Chứng khoán châu Âu ổn định nhờ diễn biến ngoại giao tại Trung Đông
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Chứng khoán châu Âu đi ngang khi các nhà giao dịch theo dõi các nỗ lực ngoại giao của Mỹ và các đồng minh nhằm ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột Israel-Hamas.
Chỉ số Stoxx Europe 600 đi ngang, với cổ phiếu khai thác và năng lượng dẫn đầu đà tăng. Nhóm ngành tiện ích giảm và cổ phiếu công nghệ lao dốc sau tin Mỹ đang xem xét hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc.
Chứng khoán Ba Lan tăng hơn 4%, dẫn đầu là nhóm ngân hàng, với phe đối lập chiếm thế đa số sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 15/10, là một bước ngoặt sẽ khiến Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) không thể giành được nhiệm kỳ thứ ba và đưa đất nước trở lại với Liên minh châu Âu.
Cổ phiếu của Ocado Group giảm sau khi bị Barclays hạ xếp hạng, cho biết họ nhận thấy rủi ro đối với việc đạt được mục tiêu trung hạn. Trong khi đó, cổ phiếu của Atos SE tăng vọt sau thông báo chủ tịch Bertrand Meunier sẽ từ chức và lùi ngày kết thúc dự kiến của thỏa thuận bán cho tỷ phú Daniel Kretinsky.
Dan Boardman-Weston, CEO kiêm giám đốc đầu tư tại BRI Wealth Management, cho biết thị trường đang định giá “khá nhanh” những gì đang diễn ra ở Trung Đông trong tuần qua.
Ông nói thêm: “Sẽ rất thú vị khi xem xét thời điểm cuộc tấn công xảy ra ở Israel và liệu điều đó có gây ra phản ứng từ Hezbollah hay không và liệu các thị trường có phải tính đến rủi ro đó và định giá nhiều hơn một chút hay không”.
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã làm tăng thêm rủi ro đáng kể cho triển vọng kinh tế vốn đã mong manh. Nỗi lo lạm phát vẫn tồn tại khi giá dầu Brent giao dịch gần 91 USD/thùng, sau khi tăng gần 6% vào thứ Sáu, đóng cửa tuần tăng mạnh. Cuối tuần qua, các quan chức Mỹ đã gấp rút đàm phán với các quốc gia Trung Đông - bao gồm cả các cuộc đàm phán ngầm với Iran - để ngăn chặn xung đột.
Marija Veitmane, chiến lược gia đa tài sản cấp cao của State Street Global Markets, cho biết tâm lý thị trường đã được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng các nỗ lực ngoại giao sẽ phần nào kiềm chế được xung đột ở Trung Đông. Tuy nhiên, bà khuyến nghị nên thận trọng khi “gia tăng vị thế hiện tại vì xung đột vẫn có thể leo thang. Hơn nữa, mối lo ngại về lãi suất cao trong thời gian dài hơn vẫn chưa biến mất, điều này đối với chúng tôi vẫn là lực cản lớn đối với cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Pablo Hernandez de Cos cho biết chi phí đi vay toàn cầu tăng cao đồng nghĩa với việc ECB hành động đủ để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò mới của các nhà kinh tế, ECB sẽ không hạ lãi suất cho đến tháng 9/2024 - cho thấy thông điệp từ các nhà hoạch định chính sách rằng việc nới lỏng sẽ không sớm xuất hiện.
Bloomberg