5 tin tức quan trọng các trader cần nắm được trong tuần này
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Báo cáo việc làm tháng 9, bài phát biểu của các quan chức Fed, cuộc họp của OPEC là những sự kiện chính trong tuần này
Giới đầu tư sẽ chú ý đến báo cáo việc làm Mỹ được công bố vào thứ Sáu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất đến nền kinh tế. Một số quan chức Fed cũng sẽ phát biểu trong tuần, khi thị trường đang xem xét quan điểm của họ về một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản khác tại cuộc họp vào tháng 11. Thị trường chứng khoán Mỹ có thể sẽ tiếp tục biến động sau khi giảm ba quý liên tiếp vào thứ Sáu. Tại Anh, giới đầu tư sẽ chú ý đến hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ để tìm kiếm dấu hiệu về việc liệu chính phủ có thay đổi quyết định cắt giảm ngân sách sau khi khiến GBP giảm mạnh và chi phí đi vay tăng vọt. Trong khi đó, OPEC đang xem xét việc cắt giảm sản lượng lớn tại cuộc họp sắp tới vào thứ Tư.
1. Báo cáo việc làm tháng 9
Báo cáo việc làm tháng 9 được công bố vào thứ Sáu sẽ cho thấy liệu đà tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed có tác động đến thị trường lao động hay không.
Các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tạo ra 250,000 việc làm vào tháng trước, với tỷ lệ thất nghiệp được giữ ổn định ở mức 3.7% và tăng trưởng tiền lương tiếp tục cao lên.
Dữ liệu việc làm gần đây đã chỉ ra rằng thị trường lao động vẫn mạnh mẽ bất chấp các đợt tăng lãi suất lớn.
Báo cáo việc làm mạnh mẽ có thể khiến Fed hawkish hơn nữa, thị trường có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi những lo lắng về quy mô tăng lãi suất khi Fed phải đối mặt với lạm phát tồi tệ nhất trong bốn mươi năm.
Mặt khác, nếu báo cáo cho thấy thị trường lao động đang chậm lại thì có thể làm tăng thêm lo ngại về việc Fed mạnh tay thắt chặt có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
2. Các quan chức Fed phát biểu
Một số nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ phát biểu trong tuần, bao gồm các Chủ tịch Fed John Williams, Raphael Bostic, Charles Evans, Mary Daly và Loretta Mester.
Giới đầu tư đang đánh giá khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11. Những bình luận gần đây của các quan chức Fed cho thấy rằng họ cần bằng chứng rõ ràng về việc lạm phát chậm lại trước khi dừng thắt chặt chính sách.
Lãi suất của Fed hiện nằm trong phạm vi 3.00% - 3.25%, cao hơn 3% so với mức đầu năm 2022 và các quan chức có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay và vào năm 2023.
Lịch kinh tế cũng bao gồm dữ liệu việc làm tháng 8 và kết quả khảo sát về hoạt động từ khu vực sản xuất và dịch vụ của Viện Quản lý cung ứng, dự kiến sẽ vẫn ổn định.
3. Thị trường chứng khoán biến động
Thị trường đang bước vào giai đoạn cuối của năm 2022 sau khi kết thúc quý III đầy biến động vào thứ Sáu, bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao, lãi suất tăng và lo ngại suy thoái.
Chứng khoán phố Wall đã giảm quý thứ ba liên tiếp, đây là chuỗi giảm dài nhất đối với S&P 500 và Nasdaq kể từ năm 2008 và là đợt giảm dài nhất của Dow trong bảy năm.
Khi Fed mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, làm định giá cổ phiếu giảm.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng các động thái mạnh mẽ sẽ tiếp tục cho đến khi có bằng chứng cho thấy Fed đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, cho phép các nhà hoạch định chính sách dừng thắt chặt tiền tệ.
4. Thị trường tại Anh hỗn loạn
Hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ sẽ được tiến hành vào Chủ nhật và những người tham gia thị trường sẽ cần chú ý đến bài phát biểu của các nhà lãnh đạo đảng sau khi chính phủ mới gây ra cuộc hỗn loạn trên thị trường vào ngày 23/9 với “ngân sách nhỏ” bao gồm kế hoạch cắt giảm thuế và thanh toán bằng cách đi vay.
Trong vài ngày, GBP đạt mức thấp kỷ lục và chi phí đi vay của chính phủ tăng cao buộc BoE phải can thiệp ngăn chặn sự biến động của thị trường.
Việc BoE cam kết mua 69 tỷ USD (65 tỷ GBP) trái phiếu dài hạn đã giúp xoa dịu thị trường, nhưng còn quá sớm để nói rằng thị trường đã ổn định. BoE hiện đang phải hoãn kế hoạch bán trái phiếu, dẫn đến nới lỏng tiền tệ, đồng thời thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất.
BoE dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa vào tháng 11 và sẽ bám sát kế hoạch bán trái phiếu của mình.
5. Cuộc họp của OPEC
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh, bao gồm Nga, sẽ có cuộc họp vào thứ Tư tại trụ sở của OPEC ở Vienna để bàn về hạn ngạch sản lượng cho tháng 11.
Chủ nhật trước đó, tổ chức này cho biết họ sẽ xem xét cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng mỗi ngày, trong bối cảnh giá dầu giảm và thị trường biến động.
Giá dầu đã tăng vọt sau cuộc chiến Nga - Ukraine vào tháng Hai nhưng đã giảm trở lại trong bối cảnh lo ngại về tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu. USD mạnh hơn cũng ảnh hưởng đến giá dầu.
Investing