Cập nhật thị trường phiên Âu: Chứng khoán tiếp tục chịu áp lực từ biên bản họp FOMC
Tùng Trịnh
CEO
Chứng khoán Châu Âu mở cửa trong sắc đỏ, sau khi các thị trường toàn cầu phản ứng tiêu cực với nhận định từ các quan chức Fed ủng hộ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Chứng khoán châu Âu giảm trên tất cả các nhóm ngành, các chỉ số chính của khu vực này giảm mạnh nhất trong hai tuần, nsản xuất tiêu dùng, vui chơi giải trí và ngân hàng là những ngành suy yếu nhất. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 cũng tiếp tục giảm giá. Tại châu Á, chỉ số Hang Seng giảm tới 3.3%, các chỉ số ở Nhật Bản và Úc giảm hơn 1%.
Eurostoxx giảm sâu đầu phiên
Biên bản cuộc họp của Fed tháng 6 cho thấy sự phân hóa ý kiến của các quan chức về quyết định tạm dừng tăng lãi suất, các thành viên có quyền biểu quyết dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng này. Các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố vào thứ Năm và thứ Sáu để làm rõ hơn về hướng đi của chính sách.
"Sẽ rất khó khăn để Fed có thể chuyển hướng ngay lập tức," Sue Trinh, trưởng phòng chiến lược toàn cầu tại Manulife Investment Management, nói với Bloomberg Television. Các quyết định xoay trục trước đây xảy ra khi lạm phát lõi chỉ bằng khoảng một nửa so với hiện tại, điều này cho thấy chính sách có thể thắt chặt thêm nữa, bà nói. "Chúng tôi đang thận trọng hơn trong ngắn hạn."
Một loạt các báo cáo việc làm của Mỹ đang là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư. Báo cáo JOLTS dự kiến sẽ cho thấy các vị trí tuyển dụng sẽ thu hẹp, và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp được dự đoán sẽ tăng lên, đây là dấu hiệu chậm lại của thị trường lao động. Sau đó, sự chú ý chuyển sang bảng lương phi nông nghiệp, được theo dõi sát sao vào thứ Sáu.
Lợi suất Trái phiếu tăng trên tất cả các kỳ hạn. Trong đó lợi suất hai năm vốn nhạy cảm với chính sách tiền tệ tăng nhẹ lên 4.96%.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ đặt chân đến Bắc Kinh vào thứ Năm để cố gắng khắc phục mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại Trung Quốc, PBOC đã gia tăng hỗ trợ cho đồng nhân dân tệ thông qua việc nâng tỷ giá tham chiếu, một ngày sau khi tờ báo của nước này đăng bình luận cho biết Trung Quốc có đủ công cụ để ổn định đồng tiền đang suy yếu. Các nỗ lực khác để củng cố đồng nhân dân tệ bao gồm quyết định giảm lãi suất của các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, đối với số dư đô la Mỹ tại các doanh nghiệp trị giá 453 tỷ USD - đây là đợt cắt giảm lần thứ hai chỉ trong vài tuần qua.
Nhà đầu tư Trung Quốc không kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách có biện pháp kích cầu mạnh mẽ hoặc cải cách kinh tế lớn tại cuộc họp quan trọng dự kiến diễn ra vào cuối tháng này, theo Goldman Sachs.
"Kịch bản cơ sở của chúng tôi là một đợt kích cầu yếu", các chiến lược gia của Bank of America viết trong một ghi chú. "Chúng tôi tin rằng chính phủ sẽ cần phải gửi tín hiệu rõ ràng hơn để hỗ trợ nền kinh tế và các lĩnh vực tư nhân, nhằm khôi phục lại niềm tin."'
Bloomberg