Chính phủ New Zealand giảm thuế, cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống
Quỳnh Chi
Junior Editor
Ngày thứ Năm, chính phủ New Zealand đã mô tả bức tranh của một nền kinh tế suy yếu, thất nghiệp gia tăng và thâm hụt trong bảng cân đối kế toán khi áp dụng các biện pháp giảm thuế nhẹ nhưng cắt giảm chi tiêu mới và đối mặt với chỉ trích vì bỏ bê người dân bản địa của đất nước.
"Ngân sách này sẽ không tự giải quyết được tất cả thách thức kinh tế của New Zealand, mặc dù còn nhiều việc phải làm, ngân sách vẫn cho thấy những gì có thể làm được nếu cẩn trọng và kỷ luật," Bộ trưởng Tài chính Nicola Willis phát biểu trong bản dự thảo ngân sách đầu tiên.
Kể từ khi được bầu cử vào tháng 10 năm ngoái, liên minh trung hữu đã đối mặt với tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ khi New Zealand hiện đang trong tình trạng suy thoái kỹ thuật và lạm phát trong nước vẫn ở mức cao.
Đảng Quốc gia của Thủ tướng Christopher Luxon đã hứa sẽ giảm gánh nặng tài chính cho người dân trung lưu đang phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao, lãi suất thế chấp cao và giá thuê nhà kỷ lục.
Những thay đổi về ngưỡng thuế thu nhập cá nhân và tín dụng thuế sẽ đem lại khoản tăng 3.7 tỷ đô la New Zealand cho những người có thu nhập thấp và trung bình.
"Ngay cả khi thu nhập khó theo kịp lạm phát, người dân New Zealand buộc phải đóng thuế cao hơn" Luxon tuyên bố. Người biểu tình Christina Taurua cho rằng các chính sách mới của Chính phủ đã làm giảm quyền kinh tế và chính trị của người Maori.
"Chúng tôi có mặt tại đây để lên tiếng và ủng hộ những người đang cùng nhau nỗ lực làm điều đúng đắn, không chỉ cho người Maori chúng tôi mà cho tất cả người dân New Zealand,".
Willis bác bỏ chỉ trích cho rằng ngân sách đã cắt giảm nhiều hơn cho các chương trình mang lại lợi ích cho người Maori và khẳng định các sáng kiến mới sẽ có lợi cho tất cả người dân New Zealand.
Ngân sách này đã cắt giảm chi tiêu mới và đề ra các khoản tiết kiệm lớn trong lĩnh vực nhà ở, giáo dục đại học, bảo tồn và môi trường cùng với việc cắt giảm nhỏ hơn ở nhiều cơ quan, dành 2.68 tỷ đô la New Zealand cho đường bộ, đường sắt và giao thông công cộng, và 2.1 tỷ đô la cho an ninh trật tự.
Chris Hipkins, lãnh đạo Đảng Lao động, cho rằng ngân sách không đem lại nhiều chi tiêu vốn quan trọng trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
"Tại New Zealand, chúng ta cùng nhau vì lợi ích của đa số, chứ không phải của một số ít. Bản ngân sách này không theo tinh thần đó," Hipkins tuyên bố.
Chính phủ dự báo ngân sách thâm hụt 11.07 tỷ đô la New Zealand hoặc 2.7% GDP trong năm tài chính 2023/24 và dự kiến sẽ trở lại thặng dư vào năm 2027-28, muộn hơn một năm so với dự báo hồi tháng 12.
Martin Foo, một nhà phân tích của S&P Global Ratings cho biết nợ công không phải là một ràng buộc đáng kể đối với xếp hạng tín dụng quốc gia của New Zealand và ông dự kiến nợ chính phủ ròng sẽ ổn định quanh mức 35% GDP, cao hơn một vài điểm phần trăm so với kỳ vọng trước đó.
Chính phủ nhấn mạnh việc cắt giảm chi tiêu mới sẽ giúp kiềm chế lạm phát, hiện đang ở mức 4.0% và cao hơn mục tiêu từ 1% đến 3% của Ngân hàng Trung ương.
Zoe Wallis, chuyên gia chiến lược đầu tư tại Forsyth Barry, cho biết tác động tổng thể của chính sách tài khóa vẫn thu hẹp, mặc dù ở mức thấp hơn so với dự báo trong báo cáo cập nhật tháng 12.
"Đây sẽ là một thách thức khó khăn để các con số diễn ra đúng như dự kiến, và rủi ro suy giảm là khá lớn, có thể xuất phát từ sự suy yếu kinh tế, năng suất thấp hơn hoặc không đạt được mức tiết kiệm dự kiến," bà nói.
Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế sẽ suy giảm trong nửa đầu năm trước khi tăng trưởng trở lại trong nửa sau, và dự kiến lạm phát sẽ quay trở lại trong phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương vào quý III năm nay.
Reuters