5 điều các nhà PTKT luôn "mặc định" là đúng
Tùng Trịnh
CEO
Xu hướng là yếu tố cơ bản của lý thuyết phân tích kỹ thuật. Giá của tài sản sẽ hình thành xu hướng. Ủng hộ khái niệm giá có xu hướng này, các nhà phân tích kỹ thuật đã đưa ra một số mặc định như sau.
1. Các nhà PTKT cho rằng giá được xác định bởi sự tương tác của cung và cầu.
Như lý thuyết kinh tế cơ bản đã dạy, khi nhu cầu tăng, giá tăng, và khi cầu giảm, giá giảm. Một trong những yếu tố quyết định cung và cầu là kỳ vọng của người mua và người bán. (Bạn không mua một tài sản trừ khi bạn mong đợi nó tăng giá). Kỳ vọng là kết quả của các quyết định, và các quyết định dựa trên thông tin (cảm nhận, đã lượng hoá, hoặc các hình thức khác), cảm xúc (tham lam, sợ hãi và hy vọng) và những nhận thức hạn chế như thiên kiến về hành vi, cảm xúc và cảm giác bắt nguồn từ các kết nối điện và hoá học trong não của chúng ta.
2. Các nhà PTKT cho rằng giá phản ánh mọi thứ.
Giá phản ánh tất cả các thông tin liên quan đến tài sản đó, cũng như các kỳ vọng bắt nguồn từ thông tin đó. Khái niệm này lần đầu tiên được Charles Dow đề cập, sau đó được William Peter Hamilton nhấn mạnh lại trong các bài bình luận trên tờ Wall Street Journal, và được Robert Rhea (1932), một Nhà lý thuyết Dow nổi tiếng, mô tả ngắn gọn khi viết về các chỉ số trung bình chứng khoán:
"Chỉ số chứng khoán phản ánh tất cả mọi thứ: Biến động của giá đóng cửa hàng ngày của chỉ số trunbg bình đường sắt và chỉ số trung bình công nghiệp Dow-Jones tạo ra một chỉ số tổng hợp của tất cả những hy vọng, thất vọng và kiến thức của tất cả mọi người, và vì lý do đó, tác động của các sự kiện sắp xảy ra (ngoại trừ ý Chúa) luôn có thể được dự đoán chính xác dựa trên chuyển động của chúng."
3. Các nhà PTKT cho rằng lịch sử, về nguyên tắc, sẽ lặp lại
Con người sẽ hành xử tương tự như cách họ đã từng làm trong quá khứ trong những hoàn cảnh giống nhau. Hành vi này có xu hướng hình thành thành các hình mẫu có kết quả có thể đoán trước được. Đây là khía cạnh gây tranh cãi nhất của phân tích kỹ thuật, và nó chỉ mới được làm rõ trong thời gian gần đây bằng các phương pháp thống kê phức tạp.
4. Các nhà PTKT cho rằng, giống như xu hướng, các pattern cũng có tính fractal (phân ảnh)
Mỗi nhà đầu tư được quyền chọn các khung thời gian để giao dịch, và chúng không nhất thiết phải giống nhau. Điều thú vị là bất kể với khung thời gian nào, các pattern đều có hình dạng và đặc điểm tương tự nhau. Do đó, một nhà phân tích đang xem biểu đồ 5 phút có thể quan sát các mô hình tương tự như một nhà phân tích đang xem biểu đồ Monthly. Những mô hình này cho thấy rằng hành vi tạo ra chúng cũng phụ thuộc vào khung thời gian quan tâm của người tham gia. Ví dụ: một pattern trong khung m5 là kết quả của các nhà giao dịch biểu đồ khung m5. Do đó, mỗi nhóm nhà đầu tư được xác định bởi các khung thời gian khác nhau, họ có các nhóm pattern của riêng họ, chúng có thể hoặc có thể không ảnh hưởng tới nhau, nhưng sẽ giống nhau về mặt hình thái. Do đó, phân tích pattern sẽ mang tính phổ quát và độc lập với khung thời gian.
5. Các nhà PTKT cho rằng cảm xúc bị ảnh hưởng bởi cảm xúc trong quá khứ thông qua phản hồi cảm xúc.
Nếu tôi mua một cổ phiếu hôm nay và giá của nó tăng, tôi sẽ rất vui và bảo người khác mua cổ phiếu đó, hoặc những người khác thấy giá của nó tăng và cũng mua, như vậy sẽ khiến giá tăng thêm. Do đó, hành động trên thị trường không độc lập mà thay vào đó sẽ liên quan đến cách thị trường tự hoạt động. Phản hồi quá mức có thể gây ra “bong bóng” khi giá tăng quá xa so với giá trị thực và có thể gây ra hoảng loạn khi giá giảm mạnh. Các nhà PTKT cho rằng giá sẽ di chuyển vượt quá mức cân bằng vì lý do cảm xúc, cuối cùng sẽ trở lại mức trung bình và sau đó mở rộng ra ngoài mức trung bình theo hướng ngược lại, liên tục dao động qua lại do tâm lý không cân bằng của nhà đầu tư.