Chính sách Trump đẩy vàng khỏi "ngai vàng: tài sản trú ẩn an toàn
Quỳnh Chi
Junior Editor
Kim loại quý đã trải qua một năm bứt phá, lập đỉnh lịch sử mới tại 2,790 USD/ounce với mức tăng trưởng ấn tượng trên 40% so với đáy tháng 2. Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia phân tích, động lực tăng trung hạn đã suy yếu đáng kể và có thể cần thời gian chờ đợi các xúc tác vĩ mô mới kích hoạt lại đà tăng.
"Kể từ báo cáo gần nhất của chúng tôi [22/10], cặp XAU/USD đã vận động đúng như kỳ vọng và thiết lập mức đỉnh nội phiên cao nhất mọi thời đại 2,790 USD vào 30/10," Kelvin Wong, Chuyên gia Phân tích Thị trường Cấp cao của OANDA nhận định. "Tuy nhiên, đà tăng đã chững lại trước vùng kháng cự trung hạn trọng yếu 2,850 - 2,886 USD."
Wong chỉ ra rằng bên cạnh làn sóng "Trump trade" - vốn thúc đẩy dòng tiền đổ mạnh vào các tài sản rủi ro trong khi vàng suy yếu, "sự phục hồi của đồng USD và đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm" cũng đang tạo áp lực đáng kể lên đà tăng của kim loại quý.
"Sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6/11, tâm điểm thị trường vẫn tập trung vào chiến lược Trump trade, kích hoạt đợt tăng mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt và mới nổi," Wong phân tích. "Chỉ số DXY break-out vùng kháng cự quan trọng 105.50 - 106.37 và thiết lập đỉnh năm mới vào thứ Tư, 13/11."
Tính đến nay, USD đã tăng tổng cộng 7% so với mức đáy thiết lập 27/9 và trong phiên thứ Năm đã chạm mốc 106.96, theo ghi nhận của chuyên gia này.
"Sức mạnh bền vững của đồng USD thời gian gần đây chủ yếu đến từ đà tăng dựng đứng của lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm, bất chấp Fed mới khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 9," Wong lưu ý.
Trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia phân tích chỉ ra rằng sức mạnh kép từ đồng USD và đà tăng của lợi suất trái phiếu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tạo áp lực đáng kể lên nhu cầu nắm giữ vàng trong ngắn hạn. Diễn biến này càng trở nên đáng quan ngại khi xét đến hai yếu tố vừa xuất hiện: báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) mới công bố cao hơn dự kiến và đặc biệt là tuyên bố từ Thống đốc Fed Adriana Kugler về việc có thể tạm hoãn lộ trình cắt giảm lãi suất. Những tín hiệu này có thể khiến kim loại quý mất dần sức hấp dẫn trước các kênh đầu tư thay thế đang mang lại lợi suất ngày càng hấp dẫn.
"Hiện nay, các nhà đầu tư trái phiếu đang bắt đầu điều chỉnh định giá dựa trên kịch bản chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và với cường độ hạn chế - nhiều khả năng chỉ thực hiện một đến hai đợt cắt giảm trong năm 2025. Nhận định này bắt nguồn từ những lo ngại ngày càng tăng về khả năng lạm phát quay trở lại, được kích hoạt bởi loạt đề xuất chính sách từ phía Trump - bao gồm kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp quy mô lớn cùng với việc áp đặt các biện pháp thuế quan mạnh tay đối với hàng hóa nhập khẩu không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ nhiều quốc gia khác vào thị trường Mỹ," vị chuyên gia này phân tích chi tiết.
"Diễn biến trên thị trường trái phiếu đang cho thấy những tín hiệu đáng chú ý khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã ghi nhận mức tăng 85 điểm cơ bản kể từ đáy thiết lập vào 17/9. Hiện tại, chỉ số này đang thể hiện những dấu hiệu sẵn sàng cho một đợt bứt phá kỹ thuật quan trọng vượt ngưỡng tâm lý 4.49%, với khả năng hướng đến vùng kháng cự then chốt tiếp theo tại 5.20%," ông nhận định thêm.
Wong đưa ra cảnh báo rằng nếu kịch bản tăng lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm này trở thành hiện thực, "tâm điểm chú ý của giới đầu tư có thể nhanh chóng chuyển hướng sang đánh giá những ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn đối với thị trường vàng. Cụ thể, sự kết hợp giữa đồng USD mạnh và đà leo thang của lợi suất trái phiếu sẽ tạo áp lực kép, đẩy cao chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý - vốn là một tài sản không sinh lời định kỳ."
"Nhìn trong dài hạn, vàng vẫn được định vị như một công cụ phòng hộ và tài sản trú ẩn an toàn có giá trị - đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về khả năng thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ có thể mở rộng đáng kể dưới tác động của chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp 'không giới hạn' từ phía Trump. Diễn biến này có thể làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của thị trường vào nhu cầu trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, những yếu tố nền tảng này đang tạm thời bị che khuất bởi các động thái ngắn hạn," chuyên gia phân tích bổ sung.
Tổng hợp các yếu tố trên, Wong kết luận: "Việc giá vàng break-down ngưỡng hỗ trợ trọng yếu 2,590 USD là tín hiệu cho thấy áp lực điều chỉnh có thể còn tiếp diễn."
"Kim loại quý đã có phiên bứt phá giảm dứt khoát xuống dưới vùng hỗ trợ trung hạn quan trọng 2,600 - 2,590 USD vào thứ Tư, 13/11," chuyên gia này nhận định. "Trước đó, trong phiên đầu tuần (thứ Hai, 11/11), giá đã break-down đường SMA 50 - ngưỡng hỗ trợ đã neo giữ diễn biến giá suốt 4 tháng kể từ 3/7. Những tín hiệu kỹ thuật này đang phản ánh rõ nét sự suy yếu đáng kể trong động lực tăng giá trung hạn của kim loại quý."
Phân tích về khả năng điều chỉnh sâu hơn, Wong vạch ra kịch bản: "Vùng hỗ trợ tiếp theo cần theo dõi nằm tại 2,484 - 2,415 USD (trùng với đường SMA 200 - một ngưỡng kỹ thuật quan trọng). Tuy nhiên, chỉ khi giá đóng cửa tuần break-down dứt khoát dưới ngưỡng hỗ trợ dài hạn then chốt 2,285 USD thì mới có thể đe dọa xu hướng tăng chủ đạo của vàng - vốn đã được thiết lập từ đáy tháng 10/2022."
Về triển vọng hồi phục, ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của "ngưỡng kháng cự trung hạn 2,664 USD". Theo đó, nếu vàng có thể chinh phục thành công mốc này, đây sẽ là "chất xúc tác cho làn sóng mua mới, mở đường cho một chuỗi tăng điểm đầy động lực, với mục tiêu đầu tiên là thử thách vùng kháng cự 2,850 - 2,886 USD."
Tại thời điểm báo cáo, giá vàng giao ngay đang giao dịch tại 2,571.60 USD, đi ngang so với phiên liền trước.
Kitco