Anh Quốc cần 1,000 tỷ GBP đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Quế Anh
Junior Editor
Theo báo cáo mới từ Nhóm Công tác Ngành Công nghiệp Thị trường Vốn, Anh Quốc cần khoản đầu tư khổng lồ 1,000 tỷ GBP trong 10 năm tới nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng mức đầu tư 100 tỷ GBP mỗi năm sẽ giúp nước Anh đạt tốc độ tăng trưởng 3% hàng năm theo mức lương thực tế và GDP đầu người.
Báo cáo chỉ ra nhiều lĩnh vực cần được bơm vốn, có thể kể đến như mục tiêu xây dựng 300,000 ngôi nhà mới mỗi năm của Anh sẽ tiêu tốn tới 30 tỷ GBP. Cùng lúc đó, ngành công nghiệp nước cho biết cần thêm 8 tỷ GBP đầu tư hàng năm.
Ông Nigel Wilson, nguyên Tổng giám đốc Legal & General Group Plc kiêm chủ biên nghiên cứu "Thị trường Vốn của Tương Lai", nhận định: "Kinh tế Anh và thị trường vốn đã tụt hậu so với Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, Anh quốc vẫn còn nhiều tiềm năng tích cực. Chúng tôi không suy nghĩ theo chiều hướng 'vòng lặp suy thoái', thay vào đó, chúng tôi lạc quan."
Báo cáo được công bố trong bối cảnh London đang nỗ lực duy trì vị thế trung tâm tài chính, sau khi ARM Holdings Plc, một công ty sản xuất chip của Anh, chọn niêm yết ở New York thay vì London năm ngoái. Gần đây, các nhà lập pháp Anh Quốc đang tập trung phục hồi thị trường vốn đang trì trệ và các các cơ quan quản lý đã cải cách quy định niêm yết nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho thị trường vốn nước này.
Nghiên cứu này cũng đã lên tiếng cảnh báo giới lập pháp Anh không nên chủ quan trước các nhà đầu tư Bắc Mỹ đối với các công ty nước này. Hiện nhiều doanh nghiệp có sức tăng trưởng lớn của Anh đã có ban lãnh đạo với tỷ lệ sở hữu nước ngoài đáng kể.
Điển hình như trường hợp của ngân hàng số Revolut Ltd., thành lập tại London năm 2015. Gần đây, một đợt phát hành cổ phiếu thứ cấp đã nâng định giá công ty lên 45 tỷ USD, với sự dẫn dắt của 3 nhà đầu tư Mỹ là Coatue, D1 Capital Partners và Tiger Global.
Nhóm nghiên cứu nhận định: "Về nguyên tắc, điều này không sai. Tuy nhiên, Anh không nên xem nhẹ tác động của nó đối với định hướng phát triển của các công ty, bao gồm nguy cơ bị thâu tóm bởi doanh nghiệp nước ngoài lớn hơn hoặc lựa chọn niêm yết ở nước ngoài."
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất giới lập pháp xem xét các biện pháp khuyến khích người về hưu đầu tư vào doanh nghiệp Anh. Ngoài ra, nhóm kêu gọi chính phủ cắt giảm hoặc bãi bỏ thuế chuyển nhượng cổ phần (SDRT). "Chúng ta cần giải quyết các vấn đề pháp lý tồn đọng," nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. "Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân phải nộp thuế SDRT khi mua cổ phiếu Aston Martin niêm yết tại Anh, nhưng lại được miễn thuế khi mua cổ phiếu Porsche ở Đức hay Tesla ở Mỹ."
Báo cáo này có sự tham gia đóng góp của các lãnh đạo đến từ nhiều tổ chức uy tín như Latham & Watkins LLP, TheCityUK, Hargreaves Lansdown Plc và UK Finance.
Bloomberg