Trần nợ công của Mỹ quan trọng tới mức nào?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Vào khoảng tháng 10 tới, chính quyền liên bang Mỹ sẽ không thể chi trả cho các khoản chi tiêu của mình và có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Điều này xảy ra không phải bởi một cuộc khủng hoảng tài chính hay sự cạn kiệt nguồn thu ngân sách mà là bởi sự kết hợp giữa sự phân cực chính trị và đạo luật về trần nợ công. Hãy cùng tìm hiểu về định nghĩa và tầm quan trọng của khái niệm trên.
Trần nợ công là mức tối đa mà Quốc hội quy định cho khoản tiền mà Kho bạc có thể vay. Nó không hề cấp phép cho các khoản chi tiêu mới mà chỉ đơn giản cho phép chính phủ chi trả các khoản chi tiêu trong hạn mức quy định. Thuật ngữ trần nợ xuất hiện đầu tiên tại Mỹ vào năm 1917; trước đó, Quốc hội thường phê chuẩn từng khoản vay của chính phủ cho các mục đích cụ thể. Tuy vậy, trong quá trình huy động tiền nhằm tài trợ cho sự tham gia của Mỹ vào Thế chiến thứ nhất, Quốc hội đã cho phép Kho bạc có nhiều sự linh hoạt hơn, và cuối cùng dẫn tới sự ban hành quy định đầy đủ về trần nợ công vào năm 1935.
Quá trình nâng trần nợ công của Mỹ kể từ năm 1993 tới nay
Trong nhiều năm, việc điều chỉnh tăng trần nợ đã trở thành một trong những chức năng của Quốc hội Mỹ. Kể từ năm 1960, cơ quan này đã thực hiện điều này 78 lần: 49 lần dưới các đời Tổng thống đảng Cộng hòa và 29 lần dưới thời Tổng thống đảng Dân chủ. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, trần nợ công đã được tăng 3 lần, và đảng Dân chủ đã thống nhất hoãn trần nợ công trong 2 năm trong khuôn khổ thỏa thuận về ngân sách trong năm 2019. Sự trì hoãn này đã kết thúc vào cuối tháng 7 vừa qua và kể từ đó đến nay, Kho bạc Mỹ đã phải sử dụng các biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm lượng tiền mặt, bao gồm việc đình chỉ các khoản đầu tư vào các quỹ hưu trí và tàn tật.
Các biện pháp này hiện đang dần hết tác dụng. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã từng cảnh báo vào năm 2019 rằng sự thất bại trong việc nâng trần nợ công có thể dẫn tới một thảm họa kinh tế. Trong ngắn hạn, các quân nhân và người về hưu tại Mỹ có thể sẽ ngừng được chi trả, và những nỗ lực của Mỹ trong việc giảm tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em có thể bị chững lại. Về mặt dài hạn, hậu quả của kịch bản vỡ nợ trái phiếu chính phủ có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu và phần lớn hệ thống tài chính hiện tại được xây dựng trên giả định rằng trái phiếu chính phủ Mỹ là không có rủi ro vỡ nợ, Sự phá vỡ đột ngột của giả định trên có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Người tiêu dùng Mỹ có thể phải đối mặt với chi phí vay nợ cao hơn. Trong ần gần nhất nước Mỹ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, Standard & Poor's đã hạ bậc tín nhiệm của nước này khỏi mức AAA.
Ở lần này, câu chuyện trần nợ công là một phần của cuộc chiến liên quan tới chi tiêu. Vào ngày 21/09 vừa qua, đảng Dân chủ tại Hạ viện đã thông qua đạo luật nhằm nâng trần nợ công, gia hạn tài trợ cho chính phủ cho tới tháng 12 và chi trả cho các khoản cứu trợ do thiên tai vừa qua. Đảng Cộng hòa tại Thượng viện lại nói rằng sẽ không chấp thuận yêu cầu trên. Đảng Dân chủ có lẽ đang muốn kiểm chứng mức độ kiên quyết của phía đối thủ: họ cho rằng đảng Cộng hòa cuối cùng sẽ phải thỏa hiệp thay vì khiến chính phủ phải đóng cửa. Trong khi đó, điều đảng Cộng hòa muốn đó là đảng Dân chủ sẽ thông qua trần nợ công bằng đa số phiếu và sau đó họ sẽ có lý do để chỉ trích việc ủng hộ chi tiêu vô ý thức. Mặc dù hiện kết quả vẫn chưa ngã ngũ, một trong 2 bên cuối cùng cũng sẽ phải thỏa hiệp trước.
The Economist