn và số shilling trong 1 đồng guinea (đồng tiền xu cổ của Vương quốc Anh, tương đương với 1.05 pound), đơn vị tiền tệ truyền thống trong cá cược và đua ngựa. Đây cũng là độ tuổi tối thiểu để bạn có thể vào sòng bạc ở Mỹ và là tên của một nhóm trò chơi bài, bao gồm cả trò xì dách, phổ biến với những người chơi cờ bạc.
Tất cả những điều đó dường như phù hợp một cách kỳ lạ cho một năm bất ổn bất thường. Giải thưởng lớn nhất chính là cơ hội kiểm soát đại dịch covid-19. Nhưng đồng thời những rủi ro cũng nhiều vô kể, đối với sức khỏe, sức sống kinh tế và sự ổn định xã hội. Khi năm 2021 đến gần, dưới đây là 10 xu hướng cần theo dõi trong năm tới1.
1. Cuộc chiến giành vắc xin
Khi những lô vắc-xin đầu tiên được sản xuất thành công, trọng tâm sẽ chuyển từ nỗ lực phát triển chúng sang nhiệm vụ khó khăn không kém là phân phối chúng. Chắc chắn sẽ nổ ra những cuộc chiến trong và giữa các quốc gia về việc ai sẽ nhận được chúng và khi nào. Một ẩn số khó lường: bao nhiêu người sẽ từ chối tiêm vắc xin?
2. Sự phục hồi kinh tế khó lường.
Khi các nền kinh tế cố gắng vực dậy sau đại dịch, sự phục hồi sẽ khá chông gai, khi các đợt bùng phát, kèm theo những nổ lực kiểm soát chúng đến rồi đi - và các chính phủ chuyển dịch từ việc duy trì sự tồn tại cho các doanh nghiệp sang giúp đỡ những người lao động bị mất việc làm. Khoảng cách giữa các doanh nghiệp mạnh và yếu sẽ ngày càng lớn.
3. Hàn gắn những rối loạn trên toàn cầu
Joe Biden, người mới được bổ nhiệm vào Nhà Trắng, sẽ có thể sửa chữa một trật tự quốc tế vốn được dựa trên luật lệ đang đổ nát đến mức nào? Hiệp ước khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran là những nơi rõ ràng có thể bắt đầu. Nhưng sự sụp đổ đã nhen nhóm từ trước thời Donald Trump, và sẽ có thể tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ tổng thống của Biden.
4. Gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung.
Đừng mong đợi ông Biden sẽ tạm ngừng chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Thay vào đó, Biden sẽ muốn hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh để thực hiện nó (cuộc chiến tranh thương mại) hiệu quả hơn. Nhiều quốc gia từ châu Phi đến Đông Nam Á đang cố gắng hết sức để tránh bị rơi vào hoàn cảnh phải chọn phe khi căng thẳng gia tăng.
5. Các doanh nghiệp trên tiền tuyến chiến tranh thương mại
Một mặt trận khác cho xung đột Mỹ-Trung là các doanh nghiệp, không chỉ là những ví dụ rõ ràng của Huawei và TikTok, khi hoạt động kinh doanh thậm chí còn trở thành một chiến trường địa chính trị nhiều hơn. Ngoài áp lực từ phía trên, các ông chủ cũng phải đối mặt với áp lực từ bên dưới, khi nhân viên và khách hàng yêu cầu họ thể hiện quan điểm quyết liệt đối với các vấn đề biến đổi khí hậu và công bằng xã hội, nơi những gì các chính trị gia làm là quá ít.
6. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ có bền vững?
Vào năm 2020, đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng nhiều công nghệ, từ họp mặt trực tuyến và mua sắm trực tuyến đến làm việc từ xa và học từ xa. Vào năm 2021, mức độ mà những thay đổi này sẽ gắn chặt với cuộc sống con người, hoặc nhanh chóng bị loại bỏ, sẽ trở nên rõ ràng hơn.
7. Một thế giới bớt xê dịch
Ngành du lịch sẽ tiếp tục suy thoái và thay đổi hình dạng, trong đó chú trọng hơn đến du lịch nội địa. Các hãng hàng không, chuỗi khách sạn và nhà sản xuất máy bay sẽ gặp khó khăn, cũng như các trường đại học phụ thuộc nhiều vào sinh viên nước ngoài. Xu hướng trao đổi văn hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng.
8. Cơ hội để đối phó với biến đổi khí hậu.
Một tia sáng tích cực lẻ loi trong bối cảnh khủng hoảng chính là những cơ hội để hành động về biến đổi khí hậu, khi các chính phủ đầu tư vào các kế hoạch phục hồi xanh để tạo việc làm và cắt giảm khí thải. Mức độ tham vọng của những cam kết giảm thiểu ảnh hưởng khí hậu của các quốc gia sẽ đến mức nào tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc, sự kiện bị trì hoãn từ năm 2020?
9. Cơ hội thứ 2 để trải qua năm 2020?
Đó chỉ là một ví dụ về cảm giác của năm tới, về nhiều khía cạnh, như lần thứ hai diễn ra năm 2020, khi các sự kiện bao gồm Thế vận hội, Hội chợ triển lãm Dubai và nhiều cuộc họp chính trị, thể thao và thương mại khác cố gắng hết sức để khai mạc, chậm hơn một năm so với kế hoạch. Không phải tất cả sẽ thành công.
10. Lời cảnh tỉnh cho những rủi ro khác.
Các học giả và nhà phân tích, nhiều người trong số họ đã cảnh báo về nguy cơ đại dịch trong nhiều năm, sẽ tiếp tục cố gắng khai thác những cơ hội ít ỏi để khiến các nhà hoạch định chính sách phải coi trọng những rủi ro khác, chẳng hạn như sự kháng thuốc kháng sinh và khủng bố hạt nhân, một cách nghiêm túc hơn. Chúc họ may mắn!!
Năm tới hứa hẹn sẽ đặc biệt khó đoán, do những tác động qua lại giữa đại dịch, sự phục hồi kinh tế không đồng đều và địa chính trị còn nhiều khó khăn. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn cải thiện khả năng chiến thắng khi bạn có thể định hướng được những rủi ro và cơ hội phía trước.
Và dĩ nhiên không phải tất cả là sự diệt vong và u ám. Chuyên mục đặc biệt của chúng tôi, "Aftershocks", xem xét một số bài học và cơ hội cho những thay đổi tích cực đã xuất hiện từ cuộc khủng hoảng. Vì vậy, hãy để xúc xắc bay cao — và, dẫu bất kỳ điều gì xảy đến với bạn trong năm 2021, chúng tôi chúc bạn 1 năm đầy thuận lợi và may mắn.