Cập nhật thị trường 26.01: Chứng khoán châu Á chìm trong biển máu, kinh tế Trung Quốc vẫn còn "mù mịt"!
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Chứng khoán châu Á suy giảm vào sáng thứ Sáu (26/01), trong khi triển vọng sắp tới của chứng khoán Trung Quốc "mịt mù" khi sự lạc quan về các biện pháp cứu trợ giảm dần.
Chứng khoán Nhật Bản mở cửa trong sắc đỏ, với HĐTL chứng khoán Hồng Kông giảm. Cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trượt dốc trong bối cảnh cổ phiếu Baidu, Yum China Holdings và Alibaba Group Holding sụt giảm.
Đà giảm diễn ra sau đợt phục hồi kéo dài 3 ngày lớn nhất kể từ năm 2022 của chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc, trước kỳ vọng rằng những nỗ lực mới nhất từ Bắc Kinh sẽ hỗ trợ nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Công ty tư vấn tài chính Teneo có trụ sở tại New York đặt ra nghi ngờ về các gói cứu trợ "khổng lồ" cho thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Lạm phát ở Tokyo lần đầu tiên hạ nhiệt xuống dưới 2% sau hơn một năm rưỡi, tốc độ giảm mạnh hơn dự báo trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang đánh giá về dữ liệu lạm phát, cũng như thời điểm tăng lãi suất. Theo Taro Kimura, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg, kết quả đó “có thể khiến BoJ phải suy nghĩ kỹ hơn về thời điểm chấm dứt lãi suất âm ”.
Cổ phiếu Mỹ tăng do suy đoán về việc hạ cánh nhẹ nhàng khi nền kinh tế vẫn ổn định. Thị trường Úc và Ấn Độ đóng cửa nghỉ lễ.
Tâm lý hưng phấn tại Phố Wall đã đẩy các chỉ số lên mức cao nhất mọi thời đại trong 6 phiên tăng liên tiếp khi dữ liệu GDP mới nhất của Mỹ củng cố triển vọng cho các doanh nghiệp Mỹ, bất chấp dự báo về suy thoái kinh tế. Dữ liệu lạm phát tại Mỹ cho thấy tín hiệu tốt khi đạt mức mục tiêu 2% của Fed.
Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức gần 4,900 và lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm 6bps xuống còn 4.12%. Giới trader hợp đồng swaps tiếp tục đặt cược vào việc hạ lãi suất trong tháng 5 của Fed với tổng mức cắt giảm khoảng 140bps trong năm nay.
Tăng trưởng quý 4/2023 của nền kinh tế Mỹ vượt xa dự báo khi lạm phát hạ nhiệt đã thúc đẩy chi tiêu của người dân, khép lại một năm kinh tế bùng nổ, cụ thể GDP đã tăng với tốc độ 3.3% hàng năm, lạm phát PCE đã tăng 2% trong quý thứ hai liên tiếp.
S&P 500 đang ở mức cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ giảm và khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Kết quả này đã vượt xa kỳ vọng của Phố Wall. Vào phiên ngày 24/01, chỉ số này đã vượt ngưỡng 4,867 điểm, mức trung bình mà các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ đạt được trong 11 tháng tới.
Sau khi thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh kỷ lục mới, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi rằng động lực trong đợt phục hồi bắt đầu từ năm ngoái đến thời điểm như hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu nữa. Dữ liệu của Bloomberg từ năm 1950 cho thấy, bất cứ khi nào S&P 500 đảo chiều từ xu hướng giảm lên mức đỉnh mới, đà tăng trong 6 và 12 tháng tiếp theo sẽ đều cao hơn mức trung bình một cách đáng ngạc nhiên.
Phân tích của BI về hiệu suất thị trường sau khi chứng khoán Mỹ lập dỉnh mới cho thấy mức tăng trung bình trong 6 tháng là khoảng 9.2%, cao hơn con số 6.3% trong tất cả các chu kỳ nửa năm hơn 70 năm qua. Hiệu suất hoạt động trong 12 tháng tới cũng tương tự khi mức tăng trung bình gần 15% so với con số 13%.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong hai tháng do tồn kho tại Mỹ, gói cứu trợ của Trung Quốc và cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu của Nga đã kích thích lực cầu tăng mạnh.
Bloomberg