Cập nhật thị trường phiên Á 30.05: Chứng khoán Châu Á tiếp nối đà giảm trên Phố Wall trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng vọt
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Chứng khoán và trái phiếu châu Á sụt giảm hôm thứ Năm, theo sau đà lao dốc trên Phố Wall, khi một đợt chào bán TCPP Mỹ với nhu cầu yếu kém đã làm gia tăng lo ngại về tác động của việc lợi suất cao hơn.
Chứng khoán Úc và Hàn Quốc sụt giảm, chứng khoán Nhật Bản mất hơn 1% khi mở cửa. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng lao dốc vào đầu phiên Á sau khi S&P 500 khép phiên thứ Tư ở mức dưới 5,300, và Nasdaq 100 ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 1/5.
TPCP Hoa Kỳ ổn định sau khi nhu cầu ảm đạm trong phiên đầu thầu 44 tỷ USD TPCP kỳ hạn 7 năm làm dấy lên lo ngại rằng việc tài trợ cho thâm hụt của Hoa Kỳ sẽ đẩy lợi suất lên cao trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang không vội cắt giảm lãi suất. Trái phiếu Úc và New Zealand cũng giảm theo xu hướng này vào đầu ngày thứ Năm.
Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm
Lợi suất TPCP Mỹ tăng cao đã thúc đẩy đồng USD, từ đó ảnh hưởng đến đồng Yên và đồng Nhân dân tệ trong tuần này. Chỉ số DXY ổn định vào thứ Năm sau khi tăng lên mức đỉnh trong hai tuần trong phiên trước đó.
Đồng yên suy yếu hơn 0.3%, khiến USD/JPY vượt mốc 157.50 vào thứ Tư, mốc được cho là chính phủ Nhật Bản đã can thiệp để tạo ra một đợt phục hồi nhanh chóng vào cuối phiên giao dịch. Đồng nhân dân tệ nội địa đã giảm xuống mức đáy kể từ tháng 11 khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chấp nhận để đồng tiền này mất giá so với đồng USD.
Các đồng tiền ở những nền kinh tế mới nổi tại châu Á, bao gồm đồng won của Hàn Quốc và đồng ringgit của Malaysia, đã tiếp tục suy yếu. Mặt khác, đồng rand của Nam Phi giảm 0.4% so với đồng USD hôm thứ Năm khi nước này bầu cử quốc hội và chính phủ mới.
Về mặt hàng hóa, dầu ổn định sau khi sụt giảm vào thứ Tư, với tâm lý chấp nhận rủi ro đã bù đắp cho căng thẳng gia tăng ở Trung Đông trước cuộc họp của OPEC+ vào Chủ nhật.
Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm đã tăng 6bps lên 4.61% vào thứ Tư. Trái phiếu châu Âu cũng sụt giảm, đẩy lợi suất lên mức đỉnh trong nhiều tháng sau khi lạm phát ở Đức tăng mạnh hơn dự kiến, làm giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất nhanh hơn.
Eric Johnston tại Cantor Fitzgerald cho biết: “Lợi suất trái phiếu tăng cao hơn chủ yếu do nguồn cung trái phiếu và tình trạng thâm hụt ngân sách lớn tiếp diễn - chứ không phải do lo ngại về lạm phát hay nền kinh tế mạnh mẽ”.
Trong cuộc khảo sát của Beige Book về các đối tác kinh doanh trong khu vực, Fed cho biết nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ “nhẹ hoặc khiêm tốn” trên hầu hết các khu vực kể từ đầu tháng 4 và người tiêu dùng đã phản đối việc tăng giá.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số quan chức Fed khác đã nhấn mạnh cần phải có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang hướng về về mục tiêu 2% trước khi cắt giảm lãi suất, vốn đang ở mức đỉnh trong hai thập kỷ kể từ tháng 7.
Về doanh nghiệp, cổ phiếu của Salesforce sụt giảm mạnh trong phiên khi triển vọng cho quý hiện tại của gã khổng lồ phần mềm này không đạt ước tính. HP báo cáo doanh thu vượt ước tính, bao gồm cả mức tăng doanh số bán PC lần đầu tiên trong hai năm. Mặt khác, tập đoàn BHP đã từ bỏ việc mua lại Anglo American.
Bloomberg