AUD và NZD sụt giảm, JPY lại tăng do tâm lý risk-off
Vân Chi
Junior Editor
Một làn sóng risk-off lan rộng khắp thị trường vào thứ Sáu, khiến AUD và NZD giảm mạnh, JPY tăng bởi tác động từ xu hướng tìm tài sản trú ẩn an toàn khi truyền thông đưa tin về các vụ nổ ở Iran.
Những diễn biến mới nhất làm dấy lên nhiều lo ngại hơn về chiến tranh lan rộng giữa Israel-Hamas ở Trung Đông, thúc đẩy làn sóng đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn điển hình như USD và JPY, cùng với trái phiếu chính phủ Mỹ và vàng.
AUDUSD dễ bị tác động bởi rủi ro, giảm 0.8% xuống 0.6370. NZDUSD giảm 0.63% còn 0.5864. USDJPY giảm hơn 0.3% xuống mức 154.10.
ABC News đưa tin vào cuối ngày thứ Năm rằng tên lửa của Israel đã tấn công một địa điểm ở Iran, dẫn lời một quan chức Mỹ.
Trên thị trường rộng hơn, USD đang tăng lại, sắp trở thành tuần tăng thứ hai liên tiếp, do nền kinh tế Mỹ nóng hơn dự kiến. Điều này cũng làm đẩy lùi kỳ vọng của các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách về triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Mức tăng 0.27% của đồng bạc xanh trong tuần bị hạn chế do đà tăng chững lại, sau cảnh báo ba bên hiếm hoi từ các giám đốc tài chính ở Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, về việc KRW và JPY trượt giá, làm tăng khả năng sẽ xảy ra sự can thiệp chung.
Điều này xảy ra trong bối cảnh các đồng tiền châu Á đang phải chịu áp lực rất lớn từ sức mạnh của USD.
Carol Kong, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), cho biết: “Việc họ đưa ra tuyên bố chung đó mang tính biểu tượng. Với những diễn biến gần đây, triển vọng về một sự can thiệp chung vào thị trường ngoại hối ở châu Á chắc chắn đang tăng lên. Tôi không chắc liệu Mỹ có tham gia vào sự can thiệp đó hay không, bởi vì cuối cùng, USD mạnh hơn sẽ chỉ giúp cuộc chiến chống lạm phát của FOMC ."
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda hôm thứ Năm cho biết, Ngân hàng Trung ương có thể tăng lãi suất một lần nữa nếu JPY sụt giảm đáng kể và đẩy lạm phát lên cao, nhấn mạnh những tác động của động thái tiền tệ có thể xảy ra đối với thời điểm thay đổi chính sách tiếp theo. Bình luận của ông Ueda được đưa ra trước cuộc họp chính sách tiền tệ của BoJ vào tuần tới.
Đối với các đồng tiền khác, GBPUSD giảm 0.24% xuống 1.24075, có nguy cơ giảm 0.3% trong tuần. EURUSD giảm 0.19% xuống 1.06225 USD và được dự đoán có mức giảm nhẹ hàng tuần.
Trong khi kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed đã bị đẩy lùi sang cuối năm nay, các nhà giao dịch kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất vào tháng 6, và điều này có thể sẽ khiến EUR suy yếu trong một thời gian.
Ông Kong của CBA cho biết: “Một khi ECB bắt đầu cắt giảm, chắc chắn các Ngân hàng Trung ương toàn cầu sẽ phải đối mặt với các chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ khác nhau, và điều đó sẽ chỉ làm tăng thêm sức mạnh của USD so với EUR và các tiền tệ chính khác”.
Hợp đồng tương lai suất quỹ liên bang cho thấy mức cắt giảm khoảng 40 bps mà Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đưa ra trong năm nay – ít hơn đáng kể so với mức nới lỏng 160 bps được dự kiến lúc đầu năm.
Sự thay đổi về kỳ vọng lãi suất xuất phát từ hàng loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ liên tục vượt kỳ vọng, cùng với áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng.
Dữ liệu này cũng dẫn đến việc các nhà hoạch định chính sách của Fed đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về việc tiến hành cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 6. Chủ tịch Jerome Powell vào đầu tuần này cũng cho biết rằng chính sách tiền tệ cần phải thắt chặt lâu hơn.
Các nhà kinh tế tại Wells Fargo cho biết: “Mặc dù việc nới lỏng chính sách có thể muộn hơn dự kiến trước đây, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng FOMC sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trước khi hết năm. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ có xu hướng giảm trong suốt cả năm, nhưng tiến độ có thể sẽ diễn ra một cách từ từ”.
So với rổ tiền tệ, đồng bạc xanh tăng 0.1% lên 106.28, dao động gần mức cao nhất trong hơn 5 tháng là 106.51.
Reuters