5 kịch bản cho giá vàng, dầu, USD và chứng khoán trong xung đột Nga-Ukraine
Đức Nguyễn
FX Strategist
Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc ra sao? Đây là câu hỏi ai cũng muốn biết câu trả lời. Ai mà đoán được ông Putin đang tính tới trước những nước đi gì? Nhưng 5 kịch bản sau có thể cho ta biết được các tài sản sẽ biến động như thế nào.
1. Ngừng bắn và chiến sự đóng bằng
Quan chức Nga và Ukraine đã bắt đầu đàm phán kể từ khi phía Moscow ra lệnh vây hãm Kiev, nhưng tới giờ vẫn không đạt được kết quả gì. Tuy nhiên, một số báo cáo về tiến triển, và ngay cả việc vẫn còn đàm phán, cho thấy khả năng ngừng bắn vẫn có thể xảy ra.
Ngừng bắn có thể là bước đầu để đạt được giải pháp dài hạn, nhưng cũng có thể khiến chiến sự đóng băng như tại Donbass. Đụng độ nhỏ lẻ, Nga không rút quân có thể khiến thị trường lạc quan lúc đầu, nhưng sau đó lại giảm trở lại.
Trừng phạt từ phía phương Tây, rủi ro chiến tranh toàn diện và tình hình khó đoán sẽ giữ giá dầu cao. Môi trường này, cùng với việc Fed thắt chặt trước áp lực lạm phát, sẽ tiếp tục giúp USD mạnh lên.
Vàng có thể sập mạnh sau tin ngừng bắn, sau đó từ từ giảm khi lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của Nga được bán ra để cứu lấy nền kinh tế.
Khả năng xảy ra: Cao - đây là điều đã xảy ra ở Donbass, và ở Gruzia trước đây.
2. Đạt được thỏa thuận
Mọi người và thị trường toàn cầu sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu sự chiến sự kết thúc bằng một thỏa thuận lâu dài. Nhiều người sẽ có nghi ngờ về sự bền vững của các thỏa thuận, nhưng thị trường sẽ luôn cầm đèn chạy trước ô tô.
Chứng khoán sẽ tăng mạnh còn dầu sẽ sập, vì Nga sẽ được quay lại với thị trường toàn cầu. Một hiệp định tại châu u cũng sẽ mở đường cho thỏa thuận tại Iran, tăng thêm nguồn cung thị trường. Giá thực phẩm cũng sẽ hạ nhiệt.
USD sẽ ngay lập tức sập mạnh khi tài sản rủi ro bị bán tháo, nhưng sau đó sẽ hồi phục trở lại trước triển vọng Fed thắt chặt chính sách. Hãy nhớ rằng lạm phát tại Mỹ cao hơn rất nhiều nơi khác, và đây là vấn đề duy nhất Fed chú ý tới.
Vàng bước đầu có thể tăng mạnh, do kỳ vọng lạm phát giảm cũng sẽ khiến lợi suất giảm. Tuy nhiên, triển vọng Fed thắt chặt, cùng nhu cầu tài sản trú ẩn thấp, cuối cùng cũng sẽ đạp vàng xuống.
Khả năng xảy ra: Trung bình cao - Ukraine cam kết không gia nhập NATO, nhưng vẫn gia nhập EU, và Nga rút quân khỏi nước này có thể là nền tảng của thỏa thuận.
3. Ukraine đầu hàng
Cả thế giới sẽ rất đau xót nếu những người Ukraine dũng cảm giương cờ trắng, nhưng súng đạn của Nga hoàn toàn có thể áp đảo họ, dù có bất khuất đến đâu. Kịch bản này sẽ khiến Nga tiếp tục bị cô lập và phương Tây có thể cấm nhập khẩu hàng hóa đến từ vùng Ukraine bị chiếm đóng.
Không chỉ năng lượng sẽ tăng giá, mà còn cả thực phẩm, gây suy thoái tại nhiều quốc gia. Điều này cũng sẽ buộc Fed phải nới lỏng chính sách, khiến đô la suy yếu. USD cũng sẽ sập mạnh vì đầu hàng hoàn toàn đồng nghĩa với tình hình sẽ dễ đoán hơn một lệnh ngừng bắn có thể vị vi phạm bất cứ lúc nào.
Sự dễ đoán này cuối cùng sẽ có lợi cho chứng khoán Mỹ. Kinh tế Mỹ không phụ thuộc quá nhiều vào Nga như châu u hay Trung Đông.
Khả năng xảy ra: Trung bình - đây là kịch bản khả dĩ nhất trước chiến tranh, nhưng giờ Nga đang hiểu được rằng Kiev không dễ thất thủ như vậy.
4. NATO can thiệp
Ta có cần chiến tranh hạt nhân không? Trong trường hợp này, tiền bạc cũng chỉ là giấy lộn. Tuy nhiên, nếu Nga dùng vũ khí sinh học và phương Tây hành động, hoặc cả 2 bên có nhầm lẫn gây ra xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga, tình hình sẽ không tốt đẹp gì.
Chứng khoán sẽ sập rất mạnh, thậm chí có thể phải ngừng giao dịch. Nhu cầu USD, JPY và CHF sẽ tăng đột biến nhờ dòng tiền trú ẩn. Vàng sẽ có cơ hội bứt phá lên $2,500, khi suy đoán về chiến tranh hạt nhân sẽ khiến một số người cho rằng kim loại quý này sẽ trở thành tiền tệ trong một thế giới hậu tận thế.
Dầu cũng sẽ tăng mạnh, nhưng các quốc gia xuất khẩu dầu có thể đẩy mạnh sản xuất, trong khi đó, giá hàng hóa tiêu dùng cao và niềm tin người tiêu dùng thấp có thể phá cầu, gây ra một kiểu bong bóng giá.
NATO cuối cùng cũng sẽ thắng, nhưng cái giá phải trả là rất đắt.
Khả năng xảy ra: Thấp - cả Nga và Mỹ đang cố tránh điều này.
5. Cầm quyền Nga thay đổi
Kịch bản mà nhiều người ở phương Tây muốn lại là kịch bản khó xảy ra nhất, vì chính phủ Nga vẫn nắm trọn quân đội trong lòng bàn tay, cùng sự ủng hộ của đại đa số dân chúng.
Tuy nhiên, đây là một kịch bản cực kỳ khó đoán, vì không ai biết ai sẽ là người thay thế ông Putin cả. Hoặc là một chính quyền quân đội cứng rắn, khiến Putin chỉ như một con bồ câu, hoặc là hội hướng Tây, hoặc, biết đâu, một cuộc loạn các sứ quân?
Giả sử ta có một cuộc đảo chính, và chính quyền mới kết thúc chiến tranh, đây sẽ là một kết quả rất tích cực trong dài hạn, và còn tốt hơn với thị trường. Chứng khoán sẽ tăng mạnh, dầu sẽ sập, vàng cũng lao đao nhưng sau đó tìm được hỗ trợ. USD sẽ hồi phục khi mọi chuyện đã ổn định và Fed quay trở lại chèo lái thị trường.
Khả năng xảy ra: Rất thấp - Không ai muốn ngoại bang cai trị mình cả, dù là Nga, Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào. Một số người sẽ đổ lỗi việc lật đổ Putin lên phương Tây, phức tạp hóa bất kỳ nỗ lực nào ngay từ đầu.
Kết luận
Luôn luôn dễ gây sự hơn là giảng hòa. 4 kịch bản này có thể là 4 kịch bản khả dĩ nhất, còn rất nhiều kịch bản khác, đặc biệt là nếu chiến sự kéo dài và nhiều yếu tố mới xuất hiện. Sự tham gia của Trung Quốc trong việc gây sức ép với cả hai bên cũng rất quan trọng, thậm chí có thể là yếu tố quyết định kịch bản nào trong số này - hoặc kịch bản nào đó - sẽ thực sự xảy ra.
FXStreet