Các hộ gia đình Mỹ đang dần rơi vào "bẫy nợ"
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Nhiều hộ gia đình ở Mỹ đang lặp lại những sai lầm tương tự hơn 15 năm trước, họ đang chi tiêu và nợ nần chồng chất vào đúng thời điểm nên cắt giảm cả hai khoản này một cách thận trọng
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân đối với hàng hóa tăng 3.8% trong quý 4, vượt xa mức tăng trưởng GDP của Mỹ là 3.3%. Vốn dĩ không có gì sai khi chi tiêu nhiều hơn nếu thu nhập tăng hỗ trợ cho việc đó, nhưng đây không phải là điều đang xảy ra ở Mỹ. Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế, vào năm 2023, chi tiêu cá nhân tăng hơn gấp đôi tốc độ thu nhập cá nhân.
Việc tăng chi tiêu này không được hỗ trợ bởi thu nhập mà là bằng nợ. Theo báo cáo hàng quý gần đây nhất của Fed New York về Nợ và Tín dụng Hộ gia đình, đến cuối năm 2023, tổng nợ hộ gia đình tăng lên mức cao kỷ lục 17.5 nghìn tỷ USD. Đây là mức tăng 24% so với mức trước đại dịch vào cuối năm 2019 và cao hơn 3.6% so với chỉ một năm trước. Khoảng 12.3 nghìn tỷ USD khoản nợ này phản ánh số dư thế chấp, trong khi các khoản vay mua ô tô và nợ sinh viên, mỗi khoản đóng góp 1.6 nghìn tỷ USD và thẻ tín dụng hơn 1.1 nghìn tỷ USD vào khoản nợ tiêu dùng bổ sung. Đáng chú ý, số dư thẻ tín dụng tăng 4.6% trong quý 4, trong khi chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng 0.7%, một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang nợ nhiều hơn để mua sắm.
Điều khiến xu hướng này trở nên nguy hiểm không chỉ là tổng số nợ, mà thực tế là trong khi nợ hộ gia đình tăng ở mức 5.5% mỗi năm kể từ năm 2019, thu nhập cá nhân thực tế chỉ tăng 1.9% mỗi năm. Nói cách khác, gánh nặng nợ của các hộ gia đình không chỉ tăng lên về mặt số lượng mà còn trở nên nặng nề hơn khi so sánh với thu nhập của họ, so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Các dấu hiệu khác về tình trạng khó khăn tài chính của người Mỹ bao gồm việc họ vừa tiết kiệm ít hơn so với thu nhập, vừa dùng tiền tiết kiệm của họ để cố gắng trang trải cuộc sống. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của các hộ gia đình Mỹ đã giảm từ 5.3% trong tháng 5 xuống 3.9% trong tháng 12. So với mức trước đại dịch ở trên 8%, những số liệu gần đây thể hiện tỷ lệ tiết kiệm cá nhân thấp nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi các hộ gia đình căng thẳng vì các khoản thế chấp có lãi suất điều chỉnh tăng cao đối với những ngôi nhà mà họ không đủ khả năng chi trả. Không chỉ tiết kiệm ít hơn mà người Mỹ còn đang cạn kiệt tài khoản tiết kiệm của mình. Tổng tiết kiệm cá nhân đã giảm hơn 27% kể từ tháng 12 năm 2019. Điều này không nên tiếp tục lâu hơn nữa.
Điều này xảy ra vào thời điểm gánh nặng nợ đối với nhiều gia đình tăng lên do phải tiếp tục trả các khoản vay học phí. Lệnh tạm ngừng trả nợ học phí liên bang được áp dụng vào năm 2020 và đã kết thúc vào tháng 9 năm 2023. Không có cách nào để biết liệu người tiêu dùng có thanh toán các khoản này hay không vì theo báo cáo của Fed, các khoản chậm thanh toán học phí liên bang sẽ không được báo cáo cho văn phòng tín dụng cho đến quý 4 năm 2024. Tuy nhiên, có lý do để tin rằng nhiều người mắc nợ khoản vay học phí đã chậm thanh toán.
Với lãi suất tăng nhanh trong hai năm qua, chi phí trả nợ của người tiêu dùng cũng tăng theo. Vào tháng 2 năm 2024, chi phí trung bình nợ thẻ tín dụng hiện đã lên tới 28%, so với mức dưới 23% vào năm ngoái. Trong cả hai trường hợp, nợ thẻ tín dụng sẽ nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không được thanh toán. Các hộ gia đình ở Mỹ ngày càng mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn nợ nần.
Bidenomics đang có tác động tương tự đối với các hộ gia đình cũng như đối với chính phủ Mỹ. Cả hai đều chi tiền vượt quá khả năng của mình. Điều này cũng giống như việc từ bỏ việc tiêu dùng vào ngày mai để có nhiều hơn vào ngày hôm nay.
Các hộ gia đình này sẽ phải đối diện với những hậu quả của việc sống trong những ảo tưởng về sự giàu có. Họ sẽ ngày càng tiếp cận gần với các hạn mức tín dụng, số tiền tiết kiệm sẽ cạn kiệt, và họ sẽ không còn lối thoát.
Bloomberg