Chiến lược mới của Mỹ: Gọng kìm siết chặt ngành công nghệ Trung Quốc
Quỳnh Chi
Junior Editor
Mỹ tung đòn mới nhắm vào tham vọng phát triển AI trong quân sự của Trung Quốc
Trong nỗ lực cuối nhiệm kỳ, chính quyền Biden vừa triển khai chiến lược mới nhằm kiềm chế tiến trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc. Đây là một phần trong chuỗi biện pháp siết chặt xuất khẩu công nghệ mới nhất của Washington, với mục tiêu kép là hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến và làm chậm tham vọng phát triển AI quốc phòng của Bắc Kinh.
Các quy định kiểm soát mới sẽ tác động sâu rộng đến toàn bộ chuỗi cung ứng công nghệ. Không chỉ các doanh nghiệp Mỹ, mà cả những công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ trong quy trình sản xuất chip đều sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể. Đặc biệt, Washington còn quyết định chặn hoàn toàn việc xuất khẩu bộ nhớ băng thông cao (HBM) - một thành phần không thể thiếu trong phát triển chip AI - sang thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đánh giá cao tính đột phá và toàn diện của gói kiểm soát mới, vốn là bước tiếp nối sau hai đợt siết chặt quy mô lớn đã được triển khai vào tháng 10/2022 và tháng 10/2023. "Đây là những biện pháp cứng rắn nhất mà Mỹ từng áp dụng", bà nhấn mạnh, "nhằm vô hiệu hóa khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc - công nghệ đang được nước này tận dụng để hiện đại hóa quân đội."
Trong động thái mới nhất được công bố vào thứ Hai, Bộ Thương mại đã bổ sung 140 tổ chức Trung Quốc vào một danh sách, cũng chính là cơ chế kiểm soát đặc biệt yêu cầu mọi giao dịch xuất khẩu với các đơn vị này phải được cấp phép riêng, với xác suất được chấp thuận gần như bằng không.
Đối tượng bị nhắm đến bao gồm các đại gia sản xuất chip như Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) và Huawei, cùng nhiều công ty Trung Quốc chuyên sản xuất thiết bị chế tạo chip.
Meghan Harris, chuyên gia kiểm soát xuất khẩu tại công ty tư vấn Beacon Global Strategies, nhận định việc nhắm vào ngành công nghiệp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc sẽ tác động đến một mảng mà chính quyền Biden đã đánh giá quá thấp.
"Nỗ lực cản trở ngành bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc mà không xử lý được năng lực sản xuất thiết bị trong nước đang tăng tốc của họ, cũng giống như việc ngăn một ngư dân đánh bắt cá lớn bằng cách chỉ tịch thu cần câu. Cuối cùng họ vẫn sẽ tìm ra cách", Harris so sánh.
Quy định mới hạn chế xuất khẩu 24 loại thiết bị sản xuất chip chưa từng bị nhắm đến. Để tăng hiệu lực thực thi, trong nhiều trường hợp Washington sẽ áp dụng biện pháp ngoài lãnh thổ thông qua quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR), nhằm vào các công ty nước ngoài sử dụng chip Mỹ trong thiết bị - chiếm tỷ trọng áp đảo.
Theo nguồn tin thân cận, Mỹ đã tạo ngoại lệ FDPR cho Nhật Bản và một số đồng minh châu Âu, trong đó có Hà Lan, sau khi các nước này đồng thuận áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu riêng. Hàn Quốc chưa được hưởng ngoại lệ nhưng có thể sẽ được xem xét trong tương lai.
Theo một quan chức Mỹ, FDPR sẽ gây khó khăn cho các tập đoàn nước này trong việc né tránh quy định kiểm soát hiện hành bằng cách dịch chuyển sản xuất thiết bị sang các quốc gia như Singapore và Malaysia để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong báo cáo mới đây, Gregory Allen, chuyên gia AI của CSIS, cho hay ba "đại gia" sản xuất thiết bị Mỹ - Applied Materials, KLA và Lam Research - đã "tăng tốc mạnh mẽ" kế hoạch mở rộng sản xuất ra nước ngoài.
Một số nhà phê bình ngầm chất vấn về quyết định của chính quyền khi không đưa thêm nhiều cơ sở sản xuất chip của Huawei vào danh sách đen. Trước câu hỏi về số lượng nhà máy chưa bị liệt kê, một quan chức Mỹ khác chỉ khẳng định ngắn gọn rằng các biện pháp kiểm soát đang tập trung vào sản xuất chip tiên tiến.
Theo nguồn tin thân cận, đã có những tranh luận nảy lửa trong nội bộ chính quyền về chiến lược đối phó với Huawei. Một nguồn tin tiết lộ rằng nhiều nhà máy của Huawei vẫn chưa vận hành, khiến việc xác định mục đích sản xuất chip tiên tiến còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, một số quan chức vẫn thúc đẩy mạnh mẽ việc siết chặt kiểm soát đối với gã khổng lồ công nghệ Thâm Quyến này.
Ngoài các thỏa hiệp giữa các cơ quan, Washington cũng chọn cách tiếp cận mềm mỏi hơn ở một số mặt để đổi lấy sự ủng hộ từ đồng minh trong việc kiểm soát chip.
Cũng xuất hiện những thắc mắc về việc chính quyền không đưa CXMT - nhà sản xuất HBM Trung Quốc - vào danh sách đen. Dù một số quan chức đã thúc đẩy động thái này, một nguồn tin cho hay các biện pháp hạn chế hiện tại cũng sẽ tác động phần nào đến năng lực sản xuất HBM của họ.
Allen chỉ ra "nghịch lý kỳ lạ" trong trọng tâm của các biện pháp kiểm soát mới. Ông lấy ví dụ, một mặt chính quyền đang mở rộng mạnh mẽ phạm vi FDPR để kiểm soát gần như toàn bộ thiết bị sản xuất chip toàn cầu, nhưng mặt khác lại chỉ nhắm đến một số công ty vỏ bọc của Huawei và SMIC.
"Liệu có ý nghĩa gì khi ngăn chặn việc bán HBM và chip AI cho Trung Quốc trong khi vẫn cho phép CXMT - một trong những nhà sản xuất HBM đầy tiềm năng của họ - tiếp cận thiết bị?" ông đặt vấn đề.
Một số nhà phân tích kín đáo tiết lộ rằng các "ông lớn" sản xuất thiết bị Mỹ đã vận động hành lang thành công để các biện pháp kiểm soát mới không quá nghiêm ngặt.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của cả ba công ty đều bứt phá trong phiên thứ Hai, vượt xa mức tăng 0.2% của chỉ số S&P 500 - vốn vừa thiết lập đỉnh lịch sử mới. Tại New York, Lam Research tăng vọt 6.3%, dẫn đầu S&P 500 chỉ sau một cổ phiếu, trong khi Applied Materials và KLA lần lượt tăng 4.9% và 2.9%.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã gay gắt phản đối động thái này, tuyên bố Bắc Kinh sẽ có "biện pháp đáp trả mạnh mẽ". Phía Trung Quốc cáo buộc Washington "lợi dụng danh nghĩa an ninh quốc gia, lạm dụng kiểm soát xuất khẩu và có chủ đích ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc".
Một chuyên gia phân tích ngành nhận xét các quy định mới phức tạp đến mức ngay cả giới chuyên gia cũng phải đau đầu. "Đây quả là món quà Giáng sinh dành cho các chuyên gia và luật sư," ông nói một cách hài hước.
Financial Times