Choáng ngợp với "biệt thự trên không" dành riêng cho giới siêu giàu
Dũng Phùng
FX Strategist
Khoang hạng nhất trên máy bay ngày càng giống phòng khách sạn mini, với ghế sofa, giường đôi, tivi, bàn làm việc, tủ quần áo, minibar và phòng tắm vòi sen. Thậm chí hành khách có thể đặt cả đầu bếp.
Các hãng hàng không sẵn sàng dốc túi cho khoản đầu tư này, bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại và chi phí sinh hoạt bị siết chặt. Họ đặt cược rằng nhiều người sẵn sàng vung tiền để trải nghiệm một chuyến bay xa xỉ sau một thời gian dài cấm bay do Covid.
Giám đốc điều hành Deutsche Lufthansa AG, Carsten Spohr cho biết : “Khách du lịch tiếp tục đặt các chuyến bay hạng thương gia hoặc thậm chí hạng nhất. Năm nay là năm đầu tiên tất cả các phòng ban trong công ty nói với tôi rằng chúng ta phải cải tiến khoang hạng nhất"
Hãng hàng không Đức đang đầu tư 2.7 tỷ đô la trong hai năm để cải tiến máy bay đường dài của mình theo một chương trình có tên là Lufthansa Allegris. Qantas Airways cũng đang giới thiệu khoang hạng nhất mới sang trọng, một thứ được mô tả là "nằm ngoài tầm với của người thường" và "ai cũng phải ngoái nhìn khi đi qua"
Tại sao lại là bây giờ?
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính rằng các hãng hàng không đã thiệt hại khoảng 200 tỷ đô la trong ba năm qua khi bị Covid tàn phá chưa từng có. Họ rất cần phục hồi, và khoang hạng nhất đã trở thành một mỏ vàng tiềm năng. Theo IATA, du lịch cao cấp, bao gồm cả hạng thương gia, đã quay trở lại mức 86% của năm 2019, trong khi tổng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, bao gồm cả hạng phổ thông, ở mức 81%.
Ngay cả khi giá vé hạng nhất cao hơn gấp 10 lần so với hạng phổ thông tiêu chuẩn, nhu cầu vẫn có - đây cũng là cơ hội hiếm có để sử dụng hết số dặm tích lũy trên thẻ tín dụng trong thời kỳ đại dịch.
David Mann, kinh tế trưởng châu Á tại Mastercard cho biết : “Vẫn còn một lượng lớn tiền tiết kiệm dư thừa, người dân vẫn sẵn sàng và đủ khả năng chi tiêu, điều này lý giải vì sao các hãng hàng không lại làm thế"
Cathay Pacific Airways cũng đang lên kế hoạch nâng cấp khoang hạng nhất. Hiện nay nhu cầu đối với các hạng vé cao cấp nhất trên các chuyến bay Hong Kong-London của hãng đang rất lớn. Theo trang web của hãng hàng không, mỗi cabin của hạng này chứa “một trong những chiếc giường rộng nhất trên bầu trời”, cùng nhiều loại gối và nước hoa.
Tất nhiên, hành khách ở khoang hạng nhất cũng được sử dụng những phòng chờ tốt nhất của sân bay. Cả đồ ngủ nữa.
Ghế ngồi biến thành phòng kín
Qantas và Lufthansa đều đã ra mắt các cabin hạng nhất kiểu dáng mới có cửa đóng hoàn toàn, các công ty tiên phong như Singapore Airlines, Emirates và Etihad Airways đang chuyển đổi các hàng ghế thành dãy phòng.
Ghế ngồi trong các phòng mới của Lufthansa có thể được sưởi ấm hoặc làm mát, đồng thời còn có tủ quần áo để chứa thêm đồ. Tại trung tâm Frankfurt của hãng, một trợ lý cá nhân luôn sẵn sàng chào đón những khách hàng hạng nhất và lo liệu tất cả “các thủ tục du lịch một cách nhanh chóng và kín đáo”, hãng hàng không Đức cho biết.
Daniel Baron, giám đốc điều hành của Lift Aero Design có trụ sở tại Tokyo, cho biết: “Áp lực bắt kịp thời đại có thể là lý do cho khoản đầu tư lớn như vậy", khi nói về việc các hãng hàng không đổ tiền vào cạnh tranh nâng cấp khoang hạng nhất.
Phân khúc khách hàng "vung tiền qua cửa sổ"
Một chuyến khứ hồi Sydney-Los Angeles bằng khoang hạng nhất của Qantas có giá gần 18,000 đô la, trong khi tuyến Frankfurt-Tokyo của hãng Lufthansa có giá khoảng 15,000 đô la. Con số đó vẫn thấp hơn đáng kể so với những gì một số khách du lịch siêu giàu bỏ ra để mua máy bay riêng, một phân khúc từng tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch khi những đại gia này tìm cách tránh đám đông và các hạn chế liên quan đến vi-rút.
Melanie Lieberman, biên tập viên quản lý tại trang web du lịch The Points Guy cho biết: “Ngành hàng không đang đáp ứng nhu cầu đó. Khoang hạng nhất là một nơi rất an toàn, đáng tin cậy, nơi mọi người sẵn sàng trả tiền để có không gian, sự riêng tư và độc quyền, ngay cả trong thời kỳ suy thoái, kinh tế khó khăn”.
Sang trọng hơn nữa
Những chiếc Boeing 787 và Airbus A350 mới nhất của Lufthansa sẽ có hai dãy phòng đơn ở khoang hạng nhất và một dãy phòng đôi có tên Suite Plus có thể chứa một vài người. Những phòng này có tường cao đến trần và có cửa đóng được, sẽ được ra mắt vào năm 2024.
Jens Ritter, giám đốc điều hành cấp cao của Lufthansa cho biết tại buổi ra mắt sản phẩm ở Berlin vào tháng 2, căn hộ “tạo cảm giác riêng tư và cá tính tương tự như phòng khách sạn, chỉ nó sẽ thường xuyên ở độ cao 11 km”. Hạng thương gia của Lufthansa cũng sẽ có các dãy phòng với tường cao ngang ngực và cửa trượt.
Trong khi đó, khoang hạng nhất của Qantas có diện tích đủ cho 14 hành khách trên những chiếc siêu máy bay A380. Những chiếc A350 mới hơn, nhỏ hơn của hãng có thể chứa sáu phòng. Các cabin cá nhân hiện có ghế bành và giường phẳng 212 cm (83 inch) với đệm mút hoạt tính, chăn bông, chăn lông vũ và một danh sách các loại gối.
Các cabin được thiết kế để có thể chứa hai người trong trường hợp du khách muốn ăn cùng nhau.
Một suite hạng nhất tiêu chuẩn trên những chiếc A380 của Singapore Air bay, đứng đầu bảng xếp hạng Skytrax cho phân khúc này, có diện tích khoảng 5m vuông, gần bằng một phần ba diện tích của một căn hộ trung bình ở Hồng Kông .
Kế tiếp
Lufthansa và Qantas là 2 hãng hàng không đầu tiên tiết lộ chi tiết về kế hoạch của họ đối với khoang hạng nhất trên các máy bay đường dài, và có khả năng sẽ được sử dụng trên nhiều tuyến hơn.
Những công ty khác tham gia vào cuộc đua bao gồm Air France và Japan Airlines. Hãng hàng không Pháp cho biết họ sẽ cung cấp “dãy phòng dài nhất trên thị trường” với năm cửa sổ, một ghế ngồi, giường và ghế sofa. Qatar Airways cũng chuẩn bị tân trang lại khoang hạng nhất trên những chiếc Boeing 777-9.
Bloomberg