Chứng khoán châu Á trái chiều, nối tiếp sự e dè trong phiên Mỹ
Đức Nguyễn
FX Strategist
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều vào thứ Sáu sau khi thị trường Mỹ điều chỉnh sau loạt báo cáo gây thất vọng của các công ty công nghệ và dữ liệu tiếp tục phản ánh sức mạnh thị trường lao động .
Các chỉ số chứng khoán châu Á đang rất trái chiều, với cổ phiếu tại Hồng Kông tăng, nhưng giảm tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương giảm ngày thứ năm liên tiếp trong khi các HĐTL các chỉ số chứng khoán Mỹ giao dịch trong biên độ hẹp, sau khi chỉ số Nasdaq 100 có phiên giảm mạnh nhất trong gần 5 tháng.
Sự suy yếu của chứng khoán Mỹ có vẻ là pha điều chỉnh cần thiết trong pha hồi mạnh mẽ của năm nay, với S&P 500 tăng 18% và Nasdaq 100 tăng 41%, bất chấp triển vọng kinh tế không mấy vững chắc trong chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ của Fed.
Tại Trung Quốc, giới đầu tư sẽ tiếp tục chờ đợi các biện pháp hỗ trợ của chính phủ.
“Các biện pháp kích thích bổ sung có thể được thông qua sau cuộc họp của Bộ Chính trị (28-30/7), nhưng quy mô và các lĩnh vực mục tiêu vẫn chưa được xác nhận,” các chiến lược gia của Morgan Stanley, gồm Laura Wang, cho biết trong một ghi chú.
Tuy nhiên, với việc cân nhắc các lựa chọn một cách thận trọng và cân bằng hơn có thể dẫn đến việc ra quyết định và thực hiện hành động lâu hơn, “chúng tôi dự báo thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm tiếp trong 1 hoặc 2 quý nữa,” họ nói.
CNH chưa biến động mạnh sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục thiết lập tham chiếu CNY mạnh hơn ước tính. CNH đã tăng vọt vào thứ Năm sau khi ngân hàng trung ương tăng cường hỗ trợ.
Abhilash Narayan, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Standard Chartered Wealth Management, cho biết: “Một khi quan điểm của chúng tôi về sự phục hồi của Trung Quốc hiện thực hóa, CNH sẽ tăng. Chúng tôi dự báo USDCNH sẽ giảm xuống 7.00/08 trong khoảng thời gian 12 tháng.”
USD và lợi suất trái phiếu Mỹ chưa có nhiều biến động đầu phiên Á. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm đã khiến thị trường nâng định giá khả năng Fed tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 7, hỗ trợ USD và lợi suất tăng vào thứ Năm.
JPY chưa có nhiều thay đổi sau khi Nhật Bản ghi nhận lạm phát cao hơn dự báo. Dữ liệu mới nhất sẽ là một thách thức đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong cuộc họp tuần tới khi Thống đốc Kazuo Ueda tiếp tục ủng hộ lập trường kích thích tiền tệ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Úc tăng trên diện rộng đầu phiên hôm nay.
Chỉ số hàng hóa Bloomberg đang hương tới tuần tăng thứ ba liên tiếp, sau khi giá lúa mì tăng sau căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen. Giá khí đốt tự nhiên tại châu u và Mỹ đang tăng gần 10% trong tuần này do nhiệt độ cao làm tăng nhu cầu điện điều hòa. Dầu cũng hướng tới tuần tăng thứ tư liên tiếp trong khi vàng đã giảm từ đỉnh hai tháng do USD hồi phục.
Theo Lewis Grant, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Federated Hermes, “chỉ trong 24 giờ qua, người ta đã bàn tán về tình trạng xung đột ở Ukraine xấu đi, sự suy thoái ở Trung Quốc và các ngân hàng lớn của Mỹ đang phải đối mặt với những tổn thất đáng kể về bất động sản. Mỗi mối đe dọa này, cùng với những ẩn số không thể đếm được, đều có khả năng ngăn tâm lý phục hồi.”
Một số biến động chính trên thị trường:
Cổ phiếu
- HĐTL S&P 500 tăng 0.1%. S&P 500 giảm 0.7%
- HĐTL Nasdaq 100 tăng 0.07%. Nasdaq 100 giảm 2.3%
- Chỉ số Topix của Nhật Bản tăng 0.16%
- Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0.4%
- Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1.1%
- Chỉ số Shanghai Composite tăng 0.2%
- HĐTL Euro Stoxx 50 giảm 0.3%
FX
- Chỉ số USD Bloomberg chưa có nhiều thay đổi
- EURUSD đi ngang tại 1.1138
- USDJPY tăng nhẹ lên 140.24
- USDCNH chưa có nhiều thay đổi quanh mức 7.1716
- AUDUSD giảm nhẹ xuống 0.6774
Crypto
- Bitcoin tăng 0.5% lên $29,939
- Ether tăng 0.5% lên $1,900.69
Trái phiếu
- Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm chưa có nhiều biến động ở mức 3.85%
- Lợi suất trái phiếu Nhật 10 tăng 2bp lên 0.475%
Bloomberg