Chứng khoán Mỹ tăng khiêm tốn trước lo ngại Fed thắt chặt
Đức Nguyễn
FX Strategist
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ vào thứ Sáu nhưng giảm trong cả tuần trước lo ngại rằng Fed có thể tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến trước đó.
S&P 500 tăng 0.14%, chấm dứt chuỗi 3 ngày giảm điểm và đóng cửa tại 4,457.49. Chỉ số Dow Jones tăng 0.22% lên 34,576.59, và Nasdaq Composite tăng 0.09% lên 13.761,53.
Cả 3 chỉ số đều suy yếu trong tuần trước. S&P và Nasdaq lần lượt giảm 1.3% và 1.9% trong tuần giảm điểm đầu tiên sau 3 tuần. Chỉ số Dow giảm khoảng 0.8%.
Cổ phiếu năng lượng tiếp tục nhận hỗ trợ từ giá dầu, tăng 1% trong phiên và 1.4% trong tuần. Một số cổ phiếu dẫn đầu thị trường bao gồm Marathon Petroleum và Phillips 66 tăng khoảng 3%, còn Valero tăng 4%.
Những cổ phiếu công nghệ đang gặp khó khăn những phiên gần đây đang ổn định trở lại. Sau hai ngày giảm liên tiếp, Apple tăng nhẹ 0.4%. Microsoft và Salesforce tăng khoảng 1%. Những cái tên khác như Nvidia và Tesla giảm hơn 1%. Block giảm 5.3% khi công ty thanh toán này chịu sự cố ngừng hoạt động hệ thống.
Bryce Doty, phó chủ tịch cấp cao và quản lý danh mục đầu tư tại Sit Investment Associates, cho biết các nhà đầu tư có thể cảm thấy thoải mái hơn khi không có tin xấu trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu sau một loạt dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến vào đầu tuần.
“Khi bạn nghĩ về nền kinh tế, ta đang trong một tình thế đau đầu. Nếu có vẻ như chúng ta sẽ tránh được việc hạ cánh cứng, thì tin tức kinh tế tốt và sự nhẹ nhõm sau đó chuyển thành kỳ vọng ngày càng tăng về việc Fed tăng lãi suất.”
Dữ liệu kinh tế gần đây, bao gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu thấp hơn dự kiến, đã làm dấy lên lo ngại về việc Fed còn nhiều việc phải làm. Tính đến thứ Sáu, thị trường định giá 40% khả năng các quan chức thắt chặt 25bp trong cuộc họp tháng 11, sau khi giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9.
Yung-Yu Ma, chiến lược gia đầu tư trưởng tại BMO Wealth Management, cho biết những yếu tố này, cùng với những dấu hiệu cho thấy các công ty đang hoạt động tốt bất chấp lãi suất tăng, đang góp phần tạo ra tình trạng giằng co trên thị trường hiện nay.
“Hiện tại, chúng ta đang ở trong một giai đoạn kỳ lạ, nơi tin tốt có thể là tin xấu, nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ kéo dài quá lâu,” ông nói thêm rằng việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thể lật ngược câu chuyện đó.
CNBC