Cập nhật thị trường phiên Á 09.05: Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong bối cảnh trái phiếu khu vực sụt giảm
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Trái phiếu châu Á giảm hôm thứ Năm, theo sau đà bán tháo TPCP Mỹ trong phiên trước, đồng thời hỗ trợ đồng USD. Chứng khoán trong khu vực diễn biến trái chiều sau một phiên ảm đạm trên Phố Wall.
Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Úc và New Zealand đã tăng khoảng 4bps, phản ánh sự gia tăng về lợi suất TPCP Mỹ cùng kỳ hạn vào thứ Tư. TPCP Mỹ ổn định trong phiên Á hôm nay.
Trái phiếu Nhật Bản cũng sụt giảm khi nhà đầu tư kỳ vọng về khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 4 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Các quan chức của BoJ cũng đã thảo luận về khả năng cắt giảm hoạt động mua trái phiếu cũng như lộ trình tăng lãi suất trong tương lai.
Đồng Yên ổn định sau khi giảm mạnh tuần trước do giới đầu tư bắt đầu lo lắng về "một cuộc chiến tranh tiền tệ mới" ở châu Á. Quan chức tiền tệ hàng đầu Nhật Bản Masato Kanda cho biết nước này sẵn sàng hành động khi cần thiết, nhưng không xác nhận sự can thiệp chính thức trong những tuần gần đây. Chỉ số DXY ổn định sau phiên tăng thứ ba liên tiếp.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều, chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc tăng điểm, trong khi đó, chứng khoán Úc và Hàn Quốc lại sụt giảm. HĐTL chứng khoán Mỹ giảm sau khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 khép phiên hôm thứ Tư gần như đi ngang, bị đè nặng bởi đà lao dốc của các công ty vốn hóa lớn sau loạt dữ liệu không mấy khả quan.
Cổ phiếu Arm Holdings niêm yết tại Mỹ đã bốc hơi gần 10% vào cuối phiên giao dịch sau dự báo hàng năm ảm đạm. Cổ phiếu Intel cũng tụt dốc sau khi Mỹ thu hồi giấy tờ cho phép công ty này bán chip cho Huawei Technologies. Cổ phiếu Airbnb sụt giảm trong phiên giao dịch ngoài giờ sau những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Tại châu Á, dữ liệu thương mại tháng 4 của Trung Quốc sẽ được công bố hôm nay. Malaysia sẽ đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ, trong khi đó, thị trường Indonesia đóng cửa. Mặt khác, dữ liệu tiền lương mới nhất của Nhật Bản cho thấy mức tăng lương hiện tại đã thấp hơn mức lạm phát hàng tháng trong hai năm.
Theo các chiến lược gia của Citigroup, sự thiếu hụt động lực mua vào của nhà đầu tư cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ có thể chưa sẵn sàng cho một xu hướng tăng giá hoàn toàn. Mặc dù S&P 500 đã phục hồi sau đợt thoái lui tháng 4, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng.
Montagu cho biết: “Dòng tiền cho thấy sự do dự trong việc bổ sung vị thế mua mới và khẩu vị rủi ro chỉ tăng nhẹ".
Sau đợt thoái lui vào tháng 4, chứng khoán đã phục hồi vào đầu tháng 5 khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mạnh mẽ đã củng cố tâm lý nhà đầu tư, và thị trường cũng ngày càng kỳ vọng rằng Fed sẽ có thể hạ lãi suất trong năm nay. Đà phục hồi gần đây đã đẩy S&P 500 lên tiệm cận mức đỉnh mọi thời đại.
Dữ liệu lạm phát vào tuần tới sẽ cung cấp thêm manh mối về tình hình kinh tế Mỹ sau khi dữ liệu việc làm công bố hôm thứ Sáu cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt. Chủ tịch Fed Boston Susan Collins đã nhận định rằng lãi suất có thể sẽ được giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây để giảm bớt áp lực lạm phát.
Mark Hackett tại Nationwide cho rằng: “Mặc dù thiếu dữ liệu tốt về lạm phát, nhưng vẫn có một cơ hội cho các nhà đầu tư kiên nhẫn. Lịch sử cho thấy việc Fed đẩy lùi thời điểm hạ lãi suất thường tương quan với ROE tốt hơn. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư lạc quan hơn.”
Mặt khác, giá dầu WTI tăng mạnh nhất trong gần hai tuần vào thứ Tư. Chính quyền Biden đã nâng giá mua để bổ sung vào kho dự trữ dầu khẩn cấp của quốc gia, vốn đã giảm xuống gần mức đáy trong 4 thập kỷ. Giá vàng ổn định quanh mức 2,309 USD/ounce.
Bloomberg