Bộ trưởng Tài chính Yellen: "Rất lạc quan" về triển vọng hạ cánh mềm tại Mỹ
Hoàng Thế Vinh
Junior Analyst
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết bà ngày càng tin tưởng rằng Mỹ sẽ có thể kiềm chế lạm phát mà không gây thiệt hại lớn cho thị trường lao động, khi dữ liệu cho thấy lạm phát giảm ổn định và nhiều người tìm việc.
“Tôi cảm thấy rất lạc quan về dự đoán đó,” bà nói khi được hỏi về hy vọng trước đây của bà rằng Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế trong khi vẫn kiềm chế được mức tăng giá tiêu dùng. "Tôi nghĩ chúng ta đang trên một con đường trông chính xác như vậy."
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên máy bay trên đường trở về sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, bà cũng coi nhẹ mọi rủi ro từ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng từ nhóm BRICSgồm các quốc gia mới nổi lớn. Bà nói: “G-20 vẫn là diễn đàn hàng đầu về hợp tác toàn cầu”.
Bà Yellen và Tổng thống Joe Biden đã tham dự cuộc họp G20, mà Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình đã bỏ lỡ, trước bối cảnh là một loạt dữ liệu tích cực về nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lạm phát cơ bản đã chậm lại ở mức 3% - mặc dù vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed - mà không có bất kỳ sự sụt giảm nào về lương công hoặc GDP.
Bà Yellen cho biết: “Mọi chỉ số về lạm phát đều đang có xu hướng giảm”. Bà cũng nhấn mạnh rằng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng trong tháng 8 sau khi đạt mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ vào đầu năm nay, nhưng mức tăng đó không phải do làn sóng sa thải lớn gây ra.
Tỷ lệ thất nghiệp đạt 3.8% vào tháng trước, một phần nhờ tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020, ngay khi Covid bắt đầu bùng phát.
Bà Yellen nói rằng việc nhận thấy sự nới lỏng trong thị trường lao động là “quan trọng và là một điều tốt” và “rõ ràng đó là một điểm cộng” khi có nhiều người tìm việc làm hơn.
Các dữ liệu này có phần xác nhận quan điểm của Bộ trưởng Tài chính, người đã liên tục cho biết suốt một năm qua rằng bà thấy có con đường để lạm phát đạt mục tiêu 2% của Fed mà không cần phải tăng đột ngột tỷ lệ thất nghiệp.
Với các con số khác cho thấy sự tăng cường bền vững trong tiêu dùng và dấu hiệu ổn định trong thị trường nhà ở mặc dù lãi suất thế chấp tăng mạnh, các nhà kinh tế đã từ bỏ hoặc trì hoãn dự báo suy thoái.
Những thách thức của Trung Quốc
Về phần mình, các nhà kinh tế của Goldman Sachs hiện chỉ dự báo 15% khả năng Mỹ rơi vào suy thoái, giảm từ mức 20% trước đó.
Những dấu hiệu tích cực đối với Mỹ trái ngược với dữ liệu đáng thất vọng từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế số 2 thế giới có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% của Bắc Kinh trong năm nay.
Bà Yellen nhắc lại quan điểm của mình rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc vẫn còn dư địa nới lỏng nếu cần hỗ trợ nền kinh tế. Chính quyền chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện một số biện pháp để nới lỏng các ràng buộc về thị trường bất động sản, nhưng chưa dừng các gói kích thích rộng rãi cho người tiêu dùng hoặc cắt giảm lãi suất.
"Tôi nghĩ họ có khá nhiều dư địa chính sách nếu họ quyết định rằng điều đó là cần thiết", bà Yellen nói trong cuộc phỏng vấn. “Đối với tôi, họ đã thực hiện những điều chỉnh tương đối nhỏ trong chính sách tiền tệ”.
Phân kỳ xu hướng giữa hai nền kinh tế đã góp phần khiến CNY giảm sâu so với USD và CNH chạm đáy kỷ lục vào tuần trước. Điều đó đã khiến Bắc Kinh đang thực hiện một số bước để làm chậm lại sự suy giảm. Bà Yellen cho biết những biện pháp đó là dễ hiểu.
Bà nói: “Họ muốn thế giới, bao gồm cả người dân của họ, tin tưởng vào nền kinh tế và hệ thống tài chính của họ”.
Về nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm mở rộng nhóm BRICS, bà nhấn mạnh rằng khối kinh tế này có các quốc gia có “lợi ích rất khác nhau”.
Ấn Độ - nơi đã tổ chức cuộc họp G-20 và cũng là một thành viên của BRICS - đang có tranh chấp biên giới kéo dài với Trung Quốc, và sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình trong cuộc họp ở New Delhi vào cuối tuần này đã làm dấy lên suy đoán về việc nước láng giềng khổng lồ này có thái độ không tốt.
Bà Yellen cũng cho biết thêm, Mỹ có “một loạt các liên minh mạnh mẽ và ngày càng tăng cường, phát triển hơn” với một số nước BRICS-11, bao gồm cả sự hợp tác gần đây về nhiên liệu sinh học liên quan tới Brazil và Nam Phi. Bà cũng chỉ ra tầm quan trọng của công việc G-20 trong vài năm qua đối với các thách thức toàn cầu bao gồm y tế, an ninh lương thực và cho vay.
Ấn Độ, Việt Nam
“Đây vẫn là diễn đàn quan trọng và cao cấp cho sự hợp tác toàn cầu’’, bà Yellen nói về G-20. “Nó được thể hiện rất rõ ràng tại các cuộc họp này.”
Bà cũng nhấn mạnh mối quan hệ “cực kỳ bền chặt” với Ấn Độ, quốc gia bà đến thăm nhiều nhất với tư cách là Bộ trưởng Tài chính.
Mỹ cũng đang đẩy mạnh mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Việt Nam, một trung tâm điện tử tiêu dùng đang có căng thẳng biên giới với Trung Quốc. Tổng thống Biden đã đến Việt Nam sau chuyến đi Ấn Độ của mình, và bà Yellen đã đến đó vào mùa hè này.
Khi họ trở lại Mỹ, bà Yellen và Tổng thống Biden đối mặt với một thách thức khác về các vấn đề tài khóa. Quốc hội vẫn chưa thông qua dự luật ngân sách liên bang hàng năm, khiến Washington có nguy cơ đóng cửa một phần chính phủ vào cuối tháng này.
Trong cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật, bà Yellen đã nhắc lại quan điểm tương đối lạc quan của bà về quỹ đạo tài chính của Mỹ, mặc dù thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng một phần do chi phí lãi suất tăng. Trong 10 tháng đầu của năm tài chính, tổng số tiền lãi phải trả là 726 tỷ USD.
Lãi ròng trên nợ như một phần của doanh thu Liên bang
Theo bà, chi phí lãi suất cao hơn sẽ tạo ra áp lực lên thâm hụt và vì vậy cần phải thận trọng, đồng thời nhấn mạnh rằng ông Biden “tin tưởng mạnh mẽ vào việc có một ngân sách bền vững về mặt tài chính”.
“Tôi nghĩ chúng ta đang ổn,” bà nói về tính bền vững của nền tài chính liên bang.
Bloomberg