Chứng khoán Nhật Bản tăng bất chấp việc BoJ tăng lãi suất
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm của BoJ không gây biến động cho thị trường vì điều này đã được kỳ vọng từ trước, chứng khoán quốc gia này có thể sẽ tiếp tục kéo dài đợt phục hồi.
Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng những đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra dần dần, tạo cơ hội cho chứng khoán Nhật Bản tăng, ít nhất là trong trung hạn. Quyết định tăng lãi suất cũng giúp BoJ có thể giảm việc mua trái phiếu, mặc dù việc tiếp tục mua vào thời điểm hiện tại sẽ giảm thiểu rủi ro lợi suất tăng vọt.
Đây là những gì các nhà phân tích và chiến lược gia đã nói:
Charu Chanana, chiến lược gia thị trường của Saxo Capital Markets: “Một quyết định đúng đắn từ BoJ đã giúp tránh tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính. Những bình luận cho thấy rằng họ kỳ vọng các điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian, đây là tín hiệu cho thấy việc tăng lãi suất liên tục khó có thể xảy ra.”
“Việc chấm dứt lãi suất âm cũng là một lời khẳng định cho sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản. Lợi nhuận cao hơn từ tiền tiết kiệm và đầu tư ở Nhật Bản có thể thúc đẩy sức chi tiêu của người tiêu dùng và tạo cơ sở để cổ phiếu Nhật Bản cả thiện đà tăng trưởng.”
Tomo Kinoshita, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco Asset Management Japan: “Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ đánh giá tích cực sự thay đổi chính sách này của BoJ như một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Nhật Bản. Mặc dù cần phải xem xét kỹ lưỡng phạm vi tăng lãi suất, BoJ có thể sẽ chấp nhận mức tăng lên tới khoảng 1.2% trên cơ sở lợi suất danh nghĩa kỳ hạn 10 năm của TPCP Nhật Bản vào thời điểm hiện tại để giữ lợi suất thực kỳ hạn 10 năm ở mức âm.”
Tetsuo Seshimo, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Saison Asset Management: “Cuối cùng chúng ta đã có thể khẳng định giảm phát đang trên đà chấm dứt và tôi nghĩ đó sẽ là một yếu tố tích cực. BoJ đã chấm dứt lãi suất âm, nhưng điều đó không có nghĩa là lãi suất sẽ tăng và tăng mãi. Việc chuyển từ lãi suất âm sang 0 có ít trở ngại, tuy nhiên việc chuyển từ âm sang 0.5% hoặc 0.25% sẽ khó khăn hơn một chút.”
Hiromi Ishihara, người đứng đầu bộ phận đầu tư cổ phần tại Amundi Japan: "Tôi không mong đợi BoJ sẽ tăng lãi suất thêm trong giai đoạn này, vì vậy cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn vì chúng đang hoạt động tốt hơn. Với kết quả tích cực từ các cuộc đàm phán lương, tôi kỳ vọng tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi.''
Akio Kato, giám đốc cấp cao của bộ phận nghiên cứu và đầu tư chiến lược tại Công ty quản lý tài sản Mitsubishi UFJ: “Chúng ta cần tính đến khả năng BoJ sẽ giảm dần việc mua TPCP sau tháng Tư. Do phạm vi mua theo kế hoạch đã giảm đối với TPCP kỳ hạn dài, BoJ có thể sẽ muốn giảm việc mua vào các TPCP kỳ hạn 25 năm trở lên càng nhiều càng tốt. Lợi suất kỳ hạn 10 năm có khả năng tăng lên 1% đến 1.2% vào cuối năm."
Keisuke Tsuruta, chiến lược gia trái phiếu cao cấp tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities: “Cam kết mở rộng cơ sở tiền tệ được coi là rào cản cho việc cắt giảm mua trái phiếu của BoJ. Giờ đây, BoJ có thể tiến hành giảm mua trái phiếu mà không bị hạn chế bởi cam kết lạm phát vượt mức. Vì mục tiêu lạm phát chưa hoàn toàn đạt được nên BoJ không vội tăng lãi suất liên tục. Rủi ro về lợi suất tăng đột biến được giảm thiểu nhờ hoạt động mua trái phiếu có lợi suất cố định và hoạt động cung cấp vốn.”
Toshiyasu Ohashi, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Daiwa Securities: "Đây là bước đầu tiên hướng tới một thị trường mà các nhà đầu tư có thể nhận thức được rủi ro tín dụng thích hợp. Trái phiếu doanh nghiệp không được cho là một sản phẩm tài chính có rủi ro dài hạn, nhưng trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm thì có.”
Bloomberg