Châu Âu: Thị trường chứng khoán sụt giảm trước thềm công bố dữ liệu quan trọng của Mỹ
Quế Anh
Junior Editor
Thị trường chứng khoán châu Âu đã có một phiên giao dịch ảm đạm vào thứ Năm. Nhóm cổ phiếu công nghệ và khai khoáng dẫn đầu đà giảm. Cùng lúc đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ nhằm đưa ra các dự đoán về động thái nới lỏng chính sách tiếp theo của Fed.
Chỉ số STOXX 600 của châu Âu giảm 0.2%. Trong số đó, các nhóm ngành công nghệ, khai khoáng, du lịch và giải trí ghi nhận mức sụt giảm mạnh mẽ trong phiên sáng.
Áp lực đến từ lợi suất trái phiếu châu Âu tăng vọt vào thứ Năm, điển hình là lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm chạm mức cao nhất trong vòng một tháng, khiến thị trường chứng khoán khu vực này lao đao. Các mức tăng này theo sát đà tăng của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Các chỉ số chứng khoán phố Wall đã lập đỉnh mới vào hôm thứ Tư ngay sau khi công bố biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed. Cụ thể, trong cuộc họp đó, đại đa số các quan chức ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 0.5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ cam kết nào về tốc độ cắt giảm cụ thể trong tương lai.
Theo dự báo, dữ liệu CPI tháng 9 của Mỹ sẽ tăng 0.1% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 0.2% của tháng 8. Các nhà giao dịch hiện đang định giá khả năng 85% Fed sẽ giảm lãi suất nhẹ 0.25 điểm phần trăm vào tháng tới.
Ông Stefan Koopman, chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao tại Rabobank nhận định: "Thị trường đang chờ đợi diễn biến chỉ số CPI Mỹ và đặc biệt là những gì sẽ diễn ra vào sáng thứ Bảy tại Trung Quốc".
"Nếu chỉ số CPI ghi nhận thấp hơn dự kiến, kỳ vọng cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vẫn sẽ giữ nguyên. Tôi cho rằng mức độ rủi ro đang không nhất quán so với trong báo cáo."
Chỉ số STOXX 600 đã có một tuần giao dịch biến động do sự mơ hồ về kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc Kinh. Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ công bố chi tiết kế hoạch kích thích tài khóa tại một cuộc họp báo được chờ đợi vào thứ Bảy.
Nhà đầu tư cũng sẽ chú ý đến ngân sách năm 2025 của Chính phủ Pháp, với kế hoạch tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 60 tỷ EUR nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách đang tăng cao.
Giới quan sát nhận định, thị trường sẽ theo dõi sát sao liệu ngân sách này có thể được Quốc hội thông qua mà không bị điều chỉnh quá nhiều hay không.
Koopman cho biết thêm: "Đây phải là một bản chi tiêu ngân sách tốt nhất, phù hợp nhất cho tình trạng kinh tế hiện tại. Nếu không, Pháp sẽ phải đối phó với rủi ro ngay trong sáng mai."
Về diễn biến thị trường cổ phiếu, GSK tăng vọt 5.2% sau khi tập đoàn dược phẩm Anh này đồng ý chi trả tối đa 2.2 tỷ USD để giải quyết các vụ kiện tại Mỹ liên quan đến cáo buộc thuốc điều trị trào ngược dạ dày Zantac gây ung thư. Con số này thấp hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia phân tích.
Cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ tư Italy BPER tăng 7.6%, chạm mức cao nhất trong 9 năm sau khi công bố kế hoạch kinh doanh mới giai đoạn 2024-2027.
Reuters