Bóng ma từ cuộc khủng hoảng 1987: Chuyên gia Ed Yardeni dự báo động thái mới từ chính phủ
Quỳnh Chi
Junior Editor
Ed Yardeni, chuyên gia theo dõi thị trường và nền kinh tế lâu năm, nhận định đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu hiện nay có một số điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng năm 1987. Khi đó, nền kinh tế đã tránh được suy thoái bất chấp nỗi lo của nhà đầu tư.
"Tình hình hiện tại rất giống năm 1987," Yardeni chia sẻ trên chương trình Bloomberg Surveillance của Bloomberg Television. "Chúng ta đã chứng kiến một cú sụp đổ thị trường chứng khoán - chỉ diễn ra trong một ngày - và hàm ý là chúng ta đang hoặc sắp rơi vào suy thoái. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Đây chủ yếu liên quan đến các yếu tố nội tại của thị trường."
Một trong những lý do chính được cho là nguyên nhân của đợt giảm mạnh giá cổ phiếu hiện nay là việc các nhà đầu tư đang thanh lý bớt các khoản đầu tư sử dụng vốn vay bằng đồng Yên, để đầu tư vào các tài sản khác có lợi nhuận cao hơn. Nghiệp vụ carry trade này bị ảnh hưởng bởi việc BoJ tăng lãi suất tuần trước và có thể sẽ tiếp tục tăng, khiến chiến lược này trở nên kém hiệu quả. Ngoài ra, các nhà giao dịch cũng đang bán ra cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn của Mỹ mà họ đã đầu tư trước đó.
"Tôi nghĩ rằng có điều tương tự đang diễn ra ở đây" như năm 1987 liên quan đến động lực nội tại của thị trường, Yardeni, Chủ tịch Yardeni Research nói. "Phần lớn đợt bán tháo này có liên quan đến việc giảm bớt các giao dịch carry trade."
Trong lịch sử, Chủ tịch Fed khi đó là Alan Greenspan đã hạ lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính. Ông Yardeni dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ có phản ứng tương tự đối với tình hình hiện tại, mặc dù ông không kỳ vọng sẽ có một động thái hạ lãi suất khẩn cấp.
Rủi ro tín dụng
"Điều này đang biến thành một cuộc hoảng loạn tài chính toàn cầu, và tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng các NHTW sẽ phản ứng," ông nói, trước khi cổ phiếu Mỹ thu hẹp đà giảm vào giữa phiên giao dịch thứ Hai trên Phố Wall.
Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 2.3% tính đến trưa tại New York, sau khi giảm tới 4.3% vào đầu ngày. Chỉ số Topix của Nhật Bản lao dốc hơn 12%. TPCP Mỹ cũng tăng vọt trước khi thu hẹp đà tăng.
Yardeni cho biết, phản ứng đầu tiên của các nhà hoạch định chính sách có thể là trấn an công chúng để giảm bớt lo ngại về nền kinh tế Mỹ và đẩy lùi khả năng Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng với việc cắt giảm lãi suất 50 bps. Tuy nhiên, ông Yardeni cũng nói thêm: "Nhưng bạn biết đấy, nếu thị trường tiếp tục sụt giảm trong vài ngày nữa giống như hôm thứ Sáu và sáng nay, tôi nghĩ NHTW sẽ chuyển sang chế độ bơm tiền vào thị trường để tăng thanh khoản. Và điều này rất có thể đồng nghĩa với việc họ sẽ cắt giảm lãi suất 50 bps."
Yardeni cảnh báo nguy cơ lao dốc của thị trường sẽ tự biến hoá và biến thành một cuộc khủng hoảng tín dụng. "Có thể hình dung rằng việc loại bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất này sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính, từ đó dẫn đến suy thoái," ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng đó không phải là kỳ vọng của ông.
"Thị trường lao động vẫn trong tình trạng tốt," ông nói, ngay cả sau báo cáo việc làm Mỹ yếu hơn dự kiến hôm thứ Sáu. Dữ liệu tháng 7 cho thấy sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng bất ngờ, gây lo ngại Fed có thể đã chậm chân trong việc giảm lãi suất từ mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
"Nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, tôi nghĩ nền kinh tế dịch vụ đang hoạt động tốt," ông nói. "Nhìn chung, tôi nghĩ đây sẽ là một biến động kỹ thuật trên thị trường hơn là điều gì đó dẫn đến suy thoái."
Yardeni nổi tiếng với việc đặt ra thuật ngữ "bond vigilantes" (những người “canh gác” trái phiếu) trong những năm 1980, ám chỉ tiềm năng của các nhà đầu tư trong việc định hình các cuộc thảo luận của các nhà hoạch định chính sách bằng cách đẩy lãi suất lên do lo ngại về quỹ đạo tài chính.
Bloomberg