Các chuyên gia kinh tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi xuất khẩu được cải thiện
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Theo một cuộc khảo sát của các chuyên gia kinh tế của Bloomberg, triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ được cải thiện, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, bất chấp chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại.
Xuất khẩu trong năm nay dự kiến sẽ tăng 4.3% so với cùng kỳ năm trước, theo dự báo trung bình của 22 chuyên gia kinh tế được khảo sát từ ngày 17-24 tháng 6. Con số này là một bước nhảy vọt so với dự báo tăng 2.8% trong cuộc khảo sát tháng 5. Nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5%, cao hơn so với ước tính 4.9% hồi tháng 5, theo dự báo trung bình của 68 chuyên gia kinh tế.
Serena Chu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mizuho Securities Asia, cho biết: “Chúng tôi dự báo triển vọng thương mại được cải thiện trong những tháng tới, nhờ sự dịch chuyển nhu cầu toàn cầu từ dịch vụ sang hàng hóa”.
Các chuyên gia kinh tế nâng triển vọng tăng trưởng GDP, xuất khẩu của Trung Quốc
Xuất khẩu của Trung Quốc vượt kỳ vọng trong tháng 4 và tháng 5, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ từ nước ngoài và khả năng cạnh tranh ngày càng tăng của các nhà sản xuất Trung Quốc. Mặc dù điều này có thể hỗ trợ chiến lược của Bắc Kinh khi dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng và bù đắp cho chi tiêu yếu kém của các hộ gia đình Trung Quốc, nhưng rủi ro cũng ngày càng tăng cao khi các công ty của nước này bắt đầu phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại hơn từ Mỹ và châu Âu.
Kết quả khảo sát mâu thuẫn với báo cáo gần đây của Goldman Sachs. Báo cáo ngày 23/6 cho biết khách hàng của họ tại Trung Quốc ngày càng nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu trong những quý tới. Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng nhà đầu tư đang lo ngại về tính bền vững của việc mở rộng nguồn cung, đặc biệt khi nhu cầu nội địa suy yếu và rủi ro xung đột thương mại tăng cao.
Theo khảo sát của Bloomberg, các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo về tăng trưởng doanh số bán lẻ - thước đo chính về chi tiêu của người tiêu dùng - cũng như chỉ số CPI và giá xuất xưởng trong năm nay, phản ánh sự bi quan về nhu cầu khi thị trường bất động sản vẫn còn nhiều thách thức.
Các chuyên gia kinh tế nâng dự báo tăng trưởng xuất khẩu vào năm 2024 của Trung Quốc
Trung Quốc được cho là khó có thể thoát khỏi áp lực giảm phát trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0.6% trong năm nay, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) có thể giảm 1%, cả hai chỉ số này đều sụt giảm so với ước tính hồi tháng 5.
Điều này phản ánh tâm lý dè dặt trong chi tiêu của người tiêu dùng do lo ngại về an ninh việc làm, triển vọng thu nhập và sụt sụt giảm giá trị bất động sản.
Erica Tay, chuyên gia kinh tế tại Maybank Investment Banking, cho biết: “Những căng thẳng trên thị trường việc làm vẫn đang đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng. Ngay cả khi các lĩnh vực sản xuất tiên tiến đang giành được thị phần toàn cầu, lợi nhuận của hoạt động này chỉ đủ để bù đắp cho sự trì trệ trong tăng trưởng GDP do tiêu dùng chậm lại”.
Các chuyên gia kinh tế đã đẩy lùi kỳ vọng về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ quý 2 sang quý 3. PBOC đã trì hoãn việc nới lỏng chính sách trong những tháng gần đây để bảo vệ đồng nhân dân tệ.
Các chuyên gia kinh tế cũng dự đoán tăng trưởng cung tiền trong năm nay sẽ chậm hơn so với ước tính hồi tháng 5.
Các chuyên gia kinh tế duy trì dự báo về khả năng cắt giảm lãi suất chính sách và lãi suất LPR trong quý 3.
Bloomberg