Ảm đạm các trường đào tạo MBA tại Mỹ: Trò bỏ trường, thầy cũng bỏ trường theo
Hoàng Thế Vinh
Junior Analyst
Không chỉ những sinh viên tiềm năng từ bỏ các trường kinh doanh - mà còn cả những giáo sư tiếp nhận họ cũng vậy.
Trong hai năm qua, ít nhất 8 giám đốc tuyển sinh đã xin nghỉ việc tại các trường top đầu, như Stanford, Harvard và Columbia. Một số đã đảm nhận các vị trí tại các trường đại học khác, trong khi ít nhất hai người đã trở thành nhà tư vấn tuyển sinh; hầu hết đều là những người kỳ cựu trong ngành. Điều này khiến một số quan chức tuyển sinh cảm thấy rằng đây là một sự trùng hợp. Tuy nhiên, tất cả các nguồn tin này đều thừa nhận rằng hậu quả đại dịch Covid-19 để lại đã gia tăng áp lực lên các nhóm tuyển sinh.
Shelly Heinrich, phó trưởng khoa tuyển sinh tại Trường Kinh doanh McDonough, Đại học Georgetown, cho biết: “Đối với bất kỳ ai làm về giáo dục trong thời kỳ Covid, đó là một thách thức lớn. Các trung tâm kiểm tra đã đóng cửa, bạn không thể làm bài kiểm tra được nữa. Biên giới cũng đã bị đóng cửa. Một trong những lý do khiến tôi yêu thích công việc của mình là vì chúng tôi có thể đi du lịch vòng quanh thế giới, và Covid đã cản trở điều đó.”
Nhu cầu về bằng MBA tăng mạnh trong những tháng đầu đại dịch, sau đó giảm mạnh ở hầu hết các trường hàng đầu vào năm 2022. Một số cựu quản lý tuyển sinh nói rằng lãnh đạo các trường gặp khó khăn trong việc thích nghi với bối cảnh đang dần thay đổi. Soojin Kwon, người đã rời Trường Kinh doanh Ross, Đại học Michigan vào năm 2022 sau 18 năm, cho biết: “Bất kể thị trường như thế nào, ban giám hiệu nhà trường vẫn mong đợi bạn đem lại chất lượng giảng dạy như nhau. Chúng tôi không thể tác động lớn đến số lượng đơn đăng ký; điều đó bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các yếu tố bên ngoài như nền kinh tế,” bà nói. “Khi biên giới dần thắt chặt, sinh viên quốc tế đã không thể đăng ký học.”
Peter Rodriguez, hiệu trưởng Trường Kinh doanh Jones, Đại học Rice thừa nhận rằng nhiều đồng nghiệp của ông đã không nhận ra sớm bối cảnh tuyển sinh đã thay đổi như thế nào. Ông nói: “Hầu hết các trưởng khoa mà tôi biết đều muốn thúc đẩy các nhóm tuyển sinh để đảm bảo rằng họ đưa chương trình của mình ra thị trường và được mọi người công nhận”. Các trưởng khoa từ lâu đã nghĩ rằng thị trường MBA khá đơn giản, “nếu bạn muốn có được sự chấp nhận, thì vấn đề thường là học bổng,” ông Rodriguez nói thêm. “Nhưng đối với tôi, rõ ràng là thị trường đã thay đổi đến mức chúng tôi không thể tuân theo các tiêu chuẩn cũ và hồ sơ lớp học giống như trước Covid. Một nhân viên tuyển sinh giỏi có thể tạo ra sự khác biệt, nhưng sẽ nhiều thách thức.”
Một cựu quản lý tuyển sinh khác cho hay: “Đối với bản thân tôi và đồng nghiệp, ngày càng có nhiều người muốn những thứ khác nhau. Một trưởng khoa nói tôi muốn thấy chúng ta được thăng hạng trong bảng xếp hạng. Những sinh viên thì lại yêu cầu về tính đa dạng trong chất lượng giảng dạy. Một vài giảng viên sẽ bảo không quan tâm đến bất kỳ điều gì trong số đó, nhưng tôi muốn thấy nhiều sinh viên thành thạo hơn trong việc sử dụng dữ liệu. Và một số lãnh đạo mơ hồ về việc đâu là điều cần được ưu tiên."
“Thật khó để giữ cho nhóm của bạn có động lực và làm việc hướng tới những thay đổi.” Đồng thời, số lượng tuyển sinh thấp đồng nghĩa với việc ngân sách ít hơn, dẫn đến số lượng nhân viên ít hơn, ít cơ hội thăng tiến hơn và ít tiền học bổng để thu hút sinh viên hơn. “Làm được nhiều hơn với nguồn lực hạn hẹp là một thử thách lớn”.
Kwon, hiện đang làm huấn luyện viên truyền thông, tin rằng các dự án xếp hạng trường học đang làm căng thẳng leo thang. Bà nói: “Tôi nghĩ rằng đang có một cuộc chạy đua vũ trang để có được ‘những sinh viên giỏi nhất’ để có được xếp hạng cao”. “Mỗi năm, cạm bẫy này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nó tạo ra một lối tắt để chọn trường, nhưng đôi khi đó có thể là lựa chọn không phải tốt nhất cho sinh viên.’’
Bloomberg