[Biography] Elon Musk - Hào quang và tai tiếng

[Biography] Elon Musk - Hào quang và tai tiếng

Đỗ Duy Đạt

Đỗ Duy Đạt

Associate Manager, FX G7

14:30 02/05/2020

Elon Musk, (sinh ngày 28 tháng 6 năm 1971, Pretoria, Nam Phi), là một doanh nhân người Mỹ gốc Nam Phi, đồng sáng lập công ty thanh toán điện tử PayPal và cũng là ngưới sáng lập SpaceX, một công ty chuyên sản xuất tên lửa phóng và cả tàu vũ trụ. Ông cũng đồng thời là giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe điện Tesla.

Thời trẻ

Musk được sinh ra từ một người cha Nam Phi và một người mẹ Canada. Từ bé ông đã thể hiện khả năng thiên bẩm cho máy tính và tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh. Năm 12 tuổi, ông đã tạo ra một trò chơi video và bán nó cho một tạp chí máy tính. Vào năm 1988, sau khi có được hộ chiếu Canada, Musk rời Nam Phi vì ông không ủng hộ chế độ Apartheid thông qua nghĩa vụ quân sự bắt buộc và vì muốn tìm kiếm cơ hội phát triển lớn hơn ở Hoa Kỳ.

PayPal và SpaceX - những phi vụ lớn đầu tiên

Musk theo học tại Đại học Queen ở Kingston, Ontario, và năm 1992, ông chuyển đến Đại học Pennsylvania, Philadelphia, nơi ông nhận bằng cử nhân vật lý và kinh tế vào năm 1995. Ông đăng ký học cao học ngành vật lý tại Đại học Stanford ở California, nhưng đã rời đi chỉ sau hai ngày vì ông cảm thấy Internet có nhiều tiềm năng thay đổi xã hội hơn là làm việc trong ngành vật lý. Năm đó, ông thành lập Zip2, một công ty cung cấp bản đồ và danh bạ doanh nghiệp cho các tờ báo trực tuyến. Năm 1999, Zip2 được nhà sản xuất máy tính Compaq mua lại với giá 307 triệu đô la, và sau đó, Musk đã thành lập một công ty dịch vụ tài chính trực tuyến, X.com, sau này trở thành PayPal, chuyên cung cấp dịch vụ chuyển tiền trực tuyến. Trong một cuộc đấu giá trực tuyến, eBay đã mua PayPal vào năm 2002 với giá 1.5 tỷ USD.

Paypal - Một trong những phi vụ lớn thành công giúp thế giới biết tới Elon Musk

Musk từ lâu đã bị thuyết phục rằng để sự sống tồn tại, loài người phải trở thành một chủng tộc đa hành tinh. Tuy nhiên, ông đã không hài lòng với chi phí lớn cho các bệ phóng tên lửa. Năm 2002, ông thành lập Space Exploration Technologies (SpaceX) để chế tạo tên lửa với giá cả phải chăng hơn. Hai tên lửa đầu tiên của nó là Falcon 1 (lần đầu tiên ra mắt năm 2006) và Falcon 9 lớn hơn (lần đầu tiên ra mắt vào năm 2010), được thiết kế để có giá thấp hơn nhiều so với tên lửa của các đối thủ cạnh tranh. Một tên lửa thứ ba, Falcon Heavy (lần đầu tiên ra mắt vào năm 2018), được thiết kế để mang 117.000 pounds (53.000 kg) lên quỹ đạo, gần gấp đôi so với đối thủ lớn nhất của nó, Delta IV Heavy của công ty Boeing, với chi phí chỉ bằng một phần ba. SpaceX cũng đã phát triển tàu vũ trụ Dragon, chuyên chở vật tư cho Trạm vũ trụ quốc tế (International Space Station) và được thiết kế để chở tới 7 phi hành gia.

Một tên lửa Falcon Heavy cất cánh từ Trung tâm Kennedy Space Center của NASA vào ngày 6 tháng 2, 2018.

 Musk đã tìm cách giảm chi phí cho các chuyến bay vũ trụ bằng cách phát triển một tên lửa tái sử dụng, có thể cất cánh và quay trở lại ngay chỗ mà nó phóng lên. Bắt đầu từ năm 2012, tên lửa Grasshopper của SpaceX đã thực hiện một số chuyến bay ngắn để thử nghiệm công nghệ này. Ngoài việc là CEO của SpaceX, Musk còn là nhà thiết kế trưởng trong việc chế tạo tên lửa Falcon, Dragon và Grasshopper.

Tesla, Hyperloop - siêu phẩm bước ra từ trí tưởng tượng

Musk từ lâu đã quan tâm đến tiềm năng của ô tô điện, và năm 2004, ông trở thành một trong những nhà tài trợ chính của Tesla Motors (sau đổi tên thành Tesla), một công ty xe điện được thành lập bởi các doanh nhân Martin Eberhard và Marc Tarpenning. Năm 2006 Tesla giới thiệu chiếc xe đầu tiên của nó, Roadster, có thể đi 245 dặm (394 km) trên một lần sạc. Không giống như hầu hết các xe điện trước đó, những chiếc xe mà Musk nghĩ là chậm chạp và nhàm chán, Roadster là một chiếc xe thể thao có thể đi từ 0 đến 60 dặm (97 km) mỗi giờ trong vòng chưa đầy bốn giây. Trong năm 2010, đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) của công ty đã huy động được khoảng 226 triệu đô la. Hai năm sau, Tesla giới thiệu mẫu xe Model S, được các nhà phê bình ô tô đánh giá cao về hiệu suất và thiết kế. Công ty đã giành được nhiều lời khen ngợi cho chiếc SUV hạng sang Model X, được tung ra thị trường vào năm 2015. Model 3, một dòng xe rẻ hơn, cũng đã đi vào sản xuất từ năm 2017.

Mẫu xe điện Tesla Model X

Không hài lòng với chi phí dự kiến (68 tỷ đô la) của một hệ thống đường sắt cao tốc ở California, Musk vào năm 2013 đã đề xuất một hệ thống một thay thế nhanh hơn, Hyperloop, một đường ống khí nén trong đó sẽ có một khoang chở 28 hành khách di chuyển quãng đường 350 dặm (560 km) giữa Los Angeles và San Francisco trong 35 phút ở tốc độ tối đa 760 dặm (1220 km) mỗi giờ, gần bằng tốc độ âm thanh. Musk tuyên bố rằng Hyperloop sẽ chỉ tốn có 6 tỷ đô la và với số lượng trung bình hai phút một chuyến, hệ thống này có thể phục vụ 6 triệu lượt người di chuyển trên tuyến đường đó mỗi năm. Tuy nhiên, ông tuyên bố rằng, giữa việc điều hành SpaceX và Tesla, ông không thể dành quá nhiều thời gian cho sự phát triển của Hyperloop.

Dự án Hyperloop

Và những tai tiếng

Năm 2018, Elon Musk phản đối việc Tesla được niêm yết và giao dịch công khai, ông đã viết một loạt các tweets về vấn đề này, đồng thời nói rằng ông "đã có đủ vốn để mua lại và rút niêm yết Tesla". Ngay tháng sau đó, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã kiện Musk vì tội gian lận chứng khoán, cho rằng các tweet đó “sai sự thật và gây hiểu lầm”. Hội đồng quản trị Tesla đã từ chối đề xuất giảng hòa của SEC vì Musk đã đe dọa sẽ từ chức. Tuy nhiên, tin này đã khiến cổ phiếu Tesla lao dốc, và một thỏa thuận không có lợi cho Musk và Tesla cuối cùng đã được chấp nhận. Các điều khoản của nó bao gồm việc ông Musk từ chức chủ tịch trong ba năm, đổi lại ông được phép tiếp tục làm CEO.

Cũng trong năm 2018, NASA quyết định thực hiện thanh tra SpaceX sau khi thấy Elon Musk hút cần sa và uống rượu whiskey trong cuộc phỏng vấn với Joe Rogan, được phát trực tiếp trên YouTube. Hành động của Musk đã khiến một số lãnh đạo cấp cao của NASA cảm thấy lo ngại, và sau đó đề xuất phải kiểm tra lại văn hóa công ty tại những công ty đối tác của NASA.

Elon Musk hút cần sa trong một buổi phỏng vấn trực tuyến

Cuối năm 2019, trong đêm ra mắt chiếc xe Cybertruck "bất khả xâm phạm" với lớp kính dày chống đạn, Elon Musk đã mời cả trưởng nhóm thiết kế Franz Von Holzhause thử nghiệm tính năng ưu việt này bằng cách ném quả bóng sắt vào kính để minh chứng cho lời nói của mình. Tuy nhiên dù thử đến 2 lần, tấm kính dường như vẫn không chịu nổi cú ném và gần vỡ. Dĩ nhiên, Musk bị bẽ mặt với khách mời đêm đó. Nhưng số đơn đặt hàng Cybertruck vẫn tăng mạnh, khiến nhiều người nghi ngờ đây là "chiêu trò" quảng cáo của vị CEO.

Elon Musk và chiếc xe Cybertruck vỡ kính

Ngay trong tuần qua,  Musk cũng đăng lên trang twitter một dòng trạng thái cho rằng yêu cầu cách ly tại nhà để chặn Covid-19 của chính phủ Mỹ là một chính sách "phát xít", vị tỷ phú công nghệ này cho rằng việc buộc cách ly ở nhà đã làm mất quyền tự do của mọi người trong khu vực. Một ngày trước đó, ông cũng kêu gọi "mở cửa lại nước Mỹ ngay lập tức" trên twitter.

Và gần đây nhất, vào tối ngày 1/5, Elon Musk viết trên Twitter rằng: "Theo tôi thấy, giá cổ phiếu Tesla đang quá cao". Ngay sau dòng trạng thái này, cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 9% và chốt phiên mất 10,3%. Khi được hỏi liệu ông có đang đùa, hoặc đã được duyệt thông tin này trước khi đăng hay không, Musk chỉ trả lời: "Không".

Broker listing

Cùng chuyên mục

Lạm dụng quyền biểu quyết: Chiến lược "bỏ phiếu trống" và những hệ lụy pháp lý
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Lạm dụng quyền biểu quyết: Chiến lược "bỏ phiếu trống" và những hệ lụy pháp lý

"Bỏ phiếu trống" là chiến lược cho phép nhà đầu tư có quyền biểu quyết mà không chịu rủi ro tài chính, gây tranh cãi về xung đột lợi ích trong quản trị công ty. Vụ kiện giữa Masimo và RTW mở ra cuộc tranh luận về tính hợp pháp và hệ lụy của chiến lược này.
Bài học từ câu chuyện "giao dịch nội gián" tại Fed
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Bài học từ câu chuyện "giao dịch nội gián" tại Fed

"Giao dịch nội gián" không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn phản ánh sự yếu kém trong công tác giám sát. Bài viết này sẽ khám phá một thương vụ giao dịch gây sốc tại Fed, làm rõ những động lực đằng sau hành vi này và tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng.
B4H - Pitch n' Slay Ladies Hour: Sân Chơi Đẳng Cấp Cho Phụ Nữ Tiên Phong Trong Thế Giới Blockchain
Bitget

Bitget

Cryptocurrency Exchange

B4H - Pitch n' Slay Ladies Hour: Sân Chơi Đẳng Cấp Cho Phụ Nữ Tiên Phong Trong Thế Giới Blockchain

Bitget sẽ tổ chức sự kiện lần thứ tư tại Thái Lan vào ngày 15 tháng 11, một ngày đặc biệt dành riêng cho phụ nữ trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số hóa. Với tên gọi B4H - Pitch n' Slay Ladies Hour, sự kiện hứa hẹn sẽ mang đến một không gian nơi những người phụ nữ đầy tài năng và nhiệt huyết có thể chia sẻ ý tưởng và tầm nhìn của mình, đồng thời kết nối với những chuyên gia và nhà đầu tư hàng đầu trong ngành.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ