Áp dụng tiêu chuẩn bền vững: Đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Học thuyết nổi tiếng của Milton Friedman về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không đề xuất việc tàn phá môi trường và bóc lột lao động khi lấy lợi nhuận của công ty để bao biện.
Ông kêu gọi các công ty tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp “trong khi tuân thủ các quy tắc cơ bản của xã hội, cả những quy tắc được thể hiện trong luật pháp và những quy tắc được thể hiện liên quan đến đạo đức”. Học thuyết này đến ngày nay vẫn phù hợp như khi được soạn thảo cách đây hơn 50 năm.
Mặc dù các quy tắc cơ bản của xã hội mà các công ty đã thay đổi đến mức không thể nhận ra (nhờ tác động của tăng trưởng dân số, số hóa và biến đổi khí hậu), nhưng các vai trò, quyền và trách nhiệm thuộc về chủ sở hữu, hội đồng quản trị và giám đốc điều hành vẫn không thay đổi. Nhà đầu tư của công ty đại chúng không nên chỉ đạo hội đồng quản trị cách thiết lập chiến lược công ty hoặc bổ nhiệm ban quản lý, thay vào đó, họ nên có những kỳ vọng rõ ràng về cách các giám đốc sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình đối với công ty.
Vào tháng 11/2021, IFRS Foundation đã thành lập Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế với nhiệm vụ phát triển một chuẩn mực toàn cầu cho báo cáo phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn ISSB cuối cùng được công bố vào tháng 6 năm ngoái yêu cầu các công ty chứng minh rằng họ đang quản lý những rủi ro quan trọng nhất mà doanh nghiệp của họ phải đối mặt. Việc áp dụng chuẩn mực toàn cầu này mở ra cơ hội để hợp nhất các khung báo cáo ESG tự nguyện hiện đang gây khó khăn cho các công ty.
Hiện nay, các khu vực pháp lý đại diện cho hơn một nửa GDP toàn cầu đã và đang có những bước đi để áp dụng. Các tiêu chuẩn này cũng mang lại lợi thế đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua nguyên tắc cân bằng - hợp lý, cho phép họ báo cáo trong khả năng của mình trong khi vẫn phấn đấu để cải thiện dần dần theo thời gian.
Các cuộc tham vấn cấp quốc gia về việc áp dụng các tiêu chuẩn này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các thành viên hội đồng quản trị. Họ có nên ủng hộ ISSB để đảm bảo họ và các cổ đông có được thông tin về những rủi ro và cơ hội quan trọng này không?
Mặc dù các tiêu chuẩn mới giúp nhà đầu tư giám sát hoạt động của ban quản trị, nhưng thông tin thu được từ đó cũng quan trọng cho sự thành công của công ty như đối với nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ việc báo cáo đầy đủ dữ liệu này, nhưng những người hưởng lợi chính sẽ là ban quản trị và các công ty mà họ điều hành nếu sử dụng thông tin này để xây dựng chiến lược.
Liệu một hội đồng quản trị đã hoàn thành trách nhiệm của mình với công ty nếu họ không yêu cầu ban quản lý xác định những rủi ro và cơ hội quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh? Họ có đang hành động vì lợi ích lâu dài của công ty nếu không thể tính toán lượng khí thải carbon mà công ty tạo ra trong khi hoạt động tại các khu vực đang cam kết giảm phát thải trong những thập kỷ tới? Họ có thực sự tự tin rằng hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng của mình sẽ chống chịu được các rủi ro khí hậu nếu không tiến hành phân tích các rủi ro về môi trường?
Nếu những rủi ro và cơ hội này chưa được xác định, định lượng và phản ánh trong chiến lược và công bố thông tin, cổ đông nên đặt ra hai câu hỏi đơn giản: Hội đồng quản trị có đang thực hiện đúng trách nhiệm của mình đối với công ty không? Và chúng ta có những thành viên hội đồng quản trị phù hợp không?
Hiện tại, các quốc gia đang tiến hành thảo luận để áp dụng các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu. Nhiều hội đồng quản trị đã thúc đẩy công khai thông tin theo các tiêu chuẩn trước đây của ISSB. Đối với những người vẫn còn do dự, việc báo cáo theo hai bộ tiêu chuẩn (S1 và S2) không nên được coi là nhượng bộ nhà đầu tư mà là một hành động vì lợi ích cá nhân.
Financial Times