CPI tăng nóng, chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo nặng nề
Tùng Trịnh
CEO
Các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi nhẹ đầu phiên Á hôm nay, chỉ vài giờ sau khi áp lực đối với nhóm cổ phiếu công nghệ đã khiến Dow Jones trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ tháng Giêng.
Hợp đồng tương lai Nasdaq tăng nhẹ 0.1%, trong khi các hợp đồng S&P 500 tăng 0.1%. Chỉ số Dow Jones cũng tăng khoảng 70 điểm.
Thông báo về việc Colonial Pipeline đã bắt đầu lại hoạt động đã xoa dịu một số nhà đầu tư lo ngại về khả năng cung cấp xăng dầu cho Bờ Đông.
Công ty này cho biết có thể mất "vài ngày" để chuỗi cung ứng trở lại hoạt động bình thường, nhưng họ sẽ vận chuyển nhiều xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay một cách an toàn nhất có thể để khôi phục hoạt động bình thường sau khi các hacker khiến công ty bị đình chỉ dịch vụ vào tuần trước.
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Tư, với sự giảm giá của cổ phiếu công nghệ khi dữ liệu lạm phát cho thấy áp lực giá cao hơn dự kiến.
Chỉ số Dow giảm 681 điểm, tương đương 1.99%, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng Giêng. S&P 500 mất 2.1%, mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ tháng Hai, trong khi Nasdaq Composite giảm 2.6%.
Bộ Lao động báo cáo rằng giá cả người tiêu dùng Mỹ phải trả cho hàng hóa và dịch vụ đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008 vào tháng trước, Chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt 4.2% so với một năm trước.
Nếu loại trừ giá lương thực và năng lượng có nhiều biến động, CPI cơ bản tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020 và 0.9% theo tháng.
“Tuần trước, S&P 500 đã đóng cửa gần mức cao kỷ lục mọi thời đại và hôm nay, ba ngày sau, nó giảm hơn 4%!” Jim Paulsen, giám đốc đầu tư của The Leuthold Group, đã viết.
“Các nhà đầu tư không chỉ bán phá giá các cổ phiếu tăng trưởng, những món hàng không được ưa chuộng trong thời kỳ lạm phát tăng, mà sau đó còn bán ra gần như tất cả các cổ phiếu khi lo ngại Fed có thể buộc phải hạ QE hoặc thậm chí tăng lãi suất trong thời gian tới”
Các nhà đầu tư đã nhanh chóng bán phá giá cổ phiếu tăng trưởng trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng do giá cả tăng có xu hướng bóp chết tỷ suất lợi nhuận và làm xói mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Nếu áp lực giá tăng quá nóng trong một thời gian dài, Cục Dự trữ Liên bang sẽ buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Công nghệ, một lĩnh vực hoạt động hàng đầu vào năm 2020 trong bối cảnh cao điểm của đại dịch Covid-19, đã phải chịu áp lực rõ rệt trong những tuần gần đây.
Cổ phiếu của Alphabet, Microsoft, Amazon và Apple đều giảm hơn 2%. Các hãng sản xuất chip trong VanEck Vectors Semiconductor ETF đã giảm 4.1%. SPDR lĩnh vực công nghệ giảm hơn 5% trong tuần này và 6% trong tháng này.
CNBC