Bạn muốn thoát khỏi cảnh nợ nần? Đây là những thói quen tốt nhất!
Đức Nguyễn
FX Strategist
Sức khỏe tài chính của người Mỹ đã tốt hơn rất nhiều trong đại dịch. Các chuyên gia kinh tế có lý do để giải thích cho việc này, và đưa ra những gợi ý thay đổi thói quen của chính mình để thoát khỏi cảnh nợ nần.
Dù dịch cũng gây những khó khăn không thể chối cãi, nhưng nó đã rất có lợi cho những người tiết kiệm, đặc biệt là những người lao động may mắn sống qua Covid mà không mất đi thu nhập. Nhìn chung, mức tiết kiệm cá nhân lên mức cao kỷ lục, theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, và nợ tín dụng đã giảm hơn 15% kể từ đại dịch bắt đầu, theo Fed New York.
Theo các chuyên gia, đây là một tin tốt, nhưng họ vẫn dự báo nợ cá nhân cuối cùng sẽ trở về với mức trước đại dịch.
“Tới giờ vẫn rất tốt. Người dân đang hình thành thói quen tiết kiệm nhiều hơn, tiêu xài ít hơn và trả nợ của mình,” theo Ted Rossman, chuyên gia phân tích cao cấp tại CreditCards.com. “Nhưng tôi cũng tin là đâu sẽ lại vào đấy khi dịch đã vãn.”
Nhưng bạn không cần trở lại cái tình trạng đó, theo Chantel Bonneau, CPA, chuyên gia tại Northwestern Mutual. Dù bạn đã kiểm soát được nợ trong dịch, hay mới chỉ bắt đầu theo đuổi mục tiêu này, cái mấu chốt là không được sinh thêm nợ.
Thói quen tốt nhất cho mọi người là biết được dòng tiền của mình, và không gánh thêm nợ cho việc tiêu xài hoang phí,” theo bà Bonneau. “Hoặc bạn sẽ phải trả nợ rất, rất lâu đấy!”
Theo dõi chi tiêu cá nhân là yếu tố tối quan trọng để biết được dòng tiền của mình, theo Bonneau, và sẽ giúp bạn dễ dàng sống với những gì mình có. Và kiểm soát được nợ cũng giúp hình thành thói quen tài chính có lợi.
Dùng ít nợ hơn, dễ tiết kiệm hơn
Người Mỹ trung bình dành 30% chi tiêu hàng tháng để trả nợ, theo khảo sát hàng năm về thói quen chi tiêu của Northwestern Mutual. Và khi bạn tiêu ngần đấy để trả nợ, bạn sẽ không tiết kiệm được nhiều.
Bà Bonneau nói thêm, “nếu bạn tiêu tới 30% cho nợ, bạn sẽ không tiết kiệm được thêm 20%, nên hãy cố kiểm soát nợ của mình.”
Kiểm soát nợ tức là hãy chuyển tiền nợ sang tiết kiệm. “Hãy tự hình thành thói quen “trả tiền” cho mình và tiết kiệm sớm nhất có thể. Bắt đầu với 50 đô, hay 100 đô cũng được. Dần dần việc bạn tiết kiệm lên 130 đô, hay 150 đô, hay 200 đô trong tháng tới sẽ không khó khăn gì cả.”
Hiện tại, người tiêu dùng đang ở vị thế tốt hơn trước nhiều
Lý do chính khiến nhiều chuyên gia phấn khích về sức khỏe tài chính của Mỹ lúc này là nó đã tốt hơn lúc trước dịch rất nhiều. Nợ cá nhân đã giảm rất sâu, theo khảo sát của Northwestern Mutual. Nếu bỏ đi vay thế chấp mua nhà, mỗi người Mỹ gánh 23,325 USD nợ, mức thấp nhất Northwestern Mutual ghi nhận được kể từ năm 2017.
Trong năm đó, con số ghi nhận được là $37,000. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, nợ đã giảm tới 44%.
Theo Christian Mitchell, giám đốc bộ phận khách hàng tại Northwestern Mutual, “trên thực tế, người tiêu dùng đang ở vị trí rất tốt sau đại dịch. Lượng nợ lúc này đã giảm đáng kể.”
Tuy nhiên, “nhiều người đang nói rằng kế hoạch “khử nợ” của họ đã được kéo dài.”
Như vậy, dù nợ đang giảm, một lượng lớn người Mỹ lại đẩy lùi thời gian trả nợ. Hơn 34% phản hồi nói rằng đại dịch đã kéo dài thời gian trả hết nợ của họ
Điều này có thể hợp lý trọng ngắn hạn, nhất là khi lãi suất đang thấp, nhưng sẽ trở thành vấn đề trong tương lai không xa.
"Lãi suất thấp sẽ không thấp mãi đâu"
Trong những tháng đầu khi đại dịch ập xuống, nhiều người nghĩ họ phải hoãn trả những khoản nợ không cần thiết.
Vay sinh viên là một ví dụ điển hình. Nhờ một lệnh hoãn của chính quyền liên bang, những người vay chưa hề phải trả một đồng nợ sinh viên nào kể từ tháng 3/2020. Khoản nợ này cũng không tính lãi suất và phí phạt. Phương án này đã giúp những người mất thu nhập trong dịch, tuy nhiên, bất kỳ ai với nợ sinh viên chính phủ, bất kể tình trạng lao động ra sao, đều được hưởng lợi.
Lệnh hoãn này sẽ được bỏ vào tháng 1/2022, và nợ sẽ lại đến hạn, lãi suất sẽ tiếp tục cộng dồn.
Với nhiều người, lệnh hoãn nợ này đã giúp mình nhận ra được thói quen chi tiêu của mình và cách để ưu tiên trả nợ sinh viên trước. Dùng đại dịch để đánh giá lại tình hình tài chính của mình, nhất là khi lãi suất đang thấp, là cực kỳ khôn ngoan, theo Mitchell.
Kéo dài thời gian trả nợ cũng không sao cả, nếu lãi suất vẫn còn thấp, nhưng Mitchell cảnh báo rằng chi phí vay sẽ không rẻ mãi như lúc này.
“Tôi không dự báo rằng lãi suất sẽ tăng, nhưng đó hoàn toàn là một khả năng. Càng lề mề trả nợ, người vay càng có nguy cơ chịu lãi suất cao hơn.
Thay vào đó, người tiêu dùng có thể dùng cơ hội này để nghĩ đến hành vi của mình về nợ, và tự hứa với mình rằng sẽ thay đổi trong tương lai, Mitchell nói thêm.
CNBC