Cập nhật thị trường 29.01: Giá dầu tăng vọt sau các đợt tấn công ở Trung Đông
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Dầu thô tăng vọt do căng thẳng leo thang ở Trung Đông đe dọa thương mại toàn cầu. Chứng khoán châu Á tăng mạnh.
Cả dầu thô Brent và dầu thô WTI đều tăng hơn 1% lên mức cao nhất kể từ tháng 11 trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ trả đũa sau khi các nhóm được Iran hậu thuẫn giết hại 3 quân nhân Mỹ. Giá dầu tiếp tục tăng vào thứ Sáu (26/01) sau khi phiến quân Houthi tấn công một tàu chở nhiên liệu của Nga.
Cổ phiếu Nhật Bản tăng đầu phiên, dẫn đầu là các nhà sản xuất năng lượng sau đà tăng của giá dầu. Chứng khoán Hàn Quốc cũng tăng điểm, trong khi hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ trượt dốc khi nhà đầu tư cân nhắc rủi ro từ xung đột Trung Đông đối với triển vọng chính sách toàn cầu.
Andrew Ticehurst, chiến lược gia lãi suất tại Nomura ở Sydney, cho rằng: “Trong tuần này, thông tin về ba lính Mỹ thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tuyên bố đáp trả từ Tổng thống Biden có thể sẽ bị lu mờ phần nào bởi loạt dữ liệu sắp được công bố, cùng với các cuộc họp của ngân hàng trung ương, trong đó nổi bật là chỉ số PMI của Trung Quốc, cuộc họp của FOMC và BOE, bảng lương của Mỹ”.
Đồng đô la tăng giá và TPCP Mỹ ổn định trong phiên giao dịch châu Á. Dữ liệu kinh tế làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ có động thái cắt giảm lãi suất chậm lại trong cuộc họp vào thứ Tư (31/01).
Loạt dữ liệu quan trọng sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm dữ liệu GDP châu Âu vào thứ Ba (30/01), chỉ số PMI của Trung Quốc và lạm phát ở Úc vào thứ Tư (31/01), sau đó là dữ liệu về lạm phát ở châu Âu và quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào thứ Năm (01/02).
Chứng khoán Trung Quốc được kỳ vọng sẽ chứng kiến tuần tăng đầu tiên kể từ cuối tháng 12/2023, sau khi Cơ quan Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) hôm 28/01 cho biết sẽ xử lý mạnh tay đối với các hoạt động bán khống cổ phiếu và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/01. Các nhà chức trách đang thực hiện các biện pháp sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc, chỉ số MSCI Trung Quốc đã mất hơn 60% so với mức đỉnh tháng 2/2021.
Trước đó, ngân hàng trung ương Singapore đã giữ nguyên chính sách tiền tệ lần thứ ba liên tiếp do áp lực lạm phát vẫn tồn tại và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.
Bloomberg