Chứng khoán châu Á trái chiều trước thềm báo cáo NFP
Đinh Nguyễn Trường Giang
Junior Analyst
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều sau khi thị trường Mỹ giảm điểm, sự tập trung đổ dồn vào báo cáo việc làm hôm nay để theo dõi hành động từ Fed.
Chứng khoán Nhật Bản giảm, trong khi ở Úc tăng nhẹ và Hồng Kông tăng. Cả S&P 500 và Nasdaq 100 đều giảm ngày thứ 3 liên tiếp, hướng tới tuần tồi tệ nhất kể từ giữa tháng Ba; HĐTL các chỉ số tại Mỹ hiện tăng nhẹ.
Sau giờ giao dịch chính, Amazon tăng hơn 10% nhờ dự báo doanh thu tích cực, trong khi Apple báo cáo doanh số bán hàng iPhone không đạt kỳ vọng.
Lợi suất trái phiếu dài hạn tăng đang đưa thị trường tới tuần tồi tệ nhất năm 2023 do dấu hiệu về sức mạnh kinh tế không mong đợi và lo ngại về thâm hụt ngân sách mở rộng.
Trái phiếu Úc và New Zealand tăng vào thứ Sáu, với lợi suất 10 năm tăng ít nhất năm điểm cơ bản. Chỉ số USD Bloomberg giảm nhẹ sau khi tăng hơn 1% trong tuần.
Một báo cáo vào thứ Năm đã nhấn mạnh nhu cầu lao động mạnh mẽ của Hoa Kỳ, trong khi số liệu khác cho thấy năng suất tăng mạnh nhất kể từ năm 2020, làm giảm chi phí lao động.
Những con số này được công bố trước dữ liệu việc làm của chính phủ - dự kiến sẽ cho thấy Hoa Kỳ có thêm 200.000 việc làm trong tháng 7. Mặc dù đó là mức tăng thấp nhất từ cuối năm 2020, báo cáo vẫn sẽ ở mức cao trong lịch sử.
"Thông tin tích cực là hầu hết mọi người đều đồng ý rằng khả năng suy thoái sắp tới khó xảy ra," Ed Yardeni, người sáng lập của công ty nghiên cứu mang tên ông, cho biết. "Điều đó giảm bớt lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp, nhưng lại tăng rủi ro chứng khoán giảm nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng lên."
Bill Ackman, người sáng lập Pershing Square Capital Management, cho biết ông đang short trái phiếu kỳ hạn 30 năm để phòng hộ lãi suất dài hạn cao đối với cổ phiếu. Bill Gross, người từng được gọi là vua trái phiếu, cho biết ông bearish với lợi suất 10 năm, trong khi Warren Buffett cho biết ông đã mua tín phiếu chính phủ và sẽ tiếp tục mua thêm. CEO Tesla Elon Musk, cho biết tín phiếu Mỹ ngắn hạn "là một cơ hội không thể bỏ qua."
Báo cáo việc làm
Một cuộc khảo sát do 22V Research thực hiện cho thấy các nhà đầu tư mong đợi con số việc làm của thứ Sáu sẽ cho thấy thị trường mạnh mẽ và lạm phát tiền lương giảm.
Khoảng 65% người tham gia khảo sát kỳ vọng số việc làm sẽ lớn hơn so với dự báo chung. Trong khi đó, 55% dự kiến mức lương theo giờ trung bình sẽ thấp hơn so với dự báo - điều giải thích vì sao họ cũng dự kiến phản ứng của thị trường chứng khoán sẽ không mạnh, theo ghi nhận của công ty này.
Đường cong lợi suất dốc lên
Trong khi đó, những nhà giao dịch quyền chọn chịu phí rất cao để phòng hộ trước khả năng lợi suất dài hạn tăng. Một chỉ số so sánh nhu cầu quyền chọn bán và quyền chọn mua cho thấy sự chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 9 đối với quyền chọn HĐTL trái phiếu chính phủ Mỹ của CME, theo dõi trái phiếu đáo hạn năm 2039. Chênh lệch với trái phiếu kỳ hạn ngắn không quá cực đoan.
Đường cong lợi suất tiếp tục dốc lên kể từ khi BOJ bất ngờ điều chỉnh chính sách tuần trước. Lợi suất 2 năm tăng lên 4.88%, cao hơn 71 điểm cơ bản so với lợi suất 10 năm.
"Tôi vẫn đề phòng với rủi ro kỳ hạn và vẫn ưa chuộng trái phiếu kỳ hạn ngắn," Peter Boockvar, tác giả của Báo cáo Boock, cho biết. "Bong bóng trái phiếu chính phủ này vẫn lớn dần và vấn đề bây giờ là lợi suất cao hơn làm tăng chi phí nợ, không chỉ tại Mỹ."
Ngoài ra, giá dầu đã tăng sau khi Ả Rập Saudi kéo dài cắt giảm sản lượng đơn phương thêm một tháng và cho biết có thể cắt giảm sâu hơn, khiến giá tăng tuần thứ 6 liên tiếp và gia tăng áp lực lạm phát.
Bloomberg