Bóng ma mới trên thị trường tài chính: Nỗi ám ảnh của các Ngân hàng Trung ương
Quỳnh Chi
Junior Editor
Trong thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra, một chủ tịch Fed khu vực, người trước đây đã làm việc trong ngành tài chính, được hỏi rằng ông ấy sẽ khuyên các nhà đầu tư nên có động thái gì trên thị trường.
"Câu trả lời nằm đâu đó giữa việc “ôm chặt” tiền mặt và cuộn tròn người như em bé trong bụng mẹ," Richard Fisher, khi đó đang điều hành Fed Dallas, hài hước đáp. Tất nhiên, nhận xét này phản ánh mối đe dọa to lớn mà sự sụp đổ thị trường lúc bấy giờ gây ra cho nền kinh tế.
Sự biến động gia tăng trên thị trường trong tuần qua không thể so sánh với những gì đã xảy ra trước đây. Tuy nhiên, tình hình này có thể làm trầm trọng thêm mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách. Họ vốn đã đau đầu cân nhắc giữa nguy cơ lạm phát dai dẳng ở mức cao và khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái do chính sách lãi suất cao kỷ lục.
Vào hôm thứ Hai, nhóm chuyên gia của Deutsche Bank, dẫn đầu bởi Matthew Luzzetti, đã cập nhật đánh giá về tình hình kinh tế. Là một trong những tổ chức tiên phong trên Phố Wall dự báo về suy thoái, nhóm viết: "Chúng tôi từ lâu đã chia sẻ quan điểm rằng những rủi ro tiêu cực đối với nền kinh tế đang ở mức đáng báo động."
Đầu năm nay, nhóm đã từ bỏ dự báo về suy thoái và hiện vẫn giữ nguyên đánh giá của mình. Tuy nhiên, họ bổ sung một điều kiện: tình hình tài chính có thể "đóng vai trò quyết định trong kết luận này".
Đợt bán tháo cổ phiếu khiến các chỉ số chạm đáy năm 2024
"Sự suy giảm điều kiện tài chính có thể góp phần làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế và nghiêng cán cân về phía suy thoái," Luzzetti và cộng sự nhận định. "Việc thị trường ổn định hay tiếp tục biến động có thể là yếu tố quan trọng quyết định kịch bản kinh tế cuối cùng."
Chỉ số S&P 500 vào thứ Ba đã phục hồi khoảng một phần ba mức giảm 3% của ngày hôm trước. Các doanh nghiệp cũng không gặp nhiều khó khăn trong việc phát hành hàng tỷ USD trái phiếu vào ngày thứ Ba.
Tuy nhiên, do giá cổ phiếu đã tăng lên mức cao chưa từng thấy và có tin đồn rằng nhiều nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính, có thể phải bán tháo cổ phiếu để trả nợ, không có gì đảm bảo sự ổn định sẽ kéo dài mãi. "Có thể sẽ mất vài tuần để diễn biến thị trường hiện tại kết thúc," các chiến lược gia toàn cầu của Brown Brothers Harriman do Win Thin dẫn đầu viết trong một ghi chú vào thứ Ba.
Trong khi đó, "những thông tin hiện tại vẫn cho thấy khả năng hạ cánh mềm là có thể," James Knightley, chuyên gia tại ING Financial Markets nhận xét. "Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các NHTW - không chỉ riêng Fed - sẽ cần đưa lãi suất chính sách về mức trung lập nhanh hơn so với những gì họ đã gợi ý trước đây.”
Nghiên cứu đáng chú ý
Mặc dù hầu hết các nền kinh tế phát triển đều chứng kiến lạm phát tăng vọt và sau đó giảm xuống trong vài năm qua, có sự khác biệt đáng kể giữa các nước về nguyên nhân ban đầu làm tăng giá và tốc độ giảm lạm phát, theo nghiên cứu được công bố bởi Cục Dự trữ Liên bang.
Năm nhà kinh tế của Fed đã phân tích tiến trình giảm lạm phát và nhận thấy sự "không đồng đều giữa các quốc gia và ngành." Áp lực giá cả dường như "lan rộng hơn ở Mỹ và Anh so với Canada và khu vực Eurozone," họ viết trong một nghiên cứu tháng này.
"Hơn nữa, mức độ tương quan trung bình của lạm phát cơ bản giữa các nước trong các nền kinh tế phát triển chủ chốt đã bắt đầu giảm, cho thấy tiến trình trong giai đoạn cuối của quá trình giảm lạm phát có thể khác nhau giữa các quốc gia," họ kết luận. "Những khác biệt này có thể dẫn đến sự chênh lệch về thời điểm cắt giảm lãi suất giữa các nền kinh tế."
Bloomberg