Bất chấp tiêm chủng thần tốc, Mỹ vẫn khó đạt miễn dịch cộng đồng

Bất chấp tiêm chủng thần tốc, Mỹ vẫn khó đạt miễn dịch cộng đồng

08:39 05/05/2021

Các biến thể nCoV với tỷ lệ lây nhiễm nhanh chóng và có khả năng giảm hiệu quả vaccine khiến bài toán miễn dịch cộng đồng trở nên khó khăn.

Hơn một nửa số người trưởng thành Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đang giảm. Các chuyên gia lo ngại nước này sẽ khó đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng trong tương lai gần. Thay vào đó, Covid-19 sẽ trở thành mối đe dọa kiểm soát được và tiếp tục lây truyền tại Mỹ trong những năm tới. Các chuyên gia dự báo sẽ có những ca nhập viện và tử vong do virus nhưng số lượng ít hơn.

Quy mô nhỏ hơn bao nhiêu thì chưa rõ và còn phụ thuộc vào số người được tiêm phòng trong nước và trên thế giới, cũng như sự biến đổi của virus. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi quá nhanh, các biến thể mới lây lan dễ dàng và tiến độ tiêm chủng chậm chạp, khiến mục tiêu miễn dịch cộng đồng trở nên xa vời. Giáo sư Rustom Antia, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Emory ở Atlanta, cho biết: "nCoV có thể sẽ không biến mất, nhưng chúng ta cần nỗ lực để đảm bảo sự lây nhiễm không còn nghiêm trọng".

Dự đoán này đặt ra thách thức mới cho các cơ quan y tế công cộng. Nếu không thể đạt miễn dịch cộng đồng, những người phản đối vaccine sẽ nghĩ họ chẳng cần tiêm phòng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh tiêm chủng vẫn là chìa khóa quan trọng để kiểm soát virus.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden về Covid-19, ghi nhận quan điểm của giới khoa học. Ông nói: "Mọi người hoang mang và nghĩ rằng dịch bệnh sẽ không qua đi cho đến khi có miễn dịch cộng đồng, nhưng ngưỡng miễn dịch như thế nào vẫn là bí ẩn. Tôi mong bạn ngừng bận tâm về điều đó. Sự lây nhiễm sẽ giảm khi ta tiêm cho đủ người".

Cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch là đảm bảo mọi người có miễn dịch qua lây nhiễm tự nhiên hay tiêm chủng. Miễn dịch cộng đồng đã trở thành mục tiêu ở nhiều quốc gia bao gồm Mỹ. Theo dự kiến ban đầu, mục tiêu sẽ hoàn thành khi 60% đến 70% dân số Mỹ có miễn dịch. Hầu hết các chuyên gia, trong đó có tiến sĩ Fauci, kỳ vọng Mỹ sẽ làm được điều này khi có vaccine.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn cho miễn dịch dịch cộng đồng tăng lên khi các biến thể nCoV mới xuất hiện, có khả năng lây lan cao hơn khoảng 60%. Do đó, các chuyên gia phải nâng ngưỡng miễn dịch lên 80%. Nếu các biến thể tiếp tục biến đổi hoặc những người được tiêm phòng vẫn có thể truyền virus, giới khoa học sẽ phải tính toán lại.

Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 30% dân số Mỹ vẫn ngại tiêm vaccine. Giáo sư Marc Lipsitch, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Harvard T.H, cho biết: "Về mặt lý thuyết, tỷ lệ tiêm chủng có thể đạt khoảng 90%, nhưng điều đó ít có khả năng xảy ra".

Sự phản đối vaccine không phải là yếu tố duy nhất cản trở Mỹ đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là mục tiêu quốc gia, nhưng lại là khái niệm mơ hồ ở một đất nước rộng lớn như Mỹ.

Giáo sư Lipsitch nói: "Nếu tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc là 95%, nhưng chỉ đạt 70% ở một số thị trấn nhỏ, virus vẫn sẽ hoành hành tại các vùng đó". Do mức độ di chuyển giữa các vùng, một đợt bùng phát nhỏ tại khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể dễ dàng lan sang nơi nhiều người đã có miễn dịch.

Bên cạnh đó, do việc đi lại giữa các quốc gia, không chỉ người Mỹ mà người dân toàn cầu đều cần được bảo vệ, theo tiến sĩ Natalie E. Dean, một nhà thống kê sinh học tại Đại học Florida ở Gainesville. Bà nhấn mạnh bất kỳ biến thể nào xuất hiện trên thế giới cuối cùng sẽ đến được Mỹ.

Nhiều nước hiện bị tụt lại trong cuộc đua tiêm chủng. Điển hình là Ấn Độ, nơi dưới 2% dân số được tiêm phòng đầy đủ, trong khi con số đó ở Nam Phi còn chưa đến 1%, theo dữ liệu của New York Times. "Một đất nước hay thành phố đơn lẻ sẽ không có miễn dịch cộng đồng cho đến khi thế giới có đủ số người với khả năng đề kháng virus", giáo sư Lauren Ancel Meyers, giám đốc Hiệp hội Mô hình Covid-19, Đại học Texas, nhận xét.

Nếu không đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, điều quan trọng nhất là hạn chế tỷ lệ nhập viện và tử vong sau khi các quy định an toàn được nới lỏng. Bằng cách tập trung tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất, tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã giảm rất nhiều. Nếu tỷ lệ tiêm chủng của nhóm đó tiếp tục tăng, theo thời gian, Covid-19 sẽ trở thành bệnh theo mùa, giống như bệnh cúm.

Giáo sư Carl Bergstrom, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Washington, Seattle, cho biết: "Điều tối thiểu ta có thể làm là đảm bảo các đợt dịch trong tương lai có quy mô nhỏ và lẻ tẻ. Đó là một mục tiêu hợp lý đối với Mỹ, nơi có các loại vaccine tuyệt vời và khả năng cung cấp dồi dào".

Mục tiêu lâu dài là kìm hãm nCoV để nó chỉ gây ảnh hưởng như các virus cảm cúm thông thường. Nếu một người có miễn dịch từ khi còn nhỏ, các lần nhiễm trùng tiếp theo sẽ nhẹ hơn, dù khả năng miễn dịch suy giảm.

Một số trường hợp nhẹ có thể gặp các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc tháng nhưng không phải mối đe dọa với hệ thống y tế. Giáo sư Lipsitch cho biết: "Những bệnh nhân có bệnh nền và người trên 60 tuổi là đối tượng có nguy cơ nhập viện và tử vong cao, dễ gây áp lực cho các bệnh viện. Nếu chúng ta có thể bảo vệ họ, Covid-19 sẽ chỉ còn là bệnh truyền nhiễm thông thường".

Theo Bary Pradelski, nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia tại Grenoble, Pháp, nếu các cộng đồng duy trì việc xét nghiệm, theo dõi, truy vết một cách thận trọng, họ có thể đưa số ca nhiễm mới xuống mức thấp, đủ để phát hiện sớm và ngăn chặn dịch bùng phát. Chiến lược này được Pradelski đề cập trong nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Lancet hôm 29/4.

"Ta không thể xóa sổ đại dịch ở thời điểm này, nhưng có thể loại bỏ Covid-19 ở từng vùng", tiến sĩ Pradelski, nói.

link gốc tại đây

vnexpress tổng hợp từ NY Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Lạm dụng quyền biểu quyết: Chiến lược "bỏ phiếu trống" và những hệ lụy pháp lý
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Lạm dụng quyền biểu quyết: Chiến lược "bỏ phiếu trống" và những hệ lụy pháp lý

"Bỏ phiếu trống" là chiến lược cho phép nhà đầu tư có quyền biểu quyết mà không chịu rủi ro tài chính, gây tranh cãi về xung đột lợi ích trong quản trị công ty. Vụ kiện giữa Masimo và RTW mở ra cuộc tranh luận về tính hợp pháp và hệ lụy của chiến lược này.
Bài học từ câu chuyện "giao dịch nội gián" tại Fed
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Bài học từ câu chuyện "giao dịch nội gián" tại Fed

"Giao dịch nội gián" không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn phản ánh sự yếu kém trong công tác giám sát. Bài viết này sẽ khám phá một thương vụ giao dịch gây sốc tại Fed, làm rõ những động lực đằng sau hành vi này và tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng.
B4H - Pitch n' Slay Ladies Hour: Sân Chơi Đẳng Cấp Cho Phụ Nữ Tiên Phong Trong Thế Giới Blockchain
Bitget

Bitget

Cryptocurrency Exchange

B4H - Pitch n' Slay Ladies Hour: Sân Chơi Đẳng Cấp Cho Phụ Nữ Tiên Phong Trong Thế Giới Blockchain

Bitget sẽ tổ chức sự kiện lần thứ tư tại Thái Lan vào ngày 15 tháng 11, một ngày đặc biệt dành riêng cho phụ nữ trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số hóa. Với tên gọi B4H - Pitch n' Slay Ladies Hour, sự kiện hứa hẹn sẽ mang đến một không gian nơi những người phụ nữ đầy tài năng và nhiệt huyết có thể chia sẻ ý tưởng và tầm nhìn của mình, đồng thời kết nối với những chuyên gia và nhà đầu tư hàng đầu trong ngành.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ